Thông tin do Chủ tịch Quốc hội – bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tại buổi tiếp xúc cử tri phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, ngày 28/4.

vo kim cu
Một năm sau thảm họa gây ô nhiễm biển, Formosa Hà Tĩnh vẫn chưa chuyển từ công nghệ dập cốc ướt sang công nghệ dập cốc khô theo cam kết. (Ảnh vệ tinh/Google Earth)

Trả lời cử tri đối với những sai phạm của ông Võ Kim Cự, người đứng đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết cơ quan này đã nhận được đơn xin thôi làm đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự với lý do sức khỏe.

Hiện Ban Bí thư đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội làm thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Cự. Ngoài ra, Chính phủ sẽ làm thủ tục cho nghỉ hưu đối với ông này “vì cũng lớn tuổi rồi” – bà Ngân cho hay.

Trước đó, theo thông tin công bố từ Văn phòng Trung ương Đảng, ông Võ Kim Cự bị kỷ luật cách hết các chức vụ cũ do những vi phạm nghiêm trọng về thẩm định, phê duyệt, cấp phép đối với dự án Formosa Hà Tĩnh. Hình thức kỷ luật trên được đưa ra sau một năm xảy ra thảm họa gây ô nhiễm biển miền Trung do xả thải của nhà máy Formosa (Hà Tĩnh) vào năm 2016, khiến gần 41.000 người thất nghiệp, hơn 17.600 tàu cá không thể ra khơi, hơn 176.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng theo, gần 7.000 tấn hải sản thu mua từ tháng 4 tới tháng 8/2016 phải tiêu hủy, 154 loại hải sản tầng đáy bị khuyến cáo không nên ăn.v.v…

Trả lời về điều này, bà Ngân cho biết đó là cách các chức vụ khi làm sai, còn chức vụ hiện tại (Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) thì không có sai phạm. Đối với quyết định sẽ cho nghỉ hưu sắp tới, bà Ngân cho hay nghỉ hưu cũng là “mất hết chức“.

Cũng tròn một năm sau thảm họa, kết luận công bố ngày 4/4/2017 của đoàn công tác của Bộ TN-MT do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức dẫn đầu cho biết Công ty Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục 52/53 lỗi vi phạm, còn lại một hạng mục từ dập cốc ướt sang dập cốc khô theo lộ trình sẽ hoàn thành vào năm 2019. Theo đánh giá tổng thể, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã đáp ứng được các yêu cầu để cho phép lò cao đi vào vận hành.

Tuy nhiên, báo cáo hồi tháng 7/2016 của Bộ TN-MT cho biết việc Formosa tự ý thay đổi công nghệ luyện cốc từ khô sang ướt được coi là vi phạm nguy hiểm nhất.

Theo ThS Đỗ Thanh Bái, Ủy viên BCH Hội Hóa học Việt Nam, Tổng Thư ký HĐ Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp Hóa chất Việt Nam (Báo Đất Việt, ngày 14/7/2016), dập cốc ướt là công nghệ cổ điển, khi cốc nóng từ 1200-1300 độ được hạ xuống nhiệt độ 200-300 độ bằng nước lạnh. Phương pháp này sinh ra rất nhiều chất thải trong đó có phenol, cyanua, amoniac… và rất nhiều những thứ khác. Một lượng hóa chất lớn bay lên trời theo hơi nước.

Công nghệ luyện cốc khô là cốc nóng đỏ được dập khô bằng khí trơ trong hệ kín. Phương pháp này không hình thành phenol, cyanua và các hợp chất công nghiệp khác, nên được coi là công nghệ thân thiện với môi trường, có chi phí đầu tư lớn.

Nguyễn Quân

Xem thêm: