Khi BOT Cai Lậy vẫn đang còn dậy sóng vì đặt sai vị trí trạm, tại Tiền Giang, một BOT đường thủy đầu tiên sắp được thực hiện. Dự án BOT đường thủy này cũng nhận phải rất nhiều ý kiến trái chiều.

BOT duong thuy
Tuyến kênh Chợ Gạo. (Ảnh qua: nld.com.vn)

Theo Giám đốc sở Giao thông vận tải Tiền Giang, dự án BOT đường thủy này thuộc tuyến kênh Chợ Gạo, nối hai tỉnh Tiền Giang và Long An, vốn là tuyến giao thông huyết mạch cầu nối trung chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp ở Long An về vựa gạo,  vựa nông sản lớn của cả nước ở Miền Tây.

Được biết, tổng mức đầu tư cho dự án nạo vét tuyến kênh Chợ Gạo là 2.200 tỷ đồng, với tổng chiều dài 28,7 km, được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ năm 2013-2015) có chiều dài 17,7 km, với mức đầu tư gần 800 tỷ. Giai đoạn 1 đã thực hiện xong phần nạo vét xây kè, làn đường dọc tuyến kênh đã được thực hiện xong bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Giai đoạn 2 (từ năm 2016-2017) đang trong quá trình hoàn thiện, còn lại 11 km đoạn qua huyện Chợ Gạo chưa làm, với vốn đầu tư dự kiến hơn 1.400 tỷ. Đoạn này được giao cho Bộ GTVT làm theo hình thức BOT.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, dự án sẽ khả thi về mặt tài chính khi thực hiện đầu tư giai đoạn 2 theo hình thức BOT, với điều kiện nhà đầu tư được thu phí sử dụng đường thủy nội địa trên toàn bộ tuyến kênh với chiều dài 28,6 km để hoàn vốn đầu tư.

Tuy nhiên, nhiều người dân và chủ doanh nghiệp bức xúc vì cho rằng phần lớn tuyến kênh đã được làm từ vốn ngân sách, chỉ còn 11 km cuối cùng lại áp dụng BOT để tính phí cho cả toàn dự án (28,7 km) là điều không hợp lý.

Một số chủ doanh nghiệp cho hay trước có tình trạng kẹt kênh Chợ Gạo là do lòng cầu hẹp, khoang thông thuyền nhỏ. Hai năm nay có cầu mới, nên không còn kẹt nữa.

Theo đề xuất, nhà đầu tư sẽ thu phí với các tàu thương mại vận tải hàng hóa có trong tải toàn phần lớn hơn 100 tấn; đối với phương tiện chuyên dùng quy đổi 1 mã lực tương đương 1 tấn trọng tải; đối với tàu chở khách quy đổi 1 giường/ghế hành khách tương đương 1 tấn trọng tải.

Mức thu phí dự kiến là 50 đồng/tấn/km, tương đương 1.430 đồng/tấn (tính trên tổng chiều dài tuyến kênh là 28,7 km); tăng phí 3 năm một lần, mỗi lần tăng 3%.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: