Dự án được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết 23/NQ-HĐND ngày 8/12/2016. Hơn 800 m bờ kè đã được dựng lên trong quá trình thi công diễn ra từ nửa năm nay. 

lap song tien xay cong vien trai cay rong gan 10 ha
Khoảng gần 10 ha, trong đó 6 ha mặt nước khu vực ngã ba sông Tiền và sông Cái Bè, đối diện với cù lao Tân Phong đứng trước nguy cơ bị biến thành đất dự án, bất kể nguy cơ làm thay đổi dòng chảy, khiến dòng sông bị sạt lở mạnh hơn. (Hình ảnh: Google Maps; Ảnh nhỏ: thtg.vn)

Dự án Công viên trái cây nằm trên địa bàn thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, do Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Cái Bè làm chủ dự án.

Dự án có quy mô diện tích dự kiến khoảng 9,78 ha, tại khu vực tiếp giáp giữa sông Tiền và sông Cái Bè, trong đó diện tích phần lấn sông khoảng 6,8 ha. Khoảng cách mở rộng trung bình từ bờ kè hiện hữu ra lòng sông Tiền là 110 m (vị trí xa nhất là 160 m). Tổng lượng cát cần san lấp là 695.388 m3, tương đương 434.618 tấn.

Công trình chính 54.000 m2 gồm khu vườn cây trồng xoài cát Hòa Lộc, cam xoàn, ổi, bưởi long Cổ Cò… và khu công viên cây xanh.

Hơn 13.000 m2 sẽ được sử dụng làm khu thương mại dịch vụ, xây dựng các công trình nhà hàng, khách sạn, ki-ốt giải khát, bán hàng lưu niệm, các dịch vụ khác.… Diện tích còn làm đường giao thông, sân bãi nội bộ, đất bãi đỗ xe, cảnh quan… Thời gian thực hiện dự án từ 2017 – 2020.

Theo Nghị quyết 23, HĐND tỉnh phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư trên 294 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước gần 104 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư 190,6 tỷ đồng.

Trên cơ sở các phương án chủ đầu tư trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất phương án đầu tư dự án với tổng mức vốn 375,5 tỷ đồng, trong đó 188,8 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước, 186,7 tỷ đồng kêu gọi đầu tư.

Hiện tại, UBND huyện Cái Bè đã hoàn chỉnh dự án theo phương án do Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất để trình duyệt dự án, đồng thời lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, trình thẩm định và phê duyệt, lập hồ sơ mời thầu, đấu thầu thi công công trình. Dự kiến khởi công trong quý 4/2017.

Khoảng nửa năm qua, dự án đang được thi công với 800 m bờ kè đã được dựng dọc sông Tiền, từ khu nhà dân đến bờ kè hiện hữu ở ngã ba sông Cái Bè.

Trên Tuổi Trẻ (29/10/2017), Ths Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL và TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ) khẳng định về mặt kỹ thuật, việc lấn sông chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy, gây áp lực lên bờ sông, gây sạt lở phía bên kia sông Cái Bè và phía bên cù lao Tân Phong.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, thực tế dọc tuyến đường trên cù lao Tân Phong, giáp mé sông Tiền có những căn nhà bỏ hoang bên mé sông, những nền nhà đã bị sạt một nửa xuống sông. Tại điểm du lịch Năm On – nằm hơi chếch về phía hạ nguồn sông Tiền so với khu dự án – có những xoáy nước cuộn vào chân bờ kè.

Theo phản ánh của Nông Nghiệp (11/5/2017), dòng sông Tiền đã bị sạt lở tại nhiều điểm từ nhiều năm qua. Theo giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp – ông Nguyễn Văn Công, dòng chính sông Tiền dài khoảng 122,9 km thì có từ 23 – 101 km đường bờ sông bị xói lở (chiếm 20 – 80%); tổng cộng 291,74 ha đất đã bị nước cuốn trôi; thiệt hại ước tính 320 tỷ đồng (xói lở đất, nhà, tài sản; di dời dân).

Vào tối 13/8 vừa qua, gần 100 m đất đoạn qua ấp Long Thuận, xã Long Thuận bị sạt lở vào sâu 15 m, làm 2.400 m2 đất, một quán nước bị rơi xuống sông, 9 hộ dân phải di dời trong đêm.

Nguyễn Sơn (T/h)

Xem thêm: