Phát triển nhiệt điện than được xác định là đi ngược với xu hướng phát triển chung của thế giới vì điện than gây nguy cơ ô nhiễm rất cao và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. 

nhà máy nhiệt điện
Xả khí thải tại Nhà máy nhiệt điện Uông Bí (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh chụp lúc 4h30 chiều ngày 2/5/2017. (Ảnh: Khải Hưng)

Tình trạng cây chết hàng loạt, nghi do nguồn nước bị ô nhiễm, dẫn tới việc UBND tỉnh Bình Thuận xác định phương án lâu dài, xây dựng lộ trình di dời dân ra khỏi khu vực gần bãi thải xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân chỉ là “khúc dạo đầu” của một thảm họa về môi trường khi năm 2015, nhóm nghiên cứu tại Đại học Harvard qua thống kê các loại bệnh liên quan đến ô nhiễm của cả khu vực Đông Nam Á, đã tách ra số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người mỗi năm.

Theo báo cáo nghiên cứu, nếu các dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành, con số này sẽ có thể tăng lên đến 25.000 người chết yểu/năm.

Thế nhưng, theo các quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, tới năm 2030, hàng chục nhà máy nhiệt điện than sẽ đi vào vận hành, hàng chục triệu tấn than sẽ được nhập khẩu phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện than. Từ năm 2020, nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng từ xấp xỉ 50% tới vượt trên 50% tổng sản lượng điện sản xuất của cả nước.

Nhập khẩu than để chạy nhà máy nhiệt điện

Theo Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, xét đến 2030 (*), nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 10 – 15 năm tới chiếm lớn nhất trong 5 nhu cầu về sử dụng than trong nước, gồm nhiệt điện, phân bón – hóa chất, xi măng, luyện kim và các hộ khác.

Theo dự báo, nhu cầu than dùng cho nhiệt điện năm 2020 là 64,1 triệu tấn (chiếm 74% tổng số), năm 2025 tăng lên 96,5 triệu tấn (chiếm 79%), năm 2030 tăng lên 131,1 triệu tấn (chiếm gần 84%).

nhiet dien than

Dự báo nhu cầu than sử dụng trong nước theo các giai đoạn trong bản quy hoạch (Quyết định 403). (Đơn vị: triệu tấn)

Biểu đồ so sánh tỷ lệ giữa nhu cầu dùng than cho nhiệt điện và 4 nhu cầu còn lại (đơn vị quy đổi ra nghìn tấn):

nhiet dien than
Than phần lớn được sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện. Các nhu cầu khác chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Cũng theo quyết định quy hoạch, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành trong các giai đoạn như sau: khoảng 41 – 44 triệu tấn vào năm 2016; 47 – 50 triệu tấn vào năm 2020; 51 – 54 triệu tấn vào năm 2025 và 55 – 57 triệu tấn vào năm 2030.

Theo đó, than nội địa chỉ đáp ứng tối đa 57% (2020), 44% (2025) và 36% (2030) tổng nhu cầu sử dụng. Theo bản quy hoạch, thì từ năm 2016, Việt Nam đã thiếu than để sử dụng trong nước với khối lượng vài triệu tấn. Đến giai đoạn 2020 – 2030, khối lượng than thiếu hụt tăng dần từ hơn 30 triệu tấn lên tới khoảng 100 triệu tấn.

Năm 2012, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng – ông Phạm Mạnh Thắng cho biết giai đoạn 2011 – 2020 có 46 nhà máy điện than đi vào vận hành với tổng lượng than tiêu thụ khoảng 77 triệu tấn. Sản xuất than trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 21 nhà máy với khối lượng 29 triệu tấn; 25 nhà máy còn lại phải sử dụng nguồn nhập khẩu với khối lượng lên tới 48 triệu tấn.

Đến 2030, than nội địa chỉ còn đáp ứng được khoảng 31 triệu tấn trong tổng nhu cầu lên tới 160 triệu tấn than cho 70 nhà máy nhiệt điện trong quy hoạch. Lượng than nhập khẩu giai đoạn này lên tới 130 triệu tấn.

Gần đây nhất, ngày 27/5/2017, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam – PGS.TS Trương Duy Nghĩa cho hay đến năm 2030, nhu cầu than để sản xuất điện sẽ lên tới khoảng 130-150 triệu tấn, trong đó, than nội địa chỉ đáp ứng tối đa 30-40 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu.

Lý do phải nhập khẩu là vì than nội địa khó cháy, hiệu suất cháy thấp nên cần dùng than trộn giữa than nội địa với than nhập khẩu dễ cháy, TS Nghĩa cho biết.

Tuy nhiên, hồi năm 2016, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng – ông Nguyễn Khắc Thọ cho hay vì dự kiến tới năm 2030 Việt Nam cần nhập 70 triệu tấn than nên Thủ tướng đồng ý cho Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép nhập khẩu, tức là do thiếu than số lượng lớn.

Nhiệt điện than chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng điện cả nước

Theo cả hai bản Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) (**) và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII Điều chỉnh) (***), Việt Nam đã xác định nhiệt điện (chiếm đa số là nhiệt điện đốt than) là trọng tâm phát triển nguồn điện của quốc gia.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020, cả nước sẽ có 31 nhà máy nhiệt điện chạy than đi vào vận hành; đến năm 2025, số lượng nâng lên 47 nhà máy; đến năm 2030, cả nước sẽ có 52 nhà máy nhiệt điện than vận hành, với tổng công suất 55.252 MW.

nhiet dien than
Kế hoạch phát triển nhiệt điện than của Việt Nam tính tới năm 2030, theo Quy hoạch điện VII Điều chỉnh. (Nguồn: Viện Năng lượng – Bộ Công Thương)

Mặc dù, Quy hoạch điện VII Điều chỉnh đã giảm bớt nguồn nhiệt điện than và tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo (như điện gió, mặt trời…), song nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện và là giải pháp chủ đạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn (cụ thể, đến năm 2020, nhiệt điện than chiếm khoảng 40 – 43% và sẽ đạt khoảng 50% vào năm 2030).

Thay vì chia thành hai giai đoạn 2020 và 2030 theo Quy hoạch điện VII với công suất nhiệt điện than tương ứng là 48% và 51,6% trong tổng công suất nguồn, Quy hoạch điện VII Điều chỉnh chia thành ba giai đoạn 2020, 2025 và 2030 với công suất nhiệt điện than tương ứng là 42,7%, 49,3% và 42,6%. Theo đó, sản xuất nhiệt điện than tập trung tăng lớn từ khoảng năm 2020 đến năm 2025, và dần giảm tới năm 2030, thay vì tập trung đặc biệt lớn, kéo dài từ 2020 đến 2030.

Tổng công suất nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (gồm: thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) chỉ chiếm 9,9%, 12,5 % và 21%.

Dù đã giảm tỷ lệ trong tổng công suất nguồn, nhiệt điện than vẫn đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu nguồn điện của cả nước. Nhiệt điện than chiếm tỷ trọng tới 49,3 % (2020), 55% (2025) và 53,2% (2030) trong tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu, trong khi  nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (gồm: thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) chỉ chiếm 6,5%, 6,9 % và 10,7%.

Nếu so với tổng công suất các nhà máy điện than của cả nước năm 2010 là 4.250 MW, chỉ trong vòng 10 năm, tới năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện than sẽ tăng gấp 6 lần và sau 20 năm , tới năm 2030, tăng gấp 13 lần.

Tháng 10/2016, Bộ Công Thương đưa ra danh sách gần 30 dự án, nhà máy nhiệt điện, hóa chất, thủy điện khai thác khoáng sản xếp vào diện cần “giám sát đặc biệt” về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều dự án nhiệt điện góp mặt trong danh sách, gồm nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh – đều thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

(*) Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016

(**) Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011

(***) Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/03/2016

Vĩnh Long

Xem thêm: