Một đoạn đập dài khoảng 12m phía điểm đầu hệ thống thoát nước thải của bể chứa bùn thải bị vỡ khiến 100m³ bùn, nước thải đã tràn ra và chảy xuống suối Nậm Huống (Nghệ An). 

vỡ bể lắng
Gần 100 m3 bùn thải quặng chảy tràn từ trên núi xuống suối Nậm Huống gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. (Ảnh: truyenhinhnghean.vn)

Sáng 12/3, các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An và huyện Quỳ Hợp vẫn đang tiến hành kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá tác động sự cố vỡ bể chứa bùn thải quặng thiếc khiến bùn thải chảy tràn ra suối Nậm Huống với khối lượng lớn tại xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Trước đó, đêm 8 và sáng 9/3, tại khu vực khai thác, sơ chế quặng thiếc của xí nghiệp thiếc Suối Bắc (của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc, xã Châu Thành), thân đập chứa bùn thải trên núi Lan Toong (có độ cao khoảng 700m so với mực nước biển) bị rạn nứt rồi vỡ. Thân đập vỡ dài khoảng 12m khiến gần 100m³ bùn, nước thải đã tràn ra, đổ xuống dòng Nậm Huống gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Mặc dù chưa có thống kê về thiệt hại, ảnh hưởng về hoa màu, nhưng dọc theo dòng Nậm Huống đã xuất hiện cá chết hàng loạt, nhiều nhất là tại các xã Châu Cường, Châu Quang… Vì lấy nguồn nước từ dòng suối này, cá trong ao của nhiều hộ gia đình trong xóm Quang Hương, xã Châu Quang, huyện Qùy Hợp cũng bị chết với số lượng lớn. Một người dân cho biết cá trong ao của gia đình bắt đầu chết từ sáng 11/3, ước tính khối lượng đã lên tới 1,5-2 tạ.

Những con cá lớn chết được người dân vớt dọc dòng suối Nậm Huống. (Ảnh: MC/vnexpress.net)
Những con cá lớn chết được người dân vớt dọc dòng suối Nậm Huống. (Ảnh: truyenhinhnghean.vn)

Ngoài ra, ruộng lúa nước dọc theo suối Nậm Huống cũng bị ô nhiễm, bùn bồi lắng. Chỉ tính riêng xã Châu Quang đã có 22/26 xóm bị ảnh hưởng với trên 300 ha lúa bị ô nhiễm bùn thải. Hiện người dân xã Châu Cường đã được thông báo không được ăn cá, không cho nước chảy vào đồng ruộng.

Bùn thải quặng thiếc chảy ra khe Nậm Huống khiến nguồn nước ở khu vực này đứng trước khả năng bị nhiễm độc chì và asen, hai chất kim loại có độ độc tính cao.

Đầu tháng 1/2016 từng xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng khi bể chứa thải của Công ty TNHH CKC (Cao Bằng) vỡ khiến hàng trăm nghìn m3 bùn thải chì, kẽm chảy xuống sông Gâm gây ô nhiễm nặng.

Chì (Pb) thuộc nhóm kim loại nặng có tính độc cao nguy hiểm, còn asen (As) thuộc nhóm kim loại có độc tính mạnh.

Liều lượng asen tối đa mỗi ngày có thể chấp nhận được là 0,05 mg/kg thể trọng. Khi tích lũy asen trong một thời gian dài sẽ gây ra các triệu chứng ngộ độc mãn tính như mặt xám, tóc rụng, viêm dạ dày và ruột, đau mắt, tai… làm cho cơ thể mệt mỏi và chết sau một thời gian ngắn.

Asen ở dạng vô cơ gây ung thư biểu bì mô da và các bệnh ngoài da. Asen còn đầu độc hệ tuần hoàn khi hấp thu một lượng ≥ 0,1 mg/kg cơ thể.

Chì (Pb) là kim loại có rất ít trong tự nhiên, hàm lượng chì rất nhỏ chỉ cỡ 0,001 – 0,02 mg/L. Ở trong nước, chì có thể tồn tại ở dạng phức tan hoặc các dạng khó tan.

Chì là một kim loại nặng cực kỳ độc. Khi bị nhiễm độc chì sẽ gây cản trở quá trình tạo hồng cầu. Ở nồng độ >0,8 ppm chì gây bệnh thiếu máu, phá hủy các chức năng của thận và phân hủy tế bào não. Nhiễm độc chì ở nồng độ thấp làm ngăn cản sự phát triển sinh lý và trí tuệ của trẻ sơ sinh và trẻ em.

(Theo Hà Xuân Sơn (Luận án Tiến sĩ Y học, Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên, 2015) và Phạm Trường Sơn (Luận văn, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013)

Nguyễn Quân (T/h)

Xem thêm: