Trong năm 2016, nhiều sự kiện môi trường, xã hội diễn ra với mức độ tác động lớn, dồn dập và khắc nghiệt như thảm họa ô nhiễm biển miền Trung, hạn hán và xâm mặn khốc liệt ở miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL, lũ lụt và xả lũ liên tiếp tại miền Trung, cá chết hàng loạt, sập hầm vàng, thảm sát…

Ô nhiễm môi trường, băng tuyết bất thường, hạn hán, lũ lụt, thảm họa ô nhiễm môi trường biển... là những sự kiện đáng chú ý trong năm 2016. (Ảnh sử dụng nhiều nguồn)
Ô nhiễm môi trường, băng tuyết bất thường, hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng, thảm họa ô nhiễm môi trường biển, cá chết hàng loạt… là những sự kiện đáng chú ý trong năm 2016. (Hình ảnh tổng hợp)

Những tổn thất là khó vãn hồi, thậm chí là không thể vãn hồi như tổn thất về sinh mạng. Xin điểm lại 10 sự kiện nổi bật trong năm qua như một lần rung lại tiếng chuông cảnh tỉnh để cùng chung tay bảo vệ tự nhiên và cộng đồng khi bậc thềm bước vào năm 2017 đang gần kề.

1. Lũ lụt và thủy điện xả lũ 5 đợt liên tiếp ở miền Trung: 232 người thương vong

Từ giữa tháng 10 tới giữa tháng 12/2016, 5 đợt mưa lũ lớn liên tiếp xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung. Nguyên nhân trước tình trạng lũ chồng lũ được cho là do mưa lớn kéo dài nhiều ngày cùng hàng loạt các đập thủy điện và hồ chứa đồng thời xả lũ.

Thời điểm cao nhất, 49 hồ chứa thủy lợi đồng loạt xả lũ; một số tỉnh như Hà Tĩnh xả 5/7 hồ, Quảng Bình 6/7 hồ, Phú Yên 3/3 hồ, Khánh Hòa 8/11 hồ, Ninh Thuận 9/11 hồ.

Đối với các hồ chứa thủy điện, vào thời điểm cao nhất, 29 hồ đồng loạt xả lũ, một số hồ xả lũ với lưu lượng lớn nhất, tới trên 11.000 m3/s (như thủy điện sông Ba Hạ, tỉnh Phú Yên).

Người dân cho biết lũ lên nhanh, ngập sâu và thoát chậm. Mực nước ngập trên dưới 1m, có thời điểm ngập cao 2m.

Trong đợt mưa lớn, xả lũ liên tiếp, Bình Định đã có 16 người chết, tất cả 11 huyện, thị xã với 100 xã, phường bị ngập lụt, trong đó khoảng 50 xã, phường bị ngập sâu, 26 xã bị cô lập. Hình ảnh ngày 16/12/2016, tại Bình Định. (Ảnh: Fanpage Bình Định Quê Tôi)
Tại Bình Định, 16 người chết do mưa lũ, tất cả 11 huyện, thị xã với 100 xã, phường bị ngập lụt, trong đó khoảng 50 xã, phường bị ngập sâu, 26 xã bị cô lập. Hình ảnh ngày 16/12/2016. (Ảnh tổng hợp: Fanpage Bình Định Quê Tôi)

Chỉ trong vòng khoảng 2 tháng (từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 12/2016), 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương do mưa lũ, 316.719 nhà chìm trong lũ, 42.804 ha lúa, 4.703 ha mạ và 39.261 ha hoa màu bị ngập hư hại,…, Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, đa phần các hộ dân trong vùng mưa lũ đã mất hoàn toàn cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo này, trong vòng một năm 2016, 235 người chết và mất tích trong thiên tai, tổn thất kinh tế trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD)

2. Thảm họa ô nhiễm biển do Formosa xả thải

Ngày 6/4, ngư dân phát hiện hiện tượng cá chết hàng loạt gần khu công nghiệp Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan tiếp sang các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Ước tính ban đầu, ít nhất 70 tấn cá tự nhiên chết dạt bờ suốt dọc hơn 200km bờ biển của 4 tỉnh này.

Ngày 24/4, thợ lặn Lê Văn Ngẩy (46 tuổi, quê tại Khánh Hòa) chết sau khi lặn tại cảng Sơn Dương, Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Nhiều người trong tổ lặn ở vùng biển cảng Sơn Dương cho hay cùng có các triệu chứng da vàng, tức ngực kéo dài nhiều ngày sau mỗi ca lặn.

Việc điều tra và công bố nguyên nhân gây cá chết liên tục bị trì hoãn. Khoảng ngày 6/5, một cuộc thám sát do phóng viên trong nước tự thực hiện tại vùng biển ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), trong phạm vi cách bờ chừng 1,5 hải lí, ngư dân cho biết cá chết nằm la liệt dưới đáy biển, nhím, ngao, sò, ốc, vẹm chỉ còn lại vỏ, rặng san hô chết, mùi cũng tanh nồng như xác cá chết. Theo nhận định của các nhà khoa học, phải mất khoảng 50 năm, hệ sinh thái biển tại bốn tỉnh Bắc Trung Bộ mới có thể phục hồi hoàn toàn.

Ước tính 100 tấn cá chết dạt vào bờ suốt dọc 4 tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: FB Dương Phong)
Ước tính 100 tấn cá chết dạt vào bờ suốt dọc 4 tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: FB Dương Phong)

Gần 2 tháng sau thảm họa, chính phủ mới công bố nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng (ngày 30/6), là do những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa. Thừa nhận sai phạm, Formosa cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và bồi thường xử lý môi trường biển với số tiền 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD).

Trong báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ cho biết riêng số hải sản chết dạt vào bờ khoảng 100 tấn. Nhưng tổn thất có tính lâu dài, do các rạn san hô, phù du sinh vật cũng chết, dẫn tới nguy cơ làm gián đoạn chuỗi thức ăn biển, khiến suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản khu vực.

Hàng triệu người sống nhờ vào kinh tế biển thất nghiệp. Theo báo cáo, trên 17.600 tàu cá và gần 41.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp. Trên 176.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng theo.

Không thể đánh bắt trong phạm vi từ bờ đến 20 hải lý. 90% tàu lắp máy công suất thấp và gần 4.000 tàu không lắp máy phải nằm bờ. Sản lượng khai thác ven bờ thiệt hại khoảng 1.600 tấn/tháng.

Về hoạt động nuôi trồng thủy sản, 9 triệu tôm giống bị chết, hàng ngàn lồng nuôi cá bị thiệt hại.

Về hoạt động du lịch, không chỉ các doanh nghiệp ở 4 tỉnh miền Trung, nhiều doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội và TP.HCM cũng bị thiệt hại khi khách dự định đến 4 tỉnh miền Trung hủy tour. Công suất sử dụng phòng tại 4 tỉnh trên mất 40-50%. Riêng tại Hà Tĩnh, công suất phòng khách sạn chỉ còn 10-20%.

Một góc dự án Formosa Hà Tĩnh - thủ phạm xả nước thải làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển. (Ảnh chụp từ Google Maps)
Một góc dự án Formosa Hà Tĩnh – thủ phạm xả nước thải làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển. (Ảnh chụp từ Google Maps)

Chính phủ thừa nhận sự việc đã khiến giảm lòng tin của các bộ phận người dân. Người dân nghi vấn về quá trình thẩm định, phê duyệt đầu tư; giảm cả lòng tin về khả năng của các cơ quan chức năng trong ứng phó các tình huống khẩn cấp về môi trường. Một bộ phận không còn tin vào sự an toàn của cá biển và các sản phẩm liên quan như nước mắm, rong tảo…

Sự việc tiềm ẩn nguy cơ an ninh khi người dân lo lắng về sinh kế, thất nghiệp, thậm chí nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được hải sản.

Về giải pháp, Chính phủ nêu đã xuất cấp trên 4.000 tấn gạo cứu đói và hứa đến tháng 8/2016 sẽ đưa tiền đền bù đến cho người dân.

Tuy nhiên, ngày 29/9 mới có quyết định về mức bồi thường thiệt hại cho người dân 4 tỉnh miền Trung sau thảm họa môi trường biển từ Chính phủ. Mức bồi thường cao nhất 37,48 triệu đồng dành cho chủ tàu lắp máy công suất từ 800 CV trở lên; lao động bị mất thu nhập nhận 2,91 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng, tính từ tháng 4. 

Tới cuối tháng 10-nửa đầu tháng 11, việc trả tiền bồi thường thiệt hại mới được thực hiện, chia thành nhiều đợt, dưới hình thức tạm cấp.  

3. Băng giá, tuyết rơi: Nhiệt độ xuống thấp dưới mức kỷ lục 33 năm

Kéo dài hơn một tháng, từ ngày 24/1 đến 26-27/2, đợt rét đậm, rét hại ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã phá vỡ mốc kỷ lục 33 năm trước, nhiệt độ thấp nhất dưới -4,4 độ C.

Tại Lào Cai, rét đậm và mưa tuyết khiến người dân thiệt hại khoảng 32 tỷ đồng. (Ảnh tổng hợp/baolaocai.vn)
Tại Lào Cai, rét đậm và mưa tuyết khiến người dân thiệt hại khoảng 32 tỷ đồng. (Ảnh tổng hợp/baolaocai.vn, tuoitre.vn)

Tuyết rơi vùng nhiệt đới gây nên nhiều bối rối về hiện tượng khí hậu kỳ lạ này. Tuyết rơi dày từ 2-10 cm tại các vùng núi cao như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sa Pa, Ô Quý Hồ (Lào Cai), Phia Oắc (Cao Bằng), Yên Tử (Quảng Ninh), núi Ba Vì (Hà Nội),  vùng cao Cao Sơn, Sài Khao, Nhi Sơn (Thanh Hóa), huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).  

Nhiệt độ xuống dưới 0 độ C như Sa Pa -2 độ C, Đồng Văn (Hà Giang) -0,2 độ C, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) -0,4 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -4 độ C… kéo dài nhiều ngày. Đêm xuất hiện mưa băng.

Theo Cục Chăn nuôi, chỉ tính tới cuối tháng 1, giá rét đã làm 9.202 con trâu, bò chết, vùi lấp gần 6.000 ha lúa, 81 ha mạ và hơn 4.600 ha rau màu, hơn 80.000 ha diện tích rừng bị tuyết phủ.

4. Hạn hán xâm nhập mặn khốc liệt ở Tây Nguyên, miền Trung và ĐBSCL

  • Hạn hán, xâm mặn tại ĐBSCL: Cơn ‘khát’ nước ngọt nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm

Xuất hiện từ tháng 11/2015 (sớm hơn trung bình hàng năm 1,5 tháng), tới tháng 2/2016, ranh mặn đã xấp xỉ ranh mặn cao nhất ở năm trung bình và tiếp tục lên cao. Đến tháng 3, ranh mặn đạt đỉnh cao nhất 4 g/l, vượt năm trung bình 20-25 km, thậm chí có nơi xâm sâu trên 30 km (sông Vàm Cỏ Tây).

Tất cả 13 tỉnh của ĐBSCL bị mặn xâm nhập; 10 tỉnh công bố thiên tai, trong đó nhiều tỉnh công bố cấp độ 2.

Hạn hán, xâm mặn tại ĐBSCL 2016. (Nguồn: Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam)
Hạn hán, xâm mặn tại ĐBSCL 2016. (Nguồn: Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam)

Hơn 230.000 hộ dân thiếu nước, thiếu đói. Khoảng 1,5 triệu người liên tục nhiều tháng không có thu nhập (theo quy ước mỗi gia đình có diện tích sản xuất khoảng 0,5ha). Chỉ riêng hai tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng đã có hơn 40.000 người bỏ quê đi làm ăn xa trong điều kiện túng quẫn.

Ước tính thiệt hại của người dân trong đợt hạn – mặn 2015-2016 toàn vùng ĐBSCL có thể lên đến 5.500 tỷ đồng.

Theo phân tích, có hai nguyên nhân chính gây ra đợt hạn hán này. Nguyên nhân thứ nhất do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino dẫn đến nắng hạn gay gắt và lượng mưa thấp hơn hẳn so với các năm. Năm 2015 ít mưa nên dòng chảy kiệt mùa khô 2015-2016 vào ĐBSCL giảm xuống từ 7.000 xuống còn 200 m3/s, bằng 20-30% lượng bổ sung hàng năm.

Hạn nghiêm trọng, Mặn xâm nhập gần như toàn bộ các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.... (Ảnh: nongnghiep.vn)
Hạn nghiêm trọng, Mặn xâm nhập gần như toàn bộ các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Nguyên nhân thứ hai là do hàng loạt thủy điện mọc lên ở thượng nguồn sông Mekong, chặn dòng chảy khiến nước từ sông Mekong về khu vực ĐBSCL thiếu hụt, dẫn đến tình trạng dòng chảy cạn kiệt, nước mặn thâm nhập ngược dòng vào sâu trong đất liền.

Trận hạn hán, xâm mặn khốc liệt chỉ kết thúc vào đầu tháng 6.

  • Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Hạn hán khốc liệt nhất 10 năm qua

Kéo dài từ tháng 11-12/2015 tới cuối tháng 6/2016, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên kiệt quệ trong cơn khô hạn nghiêm trọng nhất 10 năm qua. Ròng rã nhiều tháng không mưa, các hồ chứa nước, nhiều sông, suối đều khô trơ đáy. So với trung bình nhiều năm, lượng mưa thiếu hụt khoảng 30-50%, có nơi 80%.

Bản đồ thiên tai hạn hán tại 05 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa) năm 2016. (Nguồn: dmc.gov.vn)
Bản đồ thiên tai hạn hán tại 05 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa) năm 2016. (Nguồn: dmc.gov.vn)

Theo Bộ NN&PTNT, tính tới giữa tháng 4, thiên tai hạn hán đã khiến hơn 390.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; thiệt hại gần 233.000 ha cây trồng và trên 4,52ha thủy sản. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 5.200 tỷ đồng.

Theo nhận định chung, nguyên nhân gây hạn hán và mặn xâm nhập ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ là do hiện tượng El Nino dài nhất trong lịch sử (từ cuối năm 2014 đến 2016). Tuy nhiên, theo phân tích của nhà văn Nguyên Ngọc, còn một nguyên nhân cơ bản là do rừng tự nhiên Tây Nguyên đã bị tàn phá kiệt quệ, làm tổn hại nguồn nước ngầm, gây nạn hạn hán khốc liệt kéo dài từ Tây Nguyên tới ĐBSCL trong năm.

5. Cá chết hàng loạt tại nhiều tỉnh

Tại Phú Yên, tới giữa tháng 6, số lượng tôm, cá chết tại vùng biển xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu lên tới 12 tấn. Trong đó, hơn 10.000 con tôm hùm bông, 13.000 con tôm hùm xanh và 900 con cá mú thương phẩm.

Cá nuôi chết hàng loạt ở thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An). (Ảnh: baophuyen.com.vn)
Cá nuôi chết hàng loạt ở thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An). (Ảnh: baophuyen.com.vn)

Tại thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, H.Tuy An, khoảng 72.000 con cá của 100 hộ đã chết, thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Nguyên nhân chính được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm, phát sinh vi khuẩn vibrio alginolyticus.

Đầu tháng 10, cá chết nổi trắng Hồ Tây (Hà Nội). Theo thống kê ban đầu, cá chết ước khoảng 200 tấn, trên diện tích hơn 500 ha, tại 24 cửa xả xuống Hồ Tây.

Khoảng 200 tấn cá chết nổi trắng tại Hồ Tây (Hà Nội). (Ảnh tổng hợp/Facebook)
Khoảng 200 tấn cá chết nổi trắng tại Hồ Tây (Hà Nội). (Ảnh tổng hợp/FB)

Thành phố cho biết cá chết do 4 nguyên nhân: hiện tượng tái ô nhiễm nước; thời tiết thay đổi dẫn tới thiếu oxy trong nước, ý thức người dân kém, xả thẳng rác thải và xả thải trái phép vào hồ; môi trường hồ bị ảnh hưởng do hiện tượng cho phép nuôi, thả cá kinh doanh. Ban quản lý hồ Tây cho hay mỗi ngày có khoảng 4.000 m3 nước thải chưa qua xử lý đổ xuống hồ. Hàm lượng amoniac trong nước gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép.

Cuối tháng 11, trên vùng biển xã Vạn Thạnh, Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, cá tiếp tục chết hàng loạt. Ước tính hơn 10 tấn cá chết dạt vào bờ. Nguyên nhân công bố là do tảo nở hoa (còn gọi là hiện tượng thủy triều đỏ).

Người dân thu dọn xác cá bớp chết nổi trên vịnh Cam Ranh. (Ảnh: baokhanhhoa.com.vn)
Người dân thu dọn xác cá bớp chết nổi trên vịnh Cam Ranh. (Ảnh: baokhanhhoa.com.vn)

6. Ô nhiễm không khí

Nhiều tháng qua, trạm đo của Đại sứ quán Mỹ ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội hầu như ở ngưỡng nguy hại cho sức khỏe.

Chỉ số AQI ở khu vực trung tâm Hà Nội hầu như lên đến trên 250 hoặc trên 300 – tức, có tới 250-300 hạt bụi PM2,5 trong một mét khối không khí. 

Chưa có công bố chính thức về tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo các bảng xếp hạng quốc tế trong nhiều năm, Việt Nam liên tục nằm trong 10 quốc gia ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Bản đồ ô nhiễm không khí tại Việt Nam. (Nguồn: Đại học Yale/dẫn qua Tạp chí Forbes Việt Nam)
Bản đồ ô nhiễm không khí tại Việt Nam. (Nguồn: Đại học Yale/dẫn qua Tạp chí Forbes Việt Nam)

Theo kết quả nghiên cứu công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos năm 2012, Việt Nam đứng thứ 123/132 quốc gia về ảnh hưởng của chất lượng không khí. Cuộc khảo sát do 2 trường Đại học Yale và Columbia thực hiện.

Năm 2014, Việt Nam đứng thứ 170/178 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất trên thế giới, theo Bảng chỉ số xếp hạng môi trường của Tổ chức Thương mại Thụy Điển.

Cuối tháng 9/2016, một phúc trình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cùng với Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam nằm trong số các nước ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Ngày 11/12/2016 vừa qua, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2016 (Vietnam Business Forum 2016), nhiều doanh nghiệp quốc tế công bố sẽ rút vốn đầu tư khỏi Việt Nam vì môi trường sống không còn đảm bảo do ô nhiễm không khí và môi trường nghiêm trọng.

7. Sập hầm khai thác vàng vùi lấp nhiều người`

Đêm 19/8, do ảnh hưởng của bão số 3, mưa to trên diện rộng tại tỉnh Lào Cai, gây lũ cuốn, sạt lở đất. Lũ cuốn sập hầm vàng tại khu khai thác trên địa bàn thôn Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, Lào Cai, vùi lấp nhiều phu vàng.

2, 9 hay hàng chục người đã tử nạn trong vụ sập hầm ở bãi vàng Mà Sa Phìn (Lào Cai) trong đêm 19, rạng sáng 20/8 vẫn còn là một câu hỏi chưa được trả lời. (Ảnh tổng hợp/laodong.com.vn)
2, 9 hay hàng chục người đã tử nạn trong vụ sập hầm ở bãi vàng Mà Sa Phìn (Lào Cai) trong đêm 19, rạng sáng 20/8 vẫn còn là một câu hỏi chưa được trả lời. (Ảnh tổng hợp/laodong.com.vn)

Sự việc gây chú ý khi số người tử nạn bị cho là bị ‘ém’ thông tin. Cho tới ngày 23/8, phía chính quyền Lào Cai cung cấp thông tin có 2 người tử vong và 4 người bị thương do cơn bão số 3 gây ra.

Tuy nhiên, khi báo chí tiếp cận các nhân chứng từ hiện trường trở ra, con số người chết ít nhất là 9 hoặc 12. Một số tờ báo khẳng định vụ sập hầm khai thác vàng khiến 18 người tử nạn, trong đó có 15 người Việt Nam và 3 người Trung Quốc.

8. Cháy quán karaoke làm 13 người thiệt mạng

Gần 2h chiều 1/11, lửa bùng từ quán karaoke, sau đó lan rộng, thiêu rụi 4 căn nhà 8 tầng cùng ôtô, xe máy đậu gần đó trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội). Hỏa hoạn kéo dài hơn 5 giờ, làm 13 người thiệt mạng, hàng chục người phải đu ống nước, trèo thang thoát thân.

Hiện trường vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng khiến 13 người tử vong, nhiều ngôi nhà bị thiêu rụi tại số 68 Trần Thái Tông (Hà Nội). (Ảnh tổng hợp/FB)
Hiện trường vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng khiến 13 người tử vong, nhiều ngôi nhà bị thiêu rụi tại số 68 Trần Thái Tông (Hà Nội). (Ảnh tổng hợp/FB)

Chủ quán karaoke cùng 1 thợ hàn và người chủ cơ sở hàn bị khởi tố. Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin quận và Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu bị cách chức, một số người khác bị khiển trách do quán karaoke hoạt động khi chưa có giấy phép kinh doanh, chưa có giấy phép phòng cháy chữa cháy.  

Từ ngày 5/11, Hà Nội tạm dừng cấp phép kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn; kiểm tra, rà soát điều kiện, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy ở các công trình, chung cư, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí. Theo thống kê, có tới 23 vụ hỏa hoạn tại các cơ sở kinh doanh karaoke trên cả nước trong năm, bình quân 2 vụ/tháng.

9. Thảm sát 

Liên tiếp nhiều vụ thảm sát gây chấn động xảy ra trong năm 2016.

  • Thảm án 4 bà cháu bị sát hại tại Quảng Ninh

Sáng sớm 24/9, tại khu Hợp Thành, phường Phương Nam, thành phố Uông Bí, chị Vũ Thị Thanh đi làm ca đêm về thì thấy mẹ đẻ cùng 2 con (8 và 9 tuổi) và 1 cháu (2 tuổi) bị sát hại.

Qua điều tra, đối tượng Doãn Trung Dũng (45 tuổi), cháu rể nạn nhân là nghi can duy nhất, bị phát lệnh truy nã.

Tối cùng ngày Dũng bị bắt, khai gây án do ảo giác của ma tuý. Liên tục nhiều ngày trước khi gây án, hắn đã dùng thuốc lắc. Ngày 16/12, sau gần 4 tháng gây ra thảm án, Dũng bị tuyên phạt án tử hình.

  • Thảm sát tại Lào Cai: 4 người trong gia đình bị sát hại

Tối 9/8, tại thôn Phìn Ngan, Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai, thi thể chị Tẩn Tà Mẩy (22 tuổi), hai con gái (2 tuổi và 28 ngày tuổi) cùng cháu gái (6 tuổi) bị phát hiện dưới ao, suối và khe nước cạnh nhà. Các nạn nhân đều bị giết trước khi bị dìm xuống nước, đè đá để phi tang. Trong nhà bị lục tung, mất 14 triệu đồng.

Sau khi gây án, Lở vào bếp đặt bẫy súng kíp với ý định giết nốt chồng nạn nhân nhưng bất thành.

Cảnh sát xác định Tẩn Láo Lở (hàng xóm với nạn nhân) là nghi can duy nhất. Sau gần một tháng lẩn trốn trong rừng, đêm 4/9, Lở bị bắt. Nghi phạm hiện bị khởi tố về tội Giết người và Cướp tài sản.

  • Thảm án tại Hà Giang: 4 người bị sát hại

Khoảng 4g ngày 1/12, xảy ra một vụ giết người khiến 4 người thiệt mạng tại xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

4 nạn nhân gồm: ông Phù Láo Tả (59 tuổi), Phù Thị Nguyệt (hơn 1 tuổi), bà Tải Thị Mở (51 tuổi) và anh Phù Văn Thịnh (23 tuổi). Anh Phù Láo Sán (26 tuổi) bị thương được đưa đi cấp cứu.

Nghi phạm gây án là Phù Minh Tuấn (32 tuổi, trú xã Tân Trịnh, cùng huyện) bị bắt giữ ngay sau đó.

Được biết, đầu tháng 1/2015, Tuấn từng dùng dao sát hại con ruột và bị công an bắt giữ. Do có tiền sử bị tâm thần nặng, Tuấn bị buộc đưa đi chữa trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương và mới được về nhà đầu tháng 7 thì tiếp tục gây án.

Và còn nhiều vụ án mạng nghiêm trọng khác.

10. Cuốn tử thi vào chiếu

Hình ảnh người nghèo chết vì bệnh, không có tiền được người nhà bó chiếu mang về gây nên làn sóng trong dư luận trước tình cảnh nghèo khổ tới cùng cực của người dân.

Ngày 14/9, công an tỉnh Sơn La xác nhận thông tin một xe máy chở thi thể người cuốn chiếu tại TP. Sơn La. Thi thể là chị Lò Thị P. tử vong vì viêm phổi vào ngày 12/9. Do quá nghèo, khi thấy sức khỏe chị P trở yếu, người nhà viết đơn xin về, thuê xe ôm chở từ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Sơn La về. Đi tới giữa đường, chị P. qua đời, xe ôm bỏ cuộc. Người anh trai không đủ tiền thuê ôtô nên tự bó chiếu thi thể em gái, buộc sau xe máy đưa về nhà.

(Ảnh tổng hợp/Facebook)
(Ảnh tổng hợp/FB)

Ngày 16/9, cũng tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La, những người con bó xác bố (vừa mất vì lao) vào chăn chiếu, rồi buộc sau xe máy đưa về nhà, vì nghèo túng.

Chiều 11/12, anh Bùi Văn L. (SN 1983, quê ở xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lạc Sơn. Gia đình cuốn chăn, khiêng về nhà.

Lê Trai

Xem thêm: