Hiện cả nước đang có 88 doanh nghiệp quân đội. Con số này đã giảm xuống từ 305 doanh nghiệp vào năm 2000; dự kiến tới 2020 giảm xuống 17 doanh nghiệp làm kinh tế gắn với nhiệm vụ quốc phòng do Nhà nước sở hữu 100% vốn.

quan doi lam kinh te
Tổng công ty 36 do Đại tá Nguyễn Đăng Giáp làm Tổng giám đốc. (Ảnh: tongcongty36.com)

Thông tin trên được Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Kinh tế, Bộ Quốc phòng cho biết tại buổi họp báo diễn ra sáng 13/7 tại TP.HCM về kết quả hoạt động, quân sự quốc phòng 6 tháng đầu năm 2017.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, hiện nay bộ đã và đang triển khai 28 trong tổng số 33 khu kinh tế quốc phòng, trong đó có 5 khu kinh tế quốc phòng đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư. Các Khu kinh tế quốc phòng trực tiếp tổ chức sản xuất tập trung như Binh đoàn 15, Binh đoàn 16, Công ty cà phê 15…

Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của các doanh nghiệp quân đội ước đạt 189.000 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế 22.000 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch, nộp ngân sách nhà nước trên 21.000 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch. Tổng số lao động là 185.000 người với thu nhập bình quân trên 11,8 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2016, doanh thu của các doanh nghiệp quân đội đạt 345.124 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 43.500 tỷ đồng, nộp ngân sách 40.273 tỷ đồng.

Thiếu tướng Thắng cho biết vào thời điểm năm 2000, Bộ Quốc phòng có 305 doanh nghiệp; sau đó được sắp xếp, tinh gọn đến năm 2016 còn 88 doanh nghiệp.

Trong số 88 doanh nghiệp này, Bộ Quốc phòng tiếp tục sắp xếp, thu gọn, tới 2020 giữ lại 17 doanh nghiệp quân đội 100% vốn nhà nước có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng kết hợp với lao động sản xuất. “Những doanh nghiệp quân đội làm kinh tế đơn thuần như xây dựng, thương mại, dịch vụ sẽ được thoái vốn cổ phần hóa”, Thiếu tướng Thắng nói.

Ngoài ra, sẽ còn 12 doanh nghiệp cổ phần nhà nước vẫn nắm giữ 51% vốn. Số doanh nghiệp này vừa sản xuất, kinh doanh nhưng khi có yêu cầu phải phục vụ nhiệm vụ quốc phòng hay chịu sự điều động khi xảy ra chiến tranh, ông Thắng cho hay.

Liên quan đến vấn đề quân đội làm kinh tế, theo Thiếu tướng Thắng , quan điểm cho rằng quân đội đã có chủ trương không làm kinh tế là chưa chính xác. Theo ông Thắng, tại buổi làm việc với TP.HCM của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 23/6, Thượng tướng Lê Chiêm nói rằng quân đội thôi làm kinh tế là kinh tế thông thường, còn kinh tế gắn với nhiệm vụ quốc phòng thì vẫn phải làm. Đây là quan điểm thống nhất của Quân ủy Trung ương, Quân đội vẫn sẽ làm kinh tế nhưng gắn với nhiệm vụ quốc phòng.

Đề cập đến vấn đề đất quốc phòng lại dùng để làm sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết dự án này đã có sự đồng ý của Chính phủ và các bộ ngành. Bộ Quốc phòng sẽ giao lại sân golf nếu có quyết định của Thủ tướng – Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm chính trị, Tổng Cục Chính trị cho hay.

Thông tin này thống nhất với tuyên bố trước đó, ngày 12/7 của Đại tướng – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trong buổi làm việc với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tại TP.HCM. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng nói Bộ Quốc phòng sẵn sàng bàn giao đất sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nếu Chính phủ yêu cầu. Tuy nhiên, Đại tướng Lịch cũng cho biết phát triển kinh tế quốc phòng là chủ trương nhất quán của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực, như xây dựng – bất động sản, viễn thông, tài chính, logistics, cơ khí, xăng dầu, may mặc, nông nghiệp… Một số doanh nghiệp như:

  • Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel): bưu chính – viễn thông; công nghệ thông tin
  • Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBB): ngân hàng; mua bán, gia công, chế tác vàng…
  • Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP): logistics và khai thuê hải quan; dịch vụ biển; bất động sản, kinh doanh xăng dầu…
  • Tổng Công ty Trực Thăng Việt Nam (VNH): vận tải hàng không; bay du lịch – dịch vụ; huấn luyện, đào tạo phi công; kinh doanh xăng dầu…
  • Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Vạn Xuân (VAXUCO): vũ khí; xăng dầu; dịch vụ
  • Tổng Công ty Thái Sơn (Thaison Group): đầu tư kinh doanh Bất động sản; ứng dụng và chuyển giao công nghệ; thương mại – xuất nhập khẩu; xây dựng dân dụng và công nghiệp; đào tạo nghề.
  • Tổng Công ty kinh tế và kỹ thuật công nghiệp Quốc phòng (GAET): xuất khẩu các sản phẩm do các nhà máy công nghiệp quốc phòng sản xuất; nhập khẩu vũ khí, sản xuất kinh doanh vật liệu nổ, xuất – nhập khẩu và kinh doanh thiết bị, dụng cụ y tế…
  • Tổng công ty Sông Thu (SONGTHU Corporation): đóng mới và sửa chữa tàu biển; dịch vụ cảng; kinh doanh xăng, dầu, gas…
  • Tổng công ty Thành An (Binh đoàn 11): nạo vét và san lấp mặt bằng; sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng; khai thác khoáng sản; xây dựng thủy điện, nhiệt điện; trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, đại lý xăng dầu…
  • Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô: xây dựng; rà phá bom; mìn; vật nổ; xây dựng thủy điện và công trình ngầm…
  • Tổng Công ty 319: xây dựng dân dụng, công nghiệp; công trình giao thông thủy lợi, rà phá bom mìn đạn nổ; bất động sản,…
  • Tổng Công ty 789: xây lắp; khảo sát, thiết kế, tư vấn đầu tư; khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; dò tìm và xử lý bom mìn, vật nổ…
  • Tổng Công ty 36: xây dân dụng và hạ tầng giao thông; trang trí nội thất; tôn tạo, xây dựng thủy lợi…
  • Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc Phòng (MHDI): xây dựng; bất động sản; dò tìm và xử lý bom mìn, vật nổ…

Vĩnh Long

Xem thêm: