Người dân đi đường quốc lộ 5 đang phải trả phí cho dự án BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Trên cả 2 con đường huyết mạch, quốc lộ 5 và đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, chủ đầu tư Vidifi đều được thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Với cơ chế đặc thù Thủ tướng Chính phủ trao cho chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng từ năm 2007, người dân và doanh nghiệp bị ép vào thế không có sự lựa chọn.

xe di quoc lo 5 dong phi la de hoan von cho cao toc ha noi hai phong
Trạm thu phí số 2 quốc lộ 5. (Ảnh: vrbc.com.vn)

Đi đường 5, vừa đóng phí bảo trì đường bộ, vừa phải trả phí BOT

Quốc lộ 5, hay còn gọi là quốc lộ 5A sau khi xây dựng quốc lộ 5B (Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng), là tuyến đường huyết mạch của Hà Nội – Hải Phòng, là tuyến đường trọng yếu nằm trong trục tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và tuyến hành lang kinh tế Hải Phòng – Hà Nội – Lao Cai – Côn Minh ( Vân Nam Trung Quốc) với lưu lượng phương tiện lưu thông rất lớn, từ 30.000-32.000 lượt xe/ngày đêm.

Quốc lộ 5 do Nhà nước xây dựng, được cải tạo, nâng cấp từ tháng 6/1996 và hoàn thành vào tháng 6/1998. Từ năm 2003, các phương tiện đi trên quốc lộ 5 phải nộp phí với mức 10.000 đồng/lượt/trạm/xe tiêu chuẩn tại 2 trạm thu phí với lý do để thu phí để duy tu bảo dưỡng, bảo trì quốc lộ trên với kinh phí thu thấp.

Năm 2007, khi chưa có quy định người dân phải đóng Quỹ bảo trì đường bộ theo Nghị định 18/2012/NĐ-CP, có hiệu lực ngày 1/6/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1621/2007 về cơ chế đặc thù cho dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Trong đó, cho Vidifi được quyền “quản lý, thu phí trên quốc lộ 5 cho đến hết thời gian kinh doanh BOT Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải phòng, mức phí theo quy định của Bộ Tài chính“.

Việc thu phí hai trạm trên quốc lộ 5 là để hoàn vốn cho dự án đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (tổng vốn đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng). Ngoài ra, thu phí trên quốc lộ 5 là để hoàn vốn trực tiếp cho dự án cải tạo quốc lộ 5

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công – Pháp luật TP.HCM (ngày 6/9/2017)

Việc Vidifi thu phí trên quốc lộ 5 thực chất là hỗ trợ chính sách của Chính phủ chứ không phải là thu phí BOT. Nếu không giao cho Vidifi thì Nhà nước vẫn sẽ thu phí Quốc lộ 5 và lấy tiền đó hỗ trợ cho Vidifi làm cao tốc Hà Nội – Hải Phòng”.

Chủ tịch Vidifi Đào Văn Chiến – Dân Trí (ngày 5/9/2017)

Ngày 20/1/2009, việc thu phí quốc lộ 5 được bàn giao cho Vidifi. Đáng chú ý, dù thu phí nhưng nguồn vốn sửa chữa, bảo dưỡng tuyến đường không do Vidifi bỏ ra mà vẫn trích từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.

Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) – đơn vị được giao quản lý, bảo trì tuyến Quốc lộ 5 – cho biết Cục chỉ được giao để quản lý, bảo trì Quốc lộ 5, còn việc thu phí do cấp trên quyết định.

Còn đại diện Vidifi cho rằng đầu tư bảo trì mặt đường quốc lộ 5 là do Bộ GTVT triển khai, thực hiện, Vidifi không được giao việc dự án này. Vidifi cho hay năm 2012 đã trích gần 400 tỷ đồng từ nguồn thu phí quốc lộ 5 để trả nợ 50% vốn vay đầu tư Dự án cải tạo, khôi phục mặt đường quốc lộ 5 để giải quyết tình trạng xuống cấp của quốc lộ 5, đảm bảo an toàn giao thông và duy trì khả năng khai thác tuyến đường (phần còn lại lấy từ Quỹ Bảo trì đường bộ).

Đối với dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tháng 3/2007, Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chủ trì cùng một số ngân hàng thương mại huy động vốn và triển khai đầu tư xây dựng dự án theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).

VDB góp 51% vốn điều lệ, cùng các cổ đông khác thành lập công ty cổ phần là Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) làm chủ đầu tư dự án.

Quyết định “đặc thù” 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký thay Thủ tướng đã giao Vidifi là chủ đầu tư Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo hình thức hợp đồng BOT.

Dự án có tổng mức đầu tư 45.587 tỷ đồng song chủ sở hữu chỉ có 3.200 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 10% so với tổng vốn đầu tư (theo quy định, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư).

Phí tăng phi mã

Từ khi Nhà nước chuyển giao việc thu phí cho Vidifi, phí qua trạm liên tục tăng. Từ ngày 1/12/2015, Vidifi tăng từ 10.000 đồng/lượt (xe dưới 9 chỗ) lên thấp nhất 30.000 đồng, cao nhất 160.000 đồng/lượt (tùy loại xe).

Từ 1/4/2016, tăng tiếp lên thấp nhất 45.000 đồng, cao nhất tăng 200.000 đồng/lượt. Tới ngày 1/11/2016, Vidifi giảm xuống 40.000 đồng – 180.000 đồng/lượt, áp dụng tới nay. Như vậy, trong chưa đầy một năm, mức phí trên quốc lộ 5 được điều chỉnh tăng gấp 4 lần (mức thấp nhất).

Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi vào hoạt động từ 5/12/2015, phí đã được điều chỉnh tăng sau 4 tháng. Từ 1/4/2016, Vidifi tăng 25% mức phí, từ 1.500 đồng/km lên 2.000 đồng/km/PCU. Với mức tăng này, chặng Hà Nội đến nút giao quốc lộ 39 thuộc tỉnh Hưng Yên mức phí thấp nhất là 40.000 đồng, cao nhất là 170.000 đồng. Chặng Hà Nội đến cuối tuyến là cảng Đình Vũ có mức phí thấp nhất là 210.000 đồng, cao nhất là 840.000 đồng.

Đầu năm 2017, Kiểm toán Nhà nước quyết toán các gói thầu cho biết thời gian thu phí cả đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 5 là 28 năm 8 tháng 27 ngày, sau đó đơn vị quản lý sẽ bàn giao cả 2 đường cho Nhà nước.

Lưu lượng xe qua 2 trạm thu phí trên quốc lộ 5 là 32.000 lượt/ngày, đêm (trạm số 1 là 17.000 lượt, trạm số 2 là 15.000 lượt). Lưu lượng xe bình quân trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là 30.000 – 40.000 lượt xe/ngày, đêm.

Theo Quyết định 1621/2007, chủ đầu tư ngoài được quyền thu phí trên quốc lộ 5 và quyết định mức thu phí đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo từng thời kỳ, còn được kinh doanh các dịch vụ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi đường và được độc quyền kinh doanh quảng cáo dọc theo đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Theo ông Lê Văn Tiến – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng trên Diễn đàn Doanh nghiệp (25/5/2016), với dự kiến tổng vốn đầu tư dự án chỉ trên 24.500 tỷ đồng (vào thời điểm khởi công 2008), nhưng đến khi hoàn thành lên tới 45.487 tỷ đồng, chủ đầu tư là Vidifi được trở thành chủ đầu tư một số dự án đô thị lớn tại Quốc lộ 5 theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng.

Nguyễn Quân

Xem thêm: