Chính quyền TP.HCM đồng ý tạm ứng lần ba số tiền 1.173 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để trả nợ nhà thầu tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.

TP HCM de xuat bo sung 18000 ty dong hai du an trong diem
Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) có nguy cơ khó hoàn thành vào năm 2020. (Ảnh: hcmcmetroline1-scc.com.vn)

UBND TP.HCM vừa có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong về các vấn đề liên quan đến tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.

Theo đó, thành phố đồng ý tạm ứng ngân sách thành phố số tiền 1.173 tỉ đồng để thanh toán cho các nhà thầu trong khi chờ bổ sung kế hoạch vốn ODA từ ngân sách Trung ương.

Trước đó, Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM đã có văn bản xin tạm ứng 1.173 tỉ đồng để thanh toán cho nhà thầu trong tháng 9 và tháng 10.

Đây là lần thứ ba Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM xin ứng vốn để trả cho nhà thầu. Trước đó, cuối năm 2016, thành phố đã tạm ứng 600 tỉ đồng tiền ngân sách thành phố cho các nhà thầu thanh toán tiền cho công nhân, các nhà cung cấp vật tư,…; tháng 8/2017, tạm ứng hơn 500 tỉ đồng.

Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, trong năm 2017, nhu cầu vốn để xây dựng tuyến metro số 1 là 5.442 tỉ đồng, hiện đã được giao 2.119 tỉ đồng, đáp ứng 36% và còn thiếu 3.303 tỉ đồng.

Đối với phần vốn trung hạn từ 2016-2020, nhu cầu vốn cho dự án metro số 1 là 20.930 tỉ đồng, hiện đã được giao 7.500 tỉ đồng, đáp ứng 39% và còn thiếu 13.430 tỉ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, phần vốn ODA từ ngân sách Trung ương cấp cho dự án chưa được giải ngân hết vì theo giải thích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phần vốn tăng thêm của dự án chưa được phê duyệt.

Theo báo cáo gửi đến Quốc hội của Bộ trưởng Bộ GTVT, tổng mức đầu tư của dự án tăng từ 17.400 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng là do sự biến động khách quan của giá nguyên liệu, nhiên liệu và việc tăng mức lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009. Cùng với đó, dự án tăng khối lượng xây dựng gồm tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga,…

Theo báo cáo, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên bắt đầu thực hiện vào tháng 3/2007 và dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2018.

Tuy nhiên, do chậm trễ trong quá trình giải tỏa và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, số 3a và số 4 nên thời gian hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành toàn tuyến lùi đến năm 2020. Đến nay, dự án đã thi công 43% khối lượng. Theo kế hoạch, tuyến sẽ vận hành thử nghiệm năm 2019 và đưa vào hoạt động năm 2020.

Ngày 24/10 vừa qua, các thanh ray đầu tiên của tuyến đã được lắp đặt đoạn từ ngã tư Bình Thái đến cầu vượt xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức) do nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) sản xuất, chế tạo và lắp đặt.

Ông Akito Takashahi – Phó trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) đã bày tỏ mối quan ngại về việc cấp vốn cho dự án.

Theo ông Akito Takashashi, JICA luôn sẵn sàng giải ngân từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản đã cam kết nhưng việc thanh toán cho các nhà thầu đã bị ngưng từ nhiều tháng nay do Chính phủ Việt nam phân bổ chậm vốn cho dự án, UBND TP.HCM đã tạm ứng từ nguồn ngân sách thành phố.

JICA đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét tới hoàn cảnh đặc thù của dự án và có các biện pháp hiệu quả nhằm bổ sung kế hoạch vốn sớm.

Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài 19,7 km (gồm 2,6 km ngầm với 3 nhà ga và 17,1 km trên cao với 11 nhà ga). Tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức, sau đó được điều chỉnh kéo dài đến thị xã Dĩ An (Bình Dương) và TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Tuyến có vận tốc hành trình 40 km/h. Đây là tuyến Metro đầu tiên được xây dựng, nằm trong hệ thống các tuyến Metro, tàu điện xây dựng trong khu vực thành phố theo quy hoạch đường sắt đô thị TP.HCM.

Đăng Nguyên

Xem thêm: