Theo Bộ LĐ-TB&XH, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý 1/2017 là 1101,7 nghìn người, tăng 29,4 nghìn so với cùng kỳ năm 2016 (1072,3 nghìn người).

that nghiep
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động có trình độ đại học trở lên tiếp tục cao nhất với 138,8 nghìn người. (Ảnh minh họa)

Viện Khoa học LĐ&XH (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) vừa công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 13, quý 1/2017.

Theo kết quả công bố, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 là 5,1%, thấp hơn cùng kỳ nhiều năm, trong khi tỷ số giá tiêu dùng đạt 4,96%, tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm nhanh hơn các quý trước; tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tiếp tục tăng, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng (tăng hơn 300.000đ/người/tháng so với cùng kỳ năm trước).

Số người có việc làm chuyển dịch theo hướng tăng so với cùng kỳ năm 2016, tuy nhiên, giảm so với thời điểm cuối năm 2016. Hiện số lao động có việc làm là 53,36 triệu, tăng 74,43 nghìn người (0,14%) so với quý 1/2016, giảm 41,85 nghìn người (0,08%) so với quý 4/2016.

that nghiep
Một số chỉ tiêu kinh tế và thị trường lao động chủ yếu. (Nguồn: TCTK (2016, 2017), Số liệu thống kê và Số liệu Điều tra Lao động – Việc làm hàng quý.

(*) số liệu cả năm

Hiện cả nước có 1.101,7 nghìn người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 29,4 nghìn người so với quý 1/2016.

Số lượng người thất nghiệp trong độ tuổi lao động có trình độ đại học trở lên tiếp tục cao nhất với 138,8 nghìn người trong tổng số.

Tiếp đến là nhóm trình độ cao đẳng (104,2 nghìn người), nhóm trình độ trung cấp (83,2 nghìn người). Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ở mức 7,29%, cao hơn quý 4/2016 và quý 1/2016.

that nghiep
Số lượng người thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo cấp trình độ (Đơn vị: nghìn người). (Nguồn: TCTK (2016, 2017), Điều tra LĐ-VL hằng quý)

Về nhu cầu tìm việc làm, nhóm có trình độ đại học trở lên chiếm 15,9% tổng số người tìm việc làm, giảm 13,0 nghìn người so với quý 4/2016. Nhóm có trình độ cao đẳng chiếm 21,3%, giảm 14,6 nghìn người. Đối với nhóm có bằng trung cấp, mặc dù đã giảm 4,7 nghìn người so với quý 4/2016 (21,6 nghìn người), nhóm này vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong số đối tượng tìm việc làm: 30,4%.

Số người tìm việc không có bằng cấp chiếm 19,1%, giảm 13,5 nghìn người so với quý 4/2016.

Đáng chú ý, nghề “kế toán-kiểm toán” vẫn tiếp tục là nhóm nghề có số người tìm việc nhiều nhất 3,6 nghìn người (chiếm 23,4%); con số này đã giảm 16,5 nghìn người so với quý 4/2016. Tiếp đến là nhóm nghề “nhân sự” với 1,1 nghìn người đang thất nghiệp (chiếm 7,1%); con số này đã giảm 5,4 nghìn người so với quý 4/2016. Cuối cùng làm nhóm “lao động phổ thông” với 1,1 nghìn người cần tìm việc (chiếm 7,0%); con số này giảm 5,8 nghìn người so với quý 4/2016.

Thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm, có hơn 232 nghìn người tìm được việc làm; thông qua các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, đã đưa được 22.572 người đi làm việc ở nước ngoài (trong đó 36,6% là nữ), gồm các thị trường: Đài Loan 10.896 người (chiếm 48,27%); Nhật Bản 9.684 (42,29%); Hàn Quốc 675 người (3%); Ả rập – Xê út 594 người (2,6%); còn lại là các thị trường khác.

Trần Tâm

Xem thêm: