Tham nhũng thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, thế nhưng tỷ lệ tài sản thu hồi luôn ở mức thấp, số người bị phát hiện gian dối trong kê khai tài sản thì không có hoặc thấp ở mức đáng ngạc nhiên. Tham nhũng và chống tham nhũng ấy, như mối như hà đang ngấm ngầm làm đổ đê, thủng con thuyền Việt Nam lúc nào không hay.

Tham nhũng
(Tranh biếm họa/Sưu tầm)

Hàng ngàn tỷ đồng không được thu hồi

Theo báo cáo hàng năm của cơ quan thanh tra và nội chính chính phủ, trong 3 năm gần nhất, thu hồi tài sản tham nhũng chưa bao giờ vượt quá tỷ lệ đạt 60%, thậm chí có năm chỉ đạt dưới 10%.

Cụ thể, năm 2015, thiệt hại do tham nhũng gây ra trên 950 tỷ đồng và gần 10.000 m2 đất, nhưng thu hồi tài sản tham nhũng chỉ trên 505 tỷ đồng (55,8%) và 2.887 m2 (29,2%).

Năm 2014, số tiền thiệt hại là hơn 6.740 tỷ đồng, thu hồi nộp ngân sách hơn 1.500 tỷ đồng, tức tương đương 1/5 tài sản tham nhũng (22,3%).

Năm 2013, tổng thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC và 155.000 m2 đất; thu hồi nộp ngân sách nhà nước chỉ trên 900 tỷ đồng, tức thu hồi được chưa đến 10%.

Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng vào ngày 12/7 vừa qua, Thanh tra Chính phủ cho biết thiệt hại kinh tế do các vụ tham nhũng gây ra lên tới 59.750 tỷ đồng, nhưng chỉ thu hồi được hơn 4.676 tỷ đồng, tức chỉ vỏn vẹn 7,8%. Hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Còn trong tổng trên 400 ha đất bị tham nhũng, chỉ thu hồi được trên 219 ha, tương đương 54%.

Nói về thất bại của nhà nước trong thu hồi tài sản bị tham nhũng, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng cho hay:

Việc thu hồi tài sản bị “đánh cắp” không phải dễ dàng. Bởi lẽ, tham nhũng ở Việt Nam hiện nay rất phức tạp, đã trở thành “tập quán”. 

Một khi tham nhũng khó kiểm soát thì việc thu hồi tài sản tham nhũng sẽ rất khó đạt yêu cầu” (Giáo dục Việt Nam, 24/7/2015).

>> Người Việt thờ ơ với chính trị hay là bị mắc kẹt ở nghèo đói và tham nhũng?

Những báo cáo phát hiện gian dối gần như bằng 0

Quy định kê khai và công bố tài sản, thu nhập hàng năm được cho là để tăng cường tính giám sát, tự kiểm tra. Nhưng nếu nhìn vào số tài sản bị “đánh cắp” lớn đến hàng ngàn tỷ đồng, thì số người bị phát hiện gian dối trong kê khai tài sản, thu nhập luôn thấp một cách đáng ngạc nhiên.

Theo thống kê mới nhất của Thanh tra Chính phủ, trong 8 năm (2007-2014) có tổng số trên 5,55 triệu lượt kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, đã công khai trên 2.291 trường hợp, đã xác minh 2.632 trường hợp nhưng chỉ xử lý kỷ luật 18 người.

Năm 2015 có hơn 1 triệu người phải kê khai tài sản, nhưng không phát hiện ra vi phạm dù xác minh 414 trường hợp.

Năm 2014, chỉ 2 người bị xử lý kỷ luật và 2 người đang trong quá trình xem xét kỷ luật trong tổng số hơn 999.416 người phải kê khai tài sản (995.383 người thực hiện kê khai, xác minh 1.225 người).

Năm 2013, chỉ 5 người phải tiến hành xác minh, 1 người bị phát hiện kê khai không trung thực và bị cảnh cáo trong tổng số 952.178 người phải kê khai tài sản (944.425 người thực hiện kê khai).

Tỷ lệ kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập hàng năm luôn đạt 98-99%, nhưng chúng như lớp vỏ đẹp đẽ che đậy cho con số hàng ngàn tỷ đồng tham nhũng bị thất thoát, với tỷ lệ số người bị phát hiện gian dối trong kê khai gần như bằng 0%.

Tham nhũng thất thoát, thu hồi tài sản tham nhũng thất bại, vậy thì “nỏ thần” chống tham nhũng đang sa vào tay ai?

Việt Nam đang chống ‘nội xâm’ ra sao?

Phát biểu trong phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế – xã hội, ngày 26/3/2011, đại biểu Quốc Hội Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho hay: “Chống tham nhũng phải như quét cầu thang, quét từ trên quét xuống chứ không phải quét từ dưới quét lên”.

Ngụ ý trong câu trên rằng chống tham nhũng là cần “quét từ trên xuống”, cần bắt đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất trở xuống thì mới có hiệu quả. Nếu “quét từ dưới quét lên”, chỉ có những nhân viên hay lãnh đạo cấp thấp là bị xử, lên cấp cao là bị dừng lại, thì vì thế mà tham nhũng vẫn hoành hành, có chống mà không giảm được thất thoát.

Ngày 17/10 vừa qua, trong buổi tiếp xúc với cử tri tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho hay tham nhũng là “nội xâm”, là vấn đề nội tại: “Nhiều người bảo chống nội xâm càng khó là vì tự ta đánh vào ta “.

Phải, vì chống tham nhũng là “tự ta đánh vào ta” nên việc thu hồi tài sản tham nhũng đã yếu, tự phát hiện tham nhũng lại càng yếu hơn. Thật khó giải thích với người dân khi tính đến đầu tháng 9/2016, Kiểm toán Nhà nước đã xét duyệt 158 kế hoạch kiểm toán, tổng kết 97 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính là 13.150,7 tỷ đồng, nhưng chưa chuyển vụ việc nào sang cơ quan công an để điều tra, khởi tố.

Dưới thời Lê sơ, nạn tham nhũng đã bị coi như cái nạn ngấm ngầm đục khoét làm “đổ đê, thủng thuyền”: “Quan coi đê sợ mối làm sụp đổ đê lúc nào không hay, người đi thuyền sợ hà đục thủng thuyền lúc nào chẳng biết”. Đến thời nay, tham nhũng được gọi thẳng tên là “nội xâm“.

Nhưng chừng nào nhà nước còn đứng ra gánh nợ thì giặc “nội xâm” còn mãi nhiễu nhương. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2016, tội phạm về tham nhũng và chức vụ đã tăng 40% so với cùng kỳ 2015, theo số liệu của Viện Kiểm sát nhân dân TP.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng cho hay:

“Chống tham nhũng không chỉ dừng lại ở việc thu hồi tài sản tham nhũng. Vấn đề nằm ở chỗ, phải có biện pháp ngăn chặn tận gốc vấn đề phát sinh tham nhũng chứ không việc giải quyết hậu quả của tham nhũng” (Giáo dục Việt Nam, 24/7/2015).

Đối với những báo cáo minh bạch tài sản, điều tra tham nhũng hàng năm, người dân không trông đợi ở những báo cáo với 0 người vi phạm, 0 vụ điều tra, khởi tố. Họ trông đợi ở những con số tài sản thất thoát ở mức rất thấp, ở số tiền thu hồi đạt ở mức cao, và số vụ án tham nhũng giảm dần. Điều đó đặt ra yêu cầu về tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như sự công liêm của người thực thi, trong mỗi từng ngành, cấp trong chính quyền.

Lê Trai

Xem thêm: