Một buổi tối muộn, người bạn tôi trân quý sau chuyến công tác dài vẫn dành thời gian gặp như đã hẹn. Buổi trò chuyện tối hôm đó hầu hết là những câu chuyện anh kể, để chỉ cho tôi về đạo đức và tâm tư làm nghề.

Có một chi tiết khiến tôi luôn ghi nhớ. Khi nhắc tới một bài phóng sự ảnh, anh cho hay anh đã bỏ không dùng một tấm ảnh có thể tạo nên sức nặng của toàn bài. Bức ảnh chụp một người phụ nữ đang mang thai khá lớn vẫn đứng giữa trưa nắng trong ngày 30 Tết để bán quất, đào, cố vớt vát lại chút tiền vốn. Tết năm ấy, người buôn đào, quất thua lỗ xác xơ.

Anh không dùng dù biết giá trị của bức ảnh. Anh nói phải nghĩ cho đứa trẻ. Sau này đứa trẻ bất chợt nhìn thấy tấm hình ấy, nó sẽ nghĩ gì? Anh muốn tránh đi những tổn thương không cần thiết. Dù cho xác suất để đứa trẻ tình cờ bắt gặp lại tấm ảnh là quá nhỏ và nỗi lo của anh là dành cho khoảng 20 năm sau.

Câu chuyện ấy dạy tôi biết một đứa bé, dù chưa ra đời cũng cần được trân quý.

Nhưng ngày hôm nay, có đứa trẻ lớp 1 trở về nhà với hai chiếc quần cháu mặc dính đầy máu. Đến tối, máu vẫn tiếp tục chảy ra từ vùng kín. Bác sĩ cho hay cháu bị vết rách bên trong vùng kín và đây là vết thương do bị xâm hại.

Có cháu bé 8 tuổi hàng đêm mê sảng, khóc thét, vật vã trong cơn sợ hãi tột cùng. Kết quả giám định y khoa trước đó cho thấy cháu bị tổn thương bộ phận sinh dục, rách màng trinh, xây xát và phù nề xung quanh.

Nỗi hoảng loạn của những đứa trẻ ở chung cư Lakeside (Vũng Tàu) vẫn bao trùm như những bóng ma từ nhiều ngày tháng qua khi hình ảnh một ông già lẩn quất bên mỗi góc khuất hành lang, hay thậm chí trong khuôn viên khu chung cư, làm đau chúng bằng những hành vi mà chúng không biết gọi thành tên.

Nỗi sợ hãi khủng khiếp ấy quá sức chịu đựng. Những đứa trẻ vô tội đang trở thành nạn nhân của tội phạm ấu dâm, với nỗi đau câm lặng cả về thể xác lẫn tâm hồn.

xam hai tinh duc tre em
Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm cả các hành vi động chạm hay thậm chí không động chạm. (Ảnh: mandatenow.org.uk)

Tội phạm ấu dâm có thể là bất kỳ ai, những người trưởng thành với địa vị và học thức thậm chí cao hơn rất nhiều so với mặt bằng bình quân. Nhưng nạn nhân, chúng là những đứa trẻ, cả nam lẫn nữ, với độ tuổi nhỏ nhất có thể từ vài tháng tuổi tới lớn nhất trước tuổi vị thành niên (16 tuổi). Nạn nhân sau khi bị xâm hại, có thể bị giết để bịt đầu mối, hoặc mang theo những tổn thương, đôi khi là vĩnh viễn, cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Tôi đã thử đặt mình vào vị trí của những đứa trẻ ấy và nghĩ đến cảm giác khi bóng đen bao trùm. Những nỗi sợ hãi, vì một lý do nào đó, dần luồn lách và bóp nghẹt lấy tâm trí. Nước mắt tôi rơi như ngây dại. Tôi đã hiểu nỗi đau của các em như một người trưởng thành. Nhưng còn với các em, những đứa trẻ chỉ từ 5 tới 13 tuổi, chúng sẽ phải làm gì để hàn gắn lại những vụn vỡ?

Trong nhiều ngày qua, cơn giận dữ của dư luận như sóng trào. Phần đa ý kiến đồng tình với biện pháp “thiến” hóa học đối với kẻ ấu dâm, một hình phạt rất nặng, còn gây tranh cãi tại nhiều quốc gia ngay cả khi đã được thống nhất thông qua. Tôi tự hỏi nỗi im lặng đã dằn bao lâu để rồi dồn lên thành sóng như thế? Bởi vụ án dâm ô tại chung cư Lakeside (Vũng Tàu) có lúc tưởng như rơi vào bế tắc, khi Viện Kiểm sát nhân dân TP Vũng Tàu lần lữa gia hạn điều tra thêm, dù đã có quyết định khởi tố từ tháng 8/2016.

Trong vụ án xâm hại cháu bé 8 tuổi tại Hoàng Mai (Hà Nội) là dấu hiệu muốn đánh “chìm xuồng” khi 2 tháng qua, cơ quan điều tra không ra quyết định khởi tố vụ án bất kể vụ việc có bị hại rõ ràng, có nhân chứng trực tiếp, có băng ghi âm thừa nhận lỗi, có giám định y khoa cơ quan sinh dục bị thương tổn. Chiều 13/3, Phó Thủ tướng yêu cầu TP nhanh chóng làm rõ, thì tới tối ngay lập tức có quyết định khởi tố của Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Còn một sự lặng im đáng sợ vẫn đang bao quanh nghi án bé gái lớp 1 bị xâm hại ngay tại trường. “Màng trinh bé gái không rách, âm đạo không có tinh dịch” là điều tra bước đầu được Công an quận Thủ Đức, TP.HCM công bố trong buổi họp báo chiều 13/3. Thông tin về kết luận pháp y bị công bố cách xa tới một tháng kể từ ngày công an nhận đơn tố cáo và cùng gia đình đưa bé đi giám định pháp y. Camera số 4 đặt ở vị trí bé gái bị nghi xâm hại bị mất dữ liệu đúng vào thời điểm xảy ra vụ việc, từ 11h18 đến 12h22 ngày 14/2/2017. Trưởng Công an quận Thủ Đức cho hay vì người lao công vô ý cúp cầu giao khiến nó không hoạt động.

Có điều gì đó thật bất bình thường, trong những vụ án dâm ô đối với trẻ em. Sự im lặng tự chúng lên tiếng đằng sau những con số hơn 1.200 trẻ bị xâm hại tình dục mỗi năm, mỗi 8h lại có một trẻ bị xâm hại, cứ 4 bé gái thì 1 bé bị xâm hại, cứ 6 bé trai thì 1 bé là nạn nhân… Nền tư pháp nào cũng có sai lầm. Nhưng một nền tư pháp im lặng và dối trá thì không phải là một nền tư pháp mà ở đó có niềm tin rằng pháp luật thật sự được tôn trọng, thực thi.

Vậy nhưng, vẫn có những tượng đài đi tìm công lý. Ở đó, là bóng dáng của những người cha, người mẹ kiên trì đi đòi lại công bằng cho con, và có thể là cho tương lai của rất nhiều những đứa trẻ khác nữa.

Vụ án dâm ô tại Vũng Tàu mất gần một năm để đi tới quyết định khởi tố nghi phạm, vụ án dâm ô tại Hoàng Mai (Hà Nội) mất hơn 3 tháng để cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam nghi phạm.

Còn đối với nghi án bé gái lớp 1, sau nhiều ngày bế tắc, tới chiều 17/3, đã có diễn biến mới liên quan tới vụ việc. Báo cáo do Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an Q. Thủ Đức cho biết theo kết quả giám định pháp y, cho thấy “có tế bào người nam trong dịch âm đạo”. Ngay sau khi nhận được thông báo, gia đình cháu bé đã gửi đơn yêu cầu cơ quan công an giám định lại hình ảnh từ camera an ninh.

Thay vì che giấu do lo sợ định kiến, buông xuôi hay là vượt qua pháp luật để trả thù theo kiểu giang hồ, những người cha, người mẹ ấy vẫn nhẫn nại đấu tranh để công lý phải được thực thi. Thực tế, việc liên tiếp nhiều gia đình lên tiếng trước các nghi án ấu dâm đang khiến những thành trì che chắn cho những tên “yêu râu xanh” phải bị phá hủy, tạo nên tiền đề giúp nhiều gia đình đồng cảnh ngộ cùng vạch trần hành vi xâm hại, đồng thời giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về nạn ấu dâm. “Đốt một que diêm thay vì nguyền rủa bóng tối“, những người dân bình thường đã làm như thế để đòi một môi trường sống an toàn thực sự cho con em mình và những người xung quanh.

Còn 15 cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em của Việt Nam, chừng nào người dân biết đến tên họ như những cam kết đã tuyên rằng sẽ đảm bảo sự an toàn của trẻ em dưới tuổi vị thành niên? Chừng đó trẻ em bị xâm hại mỗi năm chưa đủ để đánh thức nhân tâm hay sao?

Lê Trai

Xem thêm: