Gần 60 tấn cá của các hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Plei Krông (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) chết hàng loạt, người dân thiệt hại hàng tỷ đồng.

gan 100 tan ca chet bat thuong tai ho thuy dien plei krong
Người dân quây cá chết tại lòng hồ thủy điện Plei Krông đưa đi chôn lấp. (Ảnh: baokontum.com.vn)

Ngày 13/7, Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum ban hành công văn hỏa tốc về việc xác minh nguyên nhân khiến 60 tấn cá lồng chết bất thường tại lòng hồ Plei Krông (huyện Đăk Hà), đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Trước đó, ngày 10/7, 6 hộ nuôi cá tại lòng hồ thủy điện Plei Krông (sông Đak Uy) phát hiện cá trong lồng có hiện tượng thiếu oxy, nổi lên mặt nước nên người dân đã tích cực bơm sục khí để cứu cá. Đến khoảng 22h cùng ngày, cá trong lồng của các hộ hầu hết chết hàng loạt, nổi trắng mặt nước. Trong đó, hộ bị thiệt hại ít nhất cũng lên đến vài tấn cá chết, có hộ bị thiệt hại nhiều lên đến cả chục tấn. Số cá chết chủ yếu là cá diêu hồng, cá trắm, cá chép, cá rô đã đến thời kỳ thu hoạch, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Ông Trần Văn Tuấn (hộ nuôi cá lồng bè thuộc thị trấn Đắk Hà) cho hay: “Tôi nuôi cá lồng được nhiều năm trên lòng hồ Plei Krông, nhưng chưa bao giờ cá chết hàng loạt như vậy. Vào đêm ngày 10/7, cá nổi lên chết hàng loạt, ước tính số lượng cá chết khoảng hơn 20 tấn. Trong đó, tôi đã bỏ ra hơn 600 triệu tiền vốn để mua thức ăn và giống, số tiền này tôi đều thế chấp ngân hàng để vay, giờ cá chết sạch không biết lấy tiền đâu trả nữa…

Ngày 12/7, đại diện UBND huyện Đăk Hà đã xuống hiện trường kiểm tra thực tế tình hình và ghi nhận có 28 lồng cá chết, trọng lượng khoảng gần 60 tấn cá diêu hồng và cá trắm – đều đã đến kỳ thu hoạch.

Theo ông Đoàn Ngọc Thắng – Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, huyện đã yêu cầu nhân sự Phòng TN&MT lấy mẫu nước để gửi đi kiểm tra. Ông Thắng nhận định đợt cá chết này gây thiệt hại lớn cho người dân, nguyên nhân chính thức thì đang chờ kết quả xác minh của ngành chức năng, nhưng theo người dân phản ánh, có thể là do thủy điện xả mạnh, nước rút nhanh và sâu.

Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu nước tại điểm xả cuối cùng của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Tây Nguyên – Đăk Hà; lấy mẫu nước tại khu vực lòng hồ nuôi cá lồng của các hộ gia đình và trao đổi với các hộ có cá chết bất thường để tìm hiểu sự việc.

Sau khi cá chết, người dân đã tổ chức vớt cá để chôn lấp, tránh gây ô nhiễm môi trường. Một người dân nuôi cá lồng cho hay mực nước hồ vào sáng ngày 13/7 cao hơn chiều ngày 12/7 do có mưa lớn vào đêm hôm trước. Tuy nhiên, nước từ các suối đổ về đã làm lượng cá được chôn lấp ngày 12/7 trôi ngược về lòng hồ nên người dân lại chèo thuyền vớt cá chết để chôn lấp lại.

Hiện cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Hoàng Minh (T/h)

Xem thêm: