Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa ký Quyết định 1288/QĐ-BHXH về quy chế quản lý đầu tư các quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế(BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

cho vay từ quy bhxh
Phần lớn tiền nhàn rỗi từ các quỹ bảo hiểm là cho nhà nước vay qua nhiều hình thức. (Ảnh minh họa/dẫn qua molisa.gov.vn)

Theo đó, số tiền nhàn rỗi từ các quỹ bảo hiểm trên do BHXH Việt Nam quản lý và được đầu tư thông qua các hình thức theo thứ tự ưu tiên:

  1. Mua trái phiếu Chính phủ;
  2. Cho Ngân sách nhà nước vay;
  3. Gửi tiền; mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các Ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt, hoạt động lành mạnh theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
  4. Cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) vay theo hình thức mua trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do các ngân hàng này phát hành;
  5. Đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định, việc đầu tư vào hai hình thức sau chỉ áp dụng đối với quỹ BHTN và số tiền đầu tư không được vượt quá 20% số dư quỹ BHTN của năm trước liền kề.

So với quyết định cũ, QĐ 1066/QĐ-BHXH ngày 8/10/2013, tiền tạm thời nhàn rỗi của các quỹ bảo hiểm không cần đầu tư theo thứ tự ưu tiên và thông qua các hình thức sau:

  • Mua trái phiếu, tín phiếu, công trái của Nhà nước, của Ngân hàng thương mại Nhà nước.
  • Cho Ngân sách Nhà nước vay.
  • Cho Ngân hàng thương mại Nhà nước vay.
  • Cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vay.
  • Cho Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) vay.
  • Đầu tư vào các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia, một số dự án có nhu cầu lớn về vốn do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
  • Các hình thức đầu tư khác do Hội đồng Quản lý quyết định.

Về Quỹ Dự phòng rủi ro, theo quy định mới, mức trích đưa vào quỹ hàng năm tối đa không quá 2% số tiền sinh lời của hoạt động đầu tư thực thu trong năm cho đến khi số dư của Quỹ dự phòng rủi ro bng 5% số dư nợ đầu tư vào các hình thức 3 và 4 (nêu trên) của năm trước liền kề.

Tỷ lệ trích lập quỹ từ số tiền sinh lời của hoạt động đầu tư do Vụ Quản lý đầu tư quỹ xác định, trình Tổng Giám đốc quyết định, gửi Vụ Tài chính – Kế toán thực hiện.

Quỹ dự phòng rủi ro được quản lý tại BHXH Việt Nam và sử dụng để bù đắp cho số tiền đầu tư bị rủi ro được xử lý.

Số tiền thu hồi được từ các khoản nợ đã được xử lý bằng Quỹ dự phòng rủi ro được bổ sung vào quỹ.

Đáng chú ý, theo quy định, Quỹ dự phòng rủi ro trong thời gian chưa sử dụng được sử dụng để đầu tư vào việc mua trái phiếu Chính phủ và cho Ngân sách nhà nước vay. 

Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/7/2017.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2016, tính đến hết năm 2016, tổng số dư nợ đầu tư quỹ BHXH, BHYT, BHTN lũy kế đến cuối năm là 500.258 tỷ đồng, tăng 19% so năm 2015. Trong đó, số tiền đã sử dụng để đầu tư trong năm là 150.061 tỷ đồng, số gốc thu hồi lại là 67.071 tỷ đồng.

Phần lớn tiền từ các quỹ bảo hiểm là cho nhà nước vay qua hình thức mua trái phiếu Chính phủ, cho ngân sách nhà nước vay, gửi tiền tại các ngân hàng thương mại…

Theo báo cáo, số tiền sinh lời của hoạt động đầu tư của BHXH trong năm 2016 khoảng 34.407 tỷ đồng, tăng 1.930 tỷ đồng (5,9%) so với năm 2015.

Toàn bộ số tiền sinh lời thu được dùng để bổ sung vào quỹ BHXH khoảng 20.094 tỷ đồng, quỹ BHTN khoảng 3.683 tỷ đồng. Số còn lại được phân bổ vào quỹ BHYT, trích chi phí quản lý BHXH.

Nguyễn Quân

Xem thêm: