Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì thực hiện việc rà soát quy hoạch thủy điện tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

thuy dien xa nuoc
(Ảnh minh họa: Khánh Minh)

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương tiếp tục chủ trì thực hiện việc rà soát quy hoạch thủy điện tại khu vực các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời rà soát quy hoạch thủy điện tại các địa phương khác.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ TNMT và Bộ Công thương trong phạm vi thẩm quyền, tiếp tục rà soát, yêu cầu hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa/hồ chứa bảo đảm hiệu quả sử dụng tài nguyên nước phục vụ phát điện, cân bằng nước duy trì dòng chảy tối thiểu, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của hạ du nhất là về mùa khô, và yêu cầu về cắt, giảm lũ, hạn chế các tác động tiêu cực trong mùa lũ.

UBND các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tạm dừng cấp phép đầu tư các dự án thủy điện có sử dụng đất rừng tự nhiên hoặc có tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái tại khu vực và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT năm 2016, tài nguyên rừng Tây Nguyên bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng, đa dạng sinh học rừng cũng bị suy giảm.

Diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp của 5 tỉnh Tây Nguyên chỉ còn hơn 3,35 triệu ha; trong đó, diện tích có rừng hơn 2,5 triệu ha với độ che phủ rừng chỉ còn 45,8%.

Tỷ lệ rừng gỗ loại giàu chỉ còn 10,4%; loại trung bình: 22,7%; còn lại gần 67% thuộc loại rừng nghèo kiệt, các loại gỗ quý có giá trị cao còn rất hiếm, các loại thảo dược quý hiếm cũng bị khai thác cạn kiệt, số lượng động vật rừng giảm mạnh,…

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, việc chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất, chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su với hơn 72.000 ha; chuyển hơn 8.000 ha đất rừng để xây dựng khoảng 50 công trình thủy điện làm cho hàng ngàn ha rừng bị chặt phá và ngập trong lòng hồ,…

Trong các năm từ 2010-2014, diện tích rừng tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 307.000 ha và độ che phủ giảm nhanh từ 51,9% xuống còn 45,8%; trữ lượng rừng giảm 57 triệu m3.

Lam Ngọc (T/h)

Xem thêm: