Thời gian thanh tra là 45 ngày (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định) kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

ban dao son tra
Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện bán đảo Sơn Trà. (Ảnh: Kim Long)

Ngày 6/12, Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã có buổi làm việc với UBND TP. Đà Nẵng.

Nội dung buổi làm việc là công bố quyết định của Thanh tra Chính phủ về việc thanh tra toàn diện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà; đồng thời, cũng thanh tra toàn diện dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (còn gọi là dự án The Sunrise Bay Đà Nẵng).

Quyết định thanh tra do ông Bùi Ngọc Lam – Phó tổng Thanh tra Chính phủ ký ngày 20/11/2017 theo yêu cầu của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại văn bản số 2796 ngày 13/9/2017.

Thời kỳ thanh tra từ năm 2003 đến năm 2016, khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ trên. Thời gian thanh tra 45 ngày (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định) kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Đoàn thanh tra gồm 17 người, ông Nguyễn Quang Thia – Vụ trưởng vụ II (Thanh tra Chính phủ) làm trưởng đoàn cùng đại diện các phòng nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ, Sở TN&MT Đà Nẵng, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT.

Đoàn thanh tra có nhiệm vụ tiến hành thanh tra theo nội dung quy định tại điều 1 của quyết định này và kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra và các thành viên đoàn thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Trước đó, ngày 20/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng và các cơ quan thanh tra các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà. Kết quả thanh tra sẽ được báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 31/3/2018.

Về công trình xây dựng tại bán đảo Sơn Tràngày 18/3/2017, các cơ quan chức năng của TP. Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm tại dự án du lịch sinh thái Biển Tiên Sa (Công ty Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư) như: trong tổng số 56 móng biệt thự của dự án có đến 40 móng chưa có giấy phép, công trình cũng không có biển báo thi công theo quy định.

Cụ thể, trong khi dự án mới chỉ được cấp phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm nhà cửa, công trình kiến trúc kỹ thuật, nhưng chủ đầu tư đã cho xây các khu nhà phụ trợ, phần móng và lắp dựng cốt thép cột của 40 khối nhà biệt thự trong khi chưa hoàn thành báo cáo tác động môi trường và chưa có giấy phép xây dựng theo quy hoạch mới điều chỉnh. UBND quận Sơn Trà quyết định phạt 40 triệu đồng đối với công ty trên.

Ngày 5/9/2017, UBND TP. Đà Nẵng công bố báo cáo rà soát các dự án và quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Theo báo cáo, tính đến tháng 12/2012, thành phố đã chấp thuận đầu tư 18 dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng tại khu vực bán đảo Sơn Trà với tổng diện tích quy hoạch là 1.222,5 ha, trong đó đất có giao thu tiền là 94,5 ha; đất thuê là 274,19 ha và phần còn lại giao quản lý không thu tiền. Tổng số tiền sử dụng đất đã thu từ năm 2003 đến năm 2012 là 698,37 tỷ đồng.

18 dự án có 1.920 lô biệt thự, 24 bungalow, 306 buồng khách sạn (nếu quy đổi biệt thự ra phòng lưu trú sẽ tương đương khoảng 5.600 buồng phòng khách sạn).

Hiện có 3 dự án đã thực hiện tại đây là khu du lịch sinh thái biển Bãi Bắc (Intercontinental Peninsula Resort); khu du lịch Sơn Trà Resort & Spa và khu nhà nghỉ; khu du lịch sinh thái Bãi Trẹm; Một dự án đang triển khai là khu nghỉ dưỡng sinh thái biển Tiên Sa (đã tạm dừng sau khi 40 móng biệt thự không phép bị phát hiện); 11 dự án còn lại chưa triển khai.

Mới đây, ngày 24/11, UBND TP. Đà Nẵng cũng có văn bản số 9600 gửi Sở Tư pháp, Sở TN&MT, Cục thuế, UBND các quận, huyện, cùng các văn phòng đăng ký đất đai và các phòng công chứng yêu cầu tạm thời chưa giải quyết các thủ tục liên quan đến các giao dịch bất động sản gồm: thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản trên đất, chuyển nhượng vốn,… đối với các dự án tại khu vực bán đảo Sơn Trà đến khi có văn bản thu hồi, hủy bỏ nội dung văn bản này.

Về dự án Khu Đô thị quốc tế Đa Phước– đây là một trong những dự án đô thị phức hợp lấn biển lớn nhất ở Đà Nẵng và được coi là có vị trí “đất vàng” ở trung tâm quận Hải Châu, có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án có hàng loạt sai phạm về môi trường, mục đích sử dụng đất, khuất tất trong thủ tục đầu tư.

Văn Duy

Xem thêm: