Do thiết kế không có dung tích phòng lũ, nên khả năng hỗ trợ phòng lũ hạ lưu của thủy điện Hố Hô chủ yếu phụ thuộc vào chủ quan của người vận hành hồ chứa. 

Vào chiều tối 14/10, Thủy điện Hố Hô (thượng nguồn ở Hương Khê, Hà Tĩnh) đã xả lũ bất ngờ với lưu lượng cực lớn 1.843m3/s. (Ảnh: laodong.com.vn)
Vào chiều tối 14/10, Thủy điện Hố Hô (thượng nguồn ở Hương Khê, Hà Tĩnh) đã xả lũ bất ngờ với lưu lượng cực lớn 1.843m3/s. (Ảnh: laodong.com.vn)

Không thể cắt lũ

Theo văn bản số 134/BCTT-PCTT do Ban chỉ huy PCTT VÀ TKCN Tỉnh Hà Tĩnh ban hành năm 2014, một số thông số kỹ thuật chính của công trình Thủy điện Hố Hô như sau:

– Phần đập: Đập chính là đập bê tông trọng lực; cao trình đỉnh đập (+72,00)m; chiều dài đập 102m; bề rộng mặt đập 5,0m; chiều cao đập H = 49,80m (Đập cấp III). Đập tràn có 03 cửa van cung bằng thép, đóng mở bằng xy lanh thủy lực, kích thước B*H = (3 cửa*10,0m*13,0m); cao trình ngưỡng tràn (+57,00m); Qtkế xả lũ tương ứng P1%=2.758 m­­­­­­­­­­­­3­­/s;

– Hồ chứa: Diện tích lưu vực 278,6km­­­­­­­­­­­­2; dung tích toàn bộ 38 triệu m­­­­­­­­­­­­3­­ (dung tích hữu ích 6 triệu m3, dung tích chết 32 triệu m3); MN lũ kiểm tra (+71,49m); MN dâng TK (+70,0m); MN chết (+67,5m).

– Công suất lắp máy: Nlm=14MW bao gồm 2 tổ máy; Sản lượng điện thiết kế 55,6 triệu KWh/năm.

Theo đó, công trình không có dung tích phòng lũ, mặc dù năm 2012, lãnh đạo nhà máy – ông Đặng Văn Thế, Giám đốc Nhà máy thủy điện Hố Hô – cho biết công trình có tham gia nhiệm vụ phòng chống lũ lụt vùng hạ du, góp phần điều tiết lũ được thuận lợi và giảm bớt thiệt hại cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Công tác xả lũ được tiến hành theo đúng quy trình vận hành hồ chứa do Bộ Công thương ban hành kèm theo Quyết định số 2365/QĐ-BCT ngày 19/5/2009 (Báo Quảng Bình, 11/10/2012).

Vì không có dung tích phòng lũ (*) nên khả năng hỗ trợ phòng lũ hạ lưu của công trình chủ yếu phụ thuộc vào chủ quan của người vận hành hồ chứa.

Theo báo cáo của Nhà máy thủy điện Hố Hô thuộc Công ty Cổ phần thủy điện Hồ Bốn, tại thời điểm 18h30 ngày 14/10, do ở khu vực nhà máy có mưa to kéo dài từ ngày 12 – 14/10 đã gây sạt trượt mái cơ taluy dương vai phải đập với lượng sạt lớn, có nguy cơ sạt trượt đất đá vào trạm biến áp 35kV và nhà máy có thể gây mất an toàn cho người và thiết bị.

Tại thời điểm này, nhà máy đã mở hết cả 3 cửa xả lũ, cho xả tràn tự do nước đi bằng nước đổ về, ông Vũ Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty thuỷ điện Hồ Bốn (đơn vị quản lý nhà máy thuỷ điện Hố Hô – Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết. Lưu lượng xả lũ lúc này ở mức 1.843m3/s, ông Nguyễn Văn Thông – Phó Giám đốc nhà máy thuỷ điện Hố Hô cho hay.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo xanh, cán bộ vận động chính sách của VRN nói: “Nhiều dự án thủy điện khi xin cấp phép thì ghi trong hồ sơ, mục đích là phát điện và phòng lũ. Nhưng khi được cấp phép thì các nhà đầu tư đã làm lơ mục đích phòng lũ mà chỉ đơn thuần là phát điện. Đi thực tế các công trình thủy điện ở miền Trung chúng tôi đã thấy rất nhiều trường hợp như vậy.

Đây là điều rất nguy hiểm vì người dân cứ nghĩ là các đập thủy điện này có khả năng phòng lũ. Nó tạo ra một tâm lý an toàn giả tạo cho người dân. Nên khi có lũ hay sự cố xảy ra thì vùng tổn thương sẽ càng lớn và thiệt hại sẽ cũng nặng nề hơn. Chính phủ có chỉ đạo các bộ xây dựng quy định về quy chế vận hành liên hồ chứa. Nhưng thực tế là các hồ không có dung tích để chứa thì làm sao nó có thể chứa được”. (Thanh niên, 6/12/2012)

Nhà máy có thực sự xả lũ “đúng quy trình”?

Theo Báo cáo kết quả thẩm tra Phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du Nhà máy thuỷ điện Hố Hô năm 2014, trong quá trình xả lũ, Nhà máy thủy điện Hố Hô phải cập nhật các số liệu cảnh báo, bao gồm 5 nội dung (gọi là 5 số liệu cảnh báo):

  • Mực nước lũ tại trạm thuỷ văn Chu Lễ;
  • Mực nước thượng lưu công trình;
  • Lưu lượng xả lũ qua tràn;
  • Lượng mưa và diễn biến tình hình mưa, lũ;
  • Thực trạng công trình tại thời điểm cảnh báo

Căn cứ trên các số liệu cảnh báo, nhà máy biên soạn nhanh thành bản tin cảnh báo cung cấp kịp thời cho nhân dân và chính quyền 08 xã vùng hạ du, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hương Khê, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Số liệu cảnh báo phải cập nhật 3 giờ/lần và khi khẩn cấp cập nhật 1 giờ/lần, liên tục trong 24 giờ trong ngày.

Đối với đợt xả lũ vừa qua, Giám đốc Cty CP Thủy điện Hồ Bốn – ông Vũ Mạnh Hùng cho biết nhà máy đã xả lũ đúng quy trình khi có văn bản thông báo gửi ngày 12/10 tới UBND các xã Hương Hóa, Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Giang, Hương Trà, Hương Thủy về việc phối hợp thực hiện phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du Thủy điện Hố Hô do mưa lớn gây ra và có một cuộc gọi điện báo xả lũ khẩn cấp vào lúc 16h ngày 14/10 với mức xả thông báo là khoảng 1.700 m3/s. Tuy nhiên, không thấy đại diện nhà máy báo về việc cập nhật số liệu cảnh báo liên tục trong quá trình xả lũ.

Ngoài ra, theo nhận định tại buổi làm việc ngày 17/10 do Bộ Công Thương điều tra việc xả lũ tại Nhà máy Thủy điện Hố Hô, thì trong văn bản số 10/CV-HB-NMTĐHH do Nhà máy Thủy điện Hố Hô gửi tới UBND 8 xã vùng hạ du vào ngày 12/10 không thể hiện thời gian, lưu lượng và tần suất xả lũ, đây chỉ là văn bản điều tiết nước (Báo Thanh tra, 18/10/2016).

Lê Trai 

(*) Dung tích phòng lũ (Flood control storage) là phần dung tích của hồ chứa nước nằm trong phạm vi từ mực nước đón lũ đến mực nước lớn nhất kiểm tra làm nhiệm vụ điều tiết lũ (Theo TCVN: 2013 – Công trình thủy lợi – Hồ chứa nước – Tính toán mực nước thiết kế)

Khi có lũ lớn, lượng nước nằm trong giới hạn đón lũ sẽ được cho chảy vào phần hồ phòng lũ nhằm hạn chế tác hại của lũ.

Xem thêm: