Tám hố sụt dưới chân đập thủy điện Hố Hô (Quảng Bình) tạo thành tuyến không liên tục kéo dài theo hướng Đông Nam – Tây Bắc, gần song song với bờ sông Ngàn Sâu và cách bờ sông trong khoảng 50 – 150 m, trong đó có 2 hố mới xuất hiện và đang có dấu hiệu mở rộng thêm.

8 ho sut duoi chan dap thuy dien ho ho
Hố sụt ở khu vực gần thủy điện Hố Hô khiến người dân địa phương lo lắng. (Ảnh: nld.com.vn)

Chiều ngày 28/7, Sở KH&CN tỉnh Quảng Bình phối hợp với Sở TN&MT thành lập đoàn kiểm tra thực địa các hố sụt xuất hiện tại cánh đồng thuộc thôn Tân Đức 3, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình).

Qua khảo sát và đo đạc tại thực địa, đoàn kiểm tra phát hiện tại khu vực ruộng Vèng, nằm ở bờ hữu sông Ngàn Sâu, vùng hạ lưu đập nhà máy thủy điện Hố Hô thuộc thôn Tân Đức 3 có tất cả 8 hố sụt tạo thành tuyến không liên tục kéo dài theo hướng Đông Nam – Tây Bắc, gần song song với bờ sông và cách bờ sông trong khoảng 50 – 150 m, trong đó có 2 hố mới xuất hiện và đang có dấu hiệu mở rộng thêm.

Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, hố sâu nhất hiện nay là 4 m, có đường kính 5 m, các hố này cũng đã được người dân chở đất đá lấp lại. Các hố sụt này nằm ở khu vực đất canh tác một vụ của người dân (chủ yếu là trồng ngô) và nằm cách xa khu dân cư nên không ảnh hưởng đến nhà cửa hay tính mạng người dân.

Thông tin về sự việc, chiều ngày 31/7, ông Nguyễn Đức Lý – Giám đốc Sở KH&CN Quảng Bình cho biết các hố sụt lún nói trên không liên quan trực tiếp đến dòng chảy của sông Ngàn Sâu.

Ông Lý cho hay tuyến sụt lún đất nằm ngay trên đới đứt gãy nghịch theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, thành tạo đá gốc ở dưới là đá vôi hệ tầng La Khê và ở gần bờ sông đoạn hạ lưu dưới đập hồ thủy điện Hố Hô. Đây là 3 điều kiện thuận lợi cho sự phát triển quá trình Karst (quá trình phong hóa tại những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn), nước mưa và và nước dưới đất đã hòa tan, xâm thực đối với các thành tạo đá vôi thuộc hệ tầng La Khê tạo nên những hang, hốc, hố Karst ở phía dưới lớp phủ trầm tích Đệ tứ. Cùng với đó, sự tác động xói ngầm cơ học của dòng ngầm trong các đứt gãy và khe nứt của đất đá làm gia tăng quá trình xâm thực cơ học, mở rộng các khe nứt, các hang, hóc, hố ngầm và xảy ra sụt lún đất. Theo ông Lý, đây là một hiện tượng địa chất tự nhiên.

Sở KH&CN Quảng Bình cho hay khu vực này sẽ còn tiếp tục bị sụt lún trong thời gian tới, các hố đã sụt lún khi đến thời điểm được lấp đầy ở phía dưới sẽ tạm thời ổn định.

Để đảm bảo an toàn cho người dân và gia súc, Sở KH&CN đề xuất UBND huyện Tuyên Hóa, UBND xã Hương Hóa yêu cầu thôn Tân Đức 3 hướng dẫn người dân làm rào chắn, tránh khu vực gần các hố sụt lún (kể cả gia súc), chờ đến khi nền đất ổn định mới có thể san lấp để tiếp tục canh tác.

Trước đó, đầu tháng 6, người dân thôn Tân Đức 3 phát hiện 6 hố sụt ở khu vực ruộng và trình báo đến chính quyền địa phương. Đến đầu tháng 7, Sở TN&MT Quảng Bình lập đoàn kiểm tra, báo cáo đến UBND tỉnh. Sau đó, tỉnh giao cho Sở KH&CN kiểm tra, xử lý. Sau hai cơn bão số 3 và số 4 gây mưa lớn, ở khu vực nói trên tiếp tục xuất hiện thêm 2 hố sụt, gây lo lắng cho người dân địa phương.

Trần Tâm (T/h)

Xem thêm: