Ngày 6/2, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Bộ LĐTBXH tổ chức Hội thảo công bố báo cáo sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh, thành ở Việt Nam

sohahocsinhapluc 6eb9e
Áp lực học hành khiến nhiều em bị trầm cảm (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)

UNICEF đã tiến hành nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần với nhóm đối tượng từ 11-24 tuổi tại 4 tỉnh gồm Hà Nội, TP.HCM, Điện Biên, Hà Giang và theo 2 phương pháp tiếp cận chính: Từ tài liệu có sẵn và nghiên cứu định tính.

Theo báo cáo, các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, tâm lý xã hội đang gia tăng, lan rộng, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên, tùy theo tỉnh, giới tính và đặc điểm từng người.

Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam là các vấn đề hướng nội (ví dụ như lo âu, trầm cảm, cô đơn) và các vấn đề hướng ngoại (ví dụ như tăng động và giảm chú ý). Tình trạng lạm dụng chất kích thích, đặc biệt là thuốc lá khá phổ biến ở đối tượng vị thành niên là nam giới, tới gần 40%.

Trong các yếu tố nguy cơ, sự cô lập là căn nguyên quan trọng, tiếp đó là sử dụng quá nhiều Internet; gia đình quá nghiêm khắc, sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ, lo sợ bị la mắng; áp lực học tập, thiếu sự hỗ trợ, bắt nạt; sống xa gia đình; thất bại trong mối quan hệ tiêu cực…

Một học sinh đã chia sẻ trong Hội thảo: “Trong gia đình, các ông bố, bà mẹ chỉ chăm chăm làm việc, con trẻ tỏ ý muốn nói chuyện nhiều hơn liền được quăng cho cái điện thoại, iPad. Em đã tự hỏi rằng, khi lớn lên, tuổi thơ của những đứa trẻ này sẽ thế nào khi chỉ là điện thoại, máy tính,” và mong muốn các trường học sẽ có các phòng tâm lý để mọi học sinh có thể được chia sẻ và được lắng nghe.

Tỉ lệ trẻ vị thành niên tự tử là 2,3%, mặc dù thấp hơn tỉ lệ chung toàn cầu (9%) nhưng đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân tự tử chủ yếu do thất bại trong các mối quan hệ tình cảm, mâu thuẫn trong hôn nhân, các vấn đề trong trường học, gia đình.

Các bậc phụ huynh cần chú ý nhiều hơn tới các biểu hiện, hành vi của con em mình, tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia nếu thấy con mình có dấu hiệu của rối loạn tâm thần và trầm cảm. Đồng thời, cần quan tâm và chăm sóc con cái nhiều hơn, hướng con trẻ tới lối sống tích cực, tham gia nhiều hơn các hoạt động ngoài trời, tránh gây áp lực khiến con trẻ phải sống đúng theo kỳ vọng của người lớn,

Đầu năm ngoái, Viện Sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai cũng cho biết khoảng 30% dân số Việt Nam có rối loạn tâm thần, trong đó có 25% mắc trầm cảm. Tuy nhiên, phần lớn số người bệnh chưa được điều trị vì đa số người bệnh không biết mình bị mắc bệnh.

Thanh Thuỷ (t/h)

Xem thêm: