Đói nghèo là một trong những vấn đề đáng quan ngại nhất trong các vấn đề kinh tế – chính trị – xã hội ở Việt Nam năm 2015, tiếp đến là việc làm, điều kiện đường xá/giao thông, tham nhũng và tình hình an ninh, trật tự.

Đây là một trong những kết quả khảo sát được Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP công bố trong “Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2015): Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân”.

Chương trình có tên gọi tắt theo tiếng Anh là PAPI, là một trong những công cụ độc lập đo lường hiệu quả của bộ máy công quyền hiện nay ở Việt Nam. Chương trình đã phỏng vấn trực tiếp gần 75.000 lượt người dân tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước từ năm 2009 đến 2015.

Nghiên cứu PAPI (2009-2015) đề cập đến 6 chỉ số nội dung, gồm:

  • Tham gia của người dân ở cấp cơ sở
  • Công khai, minh bạch
  • Trách nhiệm giải trình với dân
  • Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công
  • Thủ tục hành chính công
  • Cung ứng dịch vụ công

Báo cáo PAPI 2015 được xây dựng trên nền tảng nghiên cứu định lượng với quy mô mẫu khảo sát đạt 13.955 người dân, được chọn ngẫu nhiên đại diện cho các nhóm nhân khẩu đa dạng từ tất cả 63 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Với nội dung khảo sát là nêu lên 3 vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường đáng quan ngại nhất ở Việt Nam được thêm vào trong nghiên cứu của năm 2015, câu trả lời từ những người dân tham gia cho thấy, đói nghèo là một trong những vấn đề đáng quan ngại nhất, tiếp đến là việc làm, điều kiện đường xá/giao thông, tham nhũng và tình hình an ninh, trật tự.

Chỉ khoảng 5% số người được hỏi cho rằng tranh chấp biển Đông (vốn dành được sự quan tâm của báo giới) là vấn đề đáng quan ngại nhất, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 18% cho rằng đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất.

Đói nghèo không chỉ được xem là vấn đề hệ trọng nhất ở phạm vi toàn quốc mà còn ở từng vùng địa lý. Trong khi Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ không coi đói nghèo là vấn đề quan ngại nhất thì tại 6/8 vùng địa lý còn lại, đói nghèo là vấn đề quan ngại hàng đầu (gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long).

Chỉ số “Công khai, minh bạch” trong quản trị và hành chính công sụt giảm mạnh

Theo kết quả phân tích dữ liệu PAPI 2015 và so sánh qua các năm, hiệu quả quản trị và hành chính công ở Việt Nam có xu hướng suy giảm đáng kể. Đặc biệt, điểm chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch” và “Kiểm soát tham nhũng“ giảm mạnh, trong đó, mức sụt giảm điểm đáng chú ý nhất là “Công khai, minh bạch”, với kết quả năm 2015 giảm hơn 7% so với những năm trước.

Chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch” đo lường “quyền được biết” đối với những chính sách của nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ tham gia quản trị đời sống và sinh kế của người dân. Chỉ số này gồm 3 nội dung thành phần là:

  • Công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo;
  • Công khai, minh bạch ngân sách cấp xã;
  • Công khai, minh bạch quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất đền bù.

Theo kết quả khảo sát, từ năm 2011-2015, tỉ lệ người dân được biết đến danh sách hộ nghèo giảm đáng kể, và trong số ít những người biết đến danh sách hộ nghèo, chỉ có một số nhỏ tin tưởng vào độ xác thực của danh sách hộ nghèo. Số người dân được biết thông tin về thu, chi ngân sách cấp xã/phường cũng thấp hơn trước, và trong số những người được biết thông tin thì tỉ lệ người dân tin vào độ xác thực của thông tin nhận được cũng giảm xuống.

Chỉ số PAPI là một trong những công cụ độc lập đo lường hiệu quả của bộ máy công quyền hiện nay ở Việt Nam. Thời gian qua, chỉ số này ngày càng được nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức trong và ngoài nước tham khảo, sử dụng.

Theo kết quả báo cáo trong PAPI 2015, cho đến nay, đã có hơn 40 tỉnh/thành phố trên toàn quốc xem Chỉ số PAPI là công cụ giúp theo dõi và giám sát hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã/phường.

Bên cạnh đó, ít nhất 48 tỉnh/thành trên toàn quốc đã chủ trì hoặc tổ chức hội nghị khu vực và/hoặc cấp tỉnh để tìm hiểu sâu hơn về kết quả PAPI và tìm hướng tăng cường mặt mạnh, xử lý mặt yếu nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động của chính quyền.

Hải Linh

Xem thêm: