Ngày 29/5, UBND tỉnh Quảng Ninh ra văn bản về việc kiểm tra, xử lý phản ánh của báo chí việc xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ du lịch trái phép trên vịnh Bái Tử Long.

resort trai phep
Một góc vịnh Bái Tử Long. (Ảnh: Nguyễn Hưng/Flickr/2014)

Trong đó, UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND huyện Vân Đồn tăng cường quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện, tăng cường kiểm tra, xử lý các hoạt động đầu tư, xây dựng trái phép, nhất là địa bàn các đảo xa đất liền, trong đó có khu vực đảo Bánh Sữa – khu vực thực hiện dự án khu nuôi trồng của công ty TNHH Đỗ Tờ.

Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn tồn tại một số vấn đề, chưa được xử lý dứt điểm.

UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, chủ tịch UBND huyện Vân Đồn chủ trì phối hợp các ngành liên quan, khẩn trương tổ chức xác minh những thông tin do báo chí nêu; kiểm tra các khu vực, đảo theo phản ánh và tổng thể các đảo thuộc ranh giới vịnh Bái Tử Long, xác định cụ thể các địa điểm, khu vực có vi phạm quy hoạch, vi phạm trong việc sử dụng đất đai, xây dựng trái phép và có biện pháp xử lý theo luật định.

Đồng thời, các địa phương phải kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan. Yêu cầu gửi báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và thông cáo cho báo chí trước ngày 20/6.

Trước đó, từ tháng 6/2016, 2 trường hợp xây dựng các công trình trái phép trên các đảo đá thuộc Vịnh Bái Tử Long đã được tờ báo địa phương nhắc đến. Ngày 29/5/2017, Báo Thanh Niên cho hay nhiều đảo trên vịnh Bái Tử Long đang bị chiếm dụng làm khu biệt thự, nhà nghỉ dưỡng; một số có quy mô 20-30 phòng với các dịch vụ đi kèm đã đi vào hoạt động. Tờ báo cho hay, các khu biệt thự, resort đã “mọc” lên ở đây từ khoảng năm 2007 tới nay trên nhiều hòn đảo trong vịnh. 

Vịnh Bái Tử Long nằm trong vịnh Bắc Bộ, ở vùng Đông Bắc của Việt Nam. Có diện tích trên 1.000km2, vịnh gồm hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ. Những hòn đảo đẹp có thể kể tên như hòn Đũa, hòn Thiên Nga…, nhiều bãi biển hoang sơ nổi tiếng trên đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng…, các di tích lịch sử như đình – chùa Quan Lạn hay di chỉ khảo cổ trên các đảo Ngọc Vừng, Soi Nhụ, Hà Giắt… là các giá trị tự nhiên, lịch sử quý giá.

Vườn quốc gia (VQG) Bái Tử Long (nằm trong vùng có tọa độ địa lý 20°55’05” ÷ 21°15’10” vĩ độ Bắc và 107°30’10” ÷ 107°46’20” kinh độ Đông) được thành lập theo quyết định năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 5/2017, VQG Bái Tử Long được Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN công nhận là Vườn Di sản ASEAN do đáp ứng được 5 tiêu chí về tính toàn vẹn về sinh thái; tính đại diện; tính tự nhiên; tính độc đáo và các loài sinh cảnh quý, hiếm; tính hợp pháp.

Theo đó, VQG Bái Tử Long trở thành Vườn Di sản thứ 38 của ASEAN và thứ 6 của Việt Nam (5 vườn quốc gia được công nhận trước đó là Vườn Di sản ASEAN, gồm: Ba Bể, Hoàng Liên, Kon Ka Kinh, Chư Mom Ray và U Minh Thượng).

Theo nghiên cứu của Vũ Xuân Phương, Dương Đức Huyến, Nguyễn Thế Cường (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật – Tạp chí Sinh học, 2007), VQG Bái Tử Long có 780 loài, 468 chi, 135 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó có 21 loài thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (năm 1996) và 10 loài có tên trong danh sách các loài động, thực vật quý hiếm cần bảo vệ do Chính phủ quy định.

Vĩnh Long

Xem thêm: