Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 của Quốc hội cho biết mỗi năm, Việt Nam có khoảng 70.000 người chết vì bệnh ung thư.

ung thu
Tỷ lệ ung thư có xu hướng trẻ hóa, giảm dần độ tuổi, đặc biệt đối với trẻ em. (Ảnh minh họa/dẫn qua nguoiduatin)

Trong báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày trước Quốc hội vào ngày 5/6, con số người chết do ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm đặc biệt lớn.

Từ năm 2011 đến năm 2016, trung bình mỗi năm có 167,8 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 5.000 người mắc/năm và khoảng 27 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm.

Có 7 bệnh truyền qua thực phẩm được ghi nhận, với 4.012.038 ca bệnh, khiến 123 người chết. Tính trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết.

Trong đó, bệnh ung thư có diễn biến tăng “báo động”. Mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Tính trung bình, mỗi nửa giờ lại có 4 người chết vì ung thư ở Việt Nam.

Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới, khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được.

Rau có tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47%. Trong tổng 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị kiểm tra, phát hiện 9.056 hộ vi phạm (chiếm 16,54%); kiểm tra 2.064 đợt với 63.230 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và xử lý trên 7.434 cơ sở vi phạm (chiếm 11,7%).

97% lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ trong nước được giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong đó đa phần là các cơ sở không khai báo, không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ; điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo, giết mổ, pha lóc, làm sạch phủ tạng trực tiếp trên sàn, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, theo báo cáo, việc quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm có không ít những tồn tại yếu kém, như tổ chức thực hiện chưa thường xuyên; bất cập cả về tổ chức, nguồn lực và cơ chế phối hợp của bộ máy. Việc quản lý an toàn thực phẩm đối với rau, quả, thịt, sản phẩm thịt tươi sống, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật còn là khâu yếu; thụ động trong thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về an toàn thực phẩm; chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm…

Tình trạng vi phạm quy định an toàn thực phẩm khá phổ biến. Có lúc, có nơi, an toàn thực phẩm đã đến giới hạn báo động – giới hạn đỏ”, báo cáo đưa ra nhận định.

Việt Nam thuộc top 2 của bản đồ ung thư thế giới

Tại hội thảo quốc gia về phòng chống ung thư năm 2016 tổ chức vào tháng 10/2016 ở Hà Nội, theo số liệu của WHO, mỗi năm Việt Nam có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, mỗi ngày trung bình 315 người, thuộc top 2 của bản đồ ung thư thế giới, ngang tỷ lệ với 50 quốc gia khác (50 nước cao nhất thuộc top 1). Cụ thể, theo bảng đánh giá của WHO, Việt Nam ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát có tỷ lệ tử vong 110/100.000 người (theo công bố tháng 5/2014), ngang tỷ lệ với những nước như Phần Lan, Somalia, Turmenistan.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý y tế trong nước, hơn 1/3 bệnh nhân ung thư ở nhóm 25 – 49 tuổi. 5 loại ung thư phổ biến nhất ở cả nam và nữ là ung thư đường tiêu hóa (trên 22%), ung thư vú (trên 20%), ung thư phụ khoa (gần 15%), ung thư đầu cổ (gần 11%) và ung thư phế quản, phổi (gần 9%).

Tại hội thảo, theo giám đốc Bệnh viện K – ông Trần Văn Thuấn, 80% bệnh nhân ung thư có liên quan đến môi trường sống hàng ngày, bao gồm lối sống thiếu khoa học, các thói quen sinh hoạt, tật xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và không an toàn.

Dẫn ví dụ, GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết ở Việt Nam, ung thư phổi ở nam giới chỉ tương đương các nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc. Nhưng ung thư phổi ở nữ bằng gần 2/5 nam giới, một trong các nguyên nhân do hút thuốc lá bị động.

Trong một cuộc phỏng vấn trên Báo Đời sống & Sức khỏe (26/5/2017),  PGS. TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết các bệnh đường hô hấp (trong đó có ung thư phổi) liên quan nhiều nhất đến tình trạng ô nhiễm môi trường. “Môi trường không khí trở nên cực kỳ nguy hiểm, nếu xuất hiện các hạt có kích thước dưới 5 micromet vì những hạt này có thể vào sâu tận phế nang và lưu ở đó“, bác sỹ Nhung cho hay.

Nguyễn Quân (T/h)

Xem thêm: