Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thành phố sẽ trồng lại hơn 1.400 cây giáng hương, nhiều hơn 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng. Cây xanh sẽ được trồng 4 tầng. Như vậy, đường Phạm Văn Đồng sẽ có đủ cây tầm trung, cây tầm cao, cây tầm thấp và thảm ở dưới.

chat cay
Hơn 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng sẽ được thay thế bằng hơn 1.400 cây giáng hương? (Ảnh: Sơn Trà)

Tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội vào chiều 6/6, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay phương án mở rộng đượng Phạm Văn Đồng đã được Hà Nội phê duyệt năm 2013, đến 2016 thành phố cho điều chỉnh thiết kế mới ra mặt cắt hoàn thiện.

Theo ông Dục, việc mở rộng vành đai 3 là rất cần thiết. Ngoài việc giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư phải lập kế hoạch di chuyển, giữ nguyên vị trí cây xanh đường Phạm Văn Đồng. Trong trường hợp bất khả kháng, đơn vị thi công mới phải chặt hạ cây xanh.

Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định hiện nhu cầu, số liệu dịch chuyển giải tỏa cây xanh trên tuyến mới là phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư dự án. “Sau khi chủ đầu tư đưa lên, chúng tôi sẽ tập hợp lại, báo cáo thành phố”, ông Dục cho hay.

Theo Sở Xây dựng, phương án do đơn vị tư vấn lập xác định tổng số cây cần dịch chuyển, giải tỏa và cắt tỉa là 1.315 cây. Trong đó, 142 cây được giữ nguyên, 158 cây phải dịch chuyển, 1.015 cây bị giải tỏa và chặt hạ.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, 90% cây trên tuyến đường Phạm Văn Đồng là cây xà cừ. Xà cừ ở đường Phạm Văn Đồng có 2 nhóm, một nhóm có đường kính từ 80cm – 1,2m, độ tuổi trung bình từ 56 – 60 tuổi, chiếm 10%, chủ yếu nằm ở cuối đường. Còn lại chủ yếu là các cây trồng từ năm 1985, đường kính từ nhỏ hơn đến bằng 50cm, chiếm khoảng 90% số cây xà cừ trên đường.

Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định cây xà cừ được đề xuất chặt hạ, di chuyển đường kính lớn không nhiều. Sau khi chủ đầu tư đưa ra phương án, Sở Xây dựng sẽ yêu cầu khảo sát, kiểm tra từng cây một. Đối với những cây thân thẳng, đẹp, đơn vị thi công chắc chắn phải đánh chuyển về vườn ươm ở Công viên Yên Sở.

Cây nằm dưới hạ tầng, không thể đào được vì vướng công trình ngầm thì mới phải chặt. Khi chặt một cây chúng tôi cùng các chuyên gia phải xem xét rất kỹ càng. Còn chỗ nào đất rộng rãi, không vướng công trình ngầm thì đánh chuyển đi, trồng ở vành đai 3, sau đó tái sử dụng ở công viên và những chỗ phù hợp như cánh đồng,…”, ông Dục nói.

Chỉ chặt những cây không đánh được bầu, cong keo, vặt vẹo, xấu xí, còn đâu ưu tiên dịch chuyển. Tôi tin con số cây được đánh chuyển, tái sử dụng là rất nhiều”, ông Dục khẳng định.

chat cay, chặt cây Hà Nội
Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định sẽ chỉ chặt những cây không đánh được bầu, cong, vẹo, xấu xí. (Ảnh: Sơn Trà)

Sau khi đánh chuyển các cây này, ông Dục cho biết thành phố sẽ trồng lại hơn 1.400 cây giáng hương, nhiều hơn so với số cây bị đánh chuyển đi. Cây xanh sẽ được trồng 4 tầng. Như vậy trên đường Phạm Văn Đồng sẽ có đủ cây tầm trung, cây tầm cao, cây tầm thấp và lớp thảm.

Cũng theo ông Dục, thành phố không khuyến khích trồng cây xà cừ trong đô thị vì mạch nước ngầm cao, xà cừ gặp nước là không phát triển xuống dưới nữa mà tỏa ra các bên, dẫn đến dễ đổ.

Về phía ban quản lý dự án, ông Phạm Văn Bình, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT), cho biết việc đề xuất chặt hạ, di chuyển cây xanh Ban quản lý dự án đã có thực hiện việc đánh giá tác động môi trường và được Bộ GTVT phê duyệt. Ông Bình thừa nhận việc chặt hạ, đánh chuyển cây xanh chắc chắn sẽ có tác động đến môi trường.

Sở Xây dựng cho hay sẽ tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về phương án dịch chuyển, chặt hạ cây trên đường Phạm Văn Đồng, đồng thời kiến nghị UBND TP chỉ đạo chủ đầu tư dự án tiếp tục hoàn chỉnh kết quả khảo sát, hoàn thiện phương án giải tỏa, dịch chuyển cây xanh liên quan tới dự án để Sở báo cáo TP xem xét theo quy định.

chat cay
Tuyến đường từ cầu vượt Mai Dịch đến Cầu Thăng Long. (Hình ảnh: Google Maps)

Dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long có tổng chiều dài 5,5 km, tổng mức đầu tư 3.113 tỷ đồng từ vốn ngân sách. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư phát triển công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư, được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 3099/QĐ-UBND ngày 15/6/2016.

Mặt cắt ngang đường được mở rộng từ 56 lên 93 m, mỗi bên 6 làn xe (4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp), theo tiêu chuẩn tuyến đường đô thị chính cấp 1. Riêng đoạn trước khu đô thị Ciputra kết hợp với đường 30m, 2 làn xe hỗn hợp, 2 làn xe cơ giới. Trên 5,5 km đường sẽ có 5 cầu vượt đi bộ.

Để mở rộng tuyến đường, TP thu hồi trên 391.900 m2 đất, giải phóng mặt bằng đối với 796 hộ và 55 cơ quan, bố trí 609 căn hộ tái định cư.

Trong tổng mức đầu tư khoảng 3.113 tỷ đồng, phần bồi thường giải phóng mặt bằng là hơn 1.824 tỷ đồng, còn lại khoảng 821 tỷ đồng tiền xây lắp.

Dự án gồm 2 gói thầu xây lắp chính: gói thầu số 1 đoạn từ km0+00-Km2+812.50 và gói thầu số 2 đoạn tuyến từ km2+812.50-Km5+500. Ngoài ra, dự án còn bao gồm 1 gói thầu tư vấn thiết kế, 1 gói thầu tư vấn giám sát và một số gói thầu khác được giao thầu theo cơ chế đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Trong số 2 gói thầu xây lắp chính, gói thầu số 1 do hai đơn vị quân đội nhận thầu là Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh Đoàn 12) và Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng (Liên danh Trường Sơn – 319).

Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2017.

Vĩnh Long

Xem thêm: