Dự án xây dựng Nhà máy khí hóa chất thải bằng công nghệ plasma của nhà đầu tư Trisun Green Energy Corporation (Australia) vừa được UBND TP.HCM chấp thuận.

Nhà máy được đặt tại khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi), có diện tích 13 ha, với hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài (khoảng 520 triệu USD).

Được cung cấp công nghệ bởi một tập đoàn của Canada, nhà máy dùng hệ thống đèn đốt plasma, đưa nhiệt độ lên cao từ 3.000-7.000 độ C trong điều kiện thiếu ôxy để tạo năng lượng sét tiêu hủy các loại chất thải.

Nhà máy có thể xử lý 1.000 tấn chất thải sinh hoạt và 2.000 tấn chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp và y tế mỗi ngày.

Về chi phí xử lý rác, thành phố sẽ chi trả với đơn giá 20.628 USD/tấn cho chất thải rắn sinh hoạt; các chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, y tế sẽ do nhà đầu tư đàm phán ký hợp đồng với các chủ nguồn thải theo quy định.

Ngoài xử lý rác, nhà máy còn dùng nhiệt năng chuyển hóa thành điện năng để tái sử dụng vận hành nhà máy, phần dư sẽ được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam với giá 10,05 cent/Kwh. Nguyên liệu không gây hại thải ra sau khi đốt sẽ được dùng làm vật liệu xây dựng.

Theo dự kiến, nhà máy sẽ được hoàn thành xây dựng sau 33 tháng và vận hành trong 50 năm.

Xử lý rác thải hiện đang là vấn đề cấp thiết của TP.HCM. Với dân số khoảng 9 triệu người, đây là một trong những đô thị có mức độ phát sinh chất thải rắn đô thị cao nhất cả nước, gồm các loại rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, rác thải công nghiệp, rác thải xây dựng,…

Theo số liệu của Sở Tài nguyên-Môi trường, mỗi ngày TP.HCM đổ ra hơn 7.000 tấn rác với 6.000 tấn rác thải sinh hoạt, 500-700 tấn chất thải rắn công nghiệp, 150-200 tấn chất thải nguy hại, 9-12 tấn chất thải rắn y tế. Tuy nhiên, hầu hết rác thải chỉ được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường đất.

Thanh Vân

Xem thêm: