Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định; Bảo hiểm tiền gửi nâng lên mức tối đa 75 triệu đồng; Tăng lương hưu, trợ cấp thêm 7,44%; Quy định mới về công khai ngân sách,… là những nội dung chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2017.

chinh sach noi bat
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2017. (Ảnh: shutterstock)

EVN được quyền tăng – giảm giá điện

Quyết định số 24/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân có hiệu lực từ ngày 15/8/2017.

Theo quyết định, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh giảm. Ngược lại, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Trong trường hợp giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá, hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá bán điện bình quân.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng. Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.

Nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 75 triệu đồng

Quyết định số 21/2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 5/8/2017.

Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, được điều chỉnh tăng lên 75 triệu đồng.

Theo đó, nếu tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi hoặc phá sản, người gửi tiền sẽ nhận được số tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng.

Quy định mới về công khai ngân sách

Từ ngày 1/8/2017, việc công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư 61/2017 do Bộ Tài chính ban hành.

Với nội dung công khai kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ, các tổ chức cấp trên công khai dự toán thu – chi ngân sách Nhà nước hỗ trợ, kể cả phần điều chỉnh giảm hoặc bổ sung (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền giao, nguồn kinh phí khác và phân bổ cho các đơn vị cấp dưới trực thuộc (trong đó có dự toán của đơn vị mình trực tiếp sử dụng)…

Báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được tổ chức dự toán cấp trên hoặc cấp có thẩm quyền giao đầu năm và điều chỉnh giảm hoặc bổ sung trong năm (nếu có).

Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước hằng quý, 6 tháng phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc quý và 6 tháng.

Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước hàng năm được công khai chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày đơn vị báo cáo tổ chức dự toán cấp trên trực tiếp.

Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được tổ chức cấp trên hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tăng lương hưu, trợ cấp thêm 7,44%

Nghị định 76/2017 quy định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017. Các chế độ quy định tại nghị định được thực hiện kể từ ngày 1/7/2017.

Theo đó, Chính phủ quyết định từ ngày 1/7/2017 tăng thêm 7,44% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an đang hưởng trợ cấp hàng tháng; cán bộ cấp xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng…

Ưu đãi tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Nghị định số 74/2017 quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) có hiệu lực từ ngày 5/8.

Đối với ưu đãi về thuế, các dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về thuế.

Trong đó, các dự án đầu tư mới tại Khu Công nghệ cao có quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm; các dự án được UBND cấp tỉnh cấp phép đầu tư trước ngày 23/5/2008 và đang hoạt động tại đây được hưởng các ưu đãi về thuế theo Giấy chứng nhận đầu tư/ Giấy phép đầu tư/ Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã được cấp.

Về chính sách phát triển nhà ở cho người lao động làm việc tại Khu Công nghệ cao, UBND TP. Hà Nội sẽ ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại đây,…

Về ưu đãi xuất nhập cảnh và quản lý lao động nước ngoài, các nhà đầu tư, chuyên gia và người lao động là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài và thành viên gia đình được xem xét cấp thị thực xuất cảnh, nhập cảnh có giá trị sử dụng nhiều lần và thời hạn phù hợp với thời gian làm việc trực tiếp tại Khu Công nghệ cao.

Đối với các dự án cần đặc biệt thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Bộ KH&CN trình Chính phủ hoặc Thủ tướng quyết định các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung.

Diệp Thu

Xem thêm: