Chút suy nghĩ về Ôn Gia Bảo, Tập Trọng Huân và Cao Trí Thịnh trong ngày 25/4

Nghĩ về Ôn Gia Bảo, Tập Trọng Huân và Cao Trí Thịnh trong ngày 25/4

Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, người ta chứng kiến sự vùng vẫy của người Trung Quốc trong việc tìm kiếm lối thoát cho chính mình. Từ trong sâu thẳm tâm linh, người Trung Quốc kỳ thực đều hiểu rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là lối thoát cho dân tộc. Ai ai đều thầm thóa mạ nó, nhưng ai ai cũng đều sợ hãi nó. Đảng dẫu thâu tóm được nhiều quyền lực và tiền bạc về đến đâu thì người Trung Quốc cũng không thể an lành. Ôn Gia Bảo, Tập Trọng Huân và Cao Trí Thịnh là ba cá nhân nổi bật tại Trung Quốc, là tiêu biểu cho ba hướng đi tìm kiếm con đường cho dân tộc này trong sự giao thoa giữa hai thế kỷ. Họ dẫu khác nhau về xuất thân, lập trường, địa vị chính trị và cả phương cách thực hiện, nhưng lại cho người ta rất nhiều suy ngẫm.

Bối cảnh ngã ba đường

Trong bất cứ xã hội nào, cũng luôn có những người tốt dám hy sinh bản thân cho lợi ích của người khác hay cho công lý, và cũng có không ít người mong ước đến một hoàn cảnh tốt đẹp hơn cho dân tộc. Nhưng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là ở Trung Quốc, họ cần có một phương hướng, cần có một con đường.

Người dân Trung Quốc đã từng có một cơ hội chuyển hướng xã hội trong cuộc vận động tự do dân chủ của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn hơn 30 năm về trước. Vào tháng 4/1989, hàng vạn sinh viên Trung Quốc đã chung sức đưa ra 7 yêu cầu đối với chính phủ, bao gồm tự do báo chí, tự do ngôn luận, tiết lộ khối tài sản của quan chức và tự do biểu tình. Những yêu cầu này được đại diện bởi bức tượng điêu khắc “Nữ thần Dân chủ” cao 10 mét, lấy cảm hứng từ tượng “Nữ thần Tự do” của Mỹ và được in trên hàng vạn tờ rơi. Thanh niên, sinh viên Trung Quốc tham gia cuộc biểu tình rộng lớn này bất chấp Bắc Kinh thiết quân luật để kêu gọi chính phủ thay đổi sau khi tỏ ra bất mãn trước giới quan chức ngày càng tham nhũng và một xã hội ngày càng bất công. Phong trào này thậm chí nhận được sự đồng cảm của Tổng bí thư Đảng lúc bấy giờ là Triệu Tử Dương. Tuy nhiên, con đường tự do đã bị chặt đứt khi người nắm thực quyền tối cao lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình cùng các nguyên lão của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh cho quân đội dùng vũ lực tạo ra thảm sát Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989.

Nghĩ về Ôn Gia Bảo, Tập Trọng Huân và Cao Trí Thịnh trong ngày 25/4
Hình ảnh người biểu tình vô danh đứng chặn đoàn xe tăng trên Đại lộ Trường Anh trong sự kiện Lục Tứ năm 1989. (Ảnh: Jeff Widener/Wikipedia, The Associated Press)

25/4 cũng là một ngày đặc biệt tương tự, bởi nó đánh dấu cơ hội chuyển hướng xã hội lần thứ 2 của người dân Trung Quốc. Ngày này năm 1999 đánh dấu cuộc thỉnh nguyện của hơn 10.000 người tập Pháp Luân Công ngay trước Trung Nam Hải, biểu tượng quyền lực của chính quyền Trung Quốc, yêu cầu quyền tự do tập luyện mà không bị chính quyền quấy nhiễu và bắt bớ. Trước đó, sau 7 năm chính quyền tạo điều kiện phát triển, số lượng người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã lên tới 70-100 triệu người. Bấy giờ bên trong chế độ chia thành hai phe. Một phe ủng hộ và ca ngợi Pháp Luân Công, mà tiêu biểu là câu nói của Kiều Thạch cùng các vị cán bộ lão thành của đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc năm 1998: “Pháp Luân Công đối với đất nước và nhân dân chỉ có trăm điều lợi mà không có một điều hại” trong một báo cáo điều tra. Phe còn lại do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân dẫn đầu, muốn đàn áp Pháp Luân Công và lợi dụng cuộc đàn áp để đoạt lấy quyền lực chính trị, bởi khi phát động đàn áp, Giang Trạch Dân sẽ nắm trong tay toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống cảnh sát. Một số cuộc đàn áp nhỏ đã diễn ra.

Một cuộc diệt chủng "lạnh" đang diễn ra tại Trung Quốc
Pháp Luân Công tại Trung Quốc trước cuộc đàn áp. (Ảnh: Minghui.org)

10 năm từ 1989 đến 1999 là một thời gian đủ dài để người Trung Quốc hy vọng vào sự chuyển biến của ĐCSTQ. Ngày 25/4/1999 đó, khi 10.000 người tập Pháp Luân Công tập trung trước Trung Nam Hải, Bắc Kinh, một cách trật tự và không có bất kỳ băng rôn biểu ngữ, đích thân Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Chu Dung Cơ đã bước ra khỏi cổng Trung Nam Hải, đứng trước toàn thể người thỉnh nguyện và yêu cầu họ cử ra đại diện để vào nói chuyện. Ông Chu Dung Cơ sau đó đã nhanh chóng đồng ý yêu cầu của người tập Pháp Luân Công, đồng thời cũng đồng ý yêu cầu thả những người tập đã bị bắt bớ trước đó. Điều đó cho thấy chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ hoàn toàn yên tâm về cuộc thỉnh nguyện này.

Truyền thông thế giới gọi đây là sự kiện thỉnh nguyện gây chấn động Trung Nam Hải, và bày tỏ khen ngợi đối với cách xử sự của chính quyền Trung Quốc nói chung, và khen ông Chu Dung Cơ nói riêng, cho rằng đây là một bước tiến lớn về nhân quyền của nước này. (Xem bài: Cuộc thỉnh nguyện của 10.000 người gây chấn động Trung Quốc năm 1999)

Nghĩ về Ôn Gia Bảo, Tập Trọng Huân và Cao Trí Thịnh trong ngày 25/4
Những người tập Pháp Luân Công đã xếp hàng rất trật tự, không có băng rôn biểu ngữ nào được mang theo. (Ảnh: Minghui.org)

Nhưng phản ứng của ông Giang Trạch Dân – bấy giờ là Tổng bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch nước, kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương – lại hoàn toàn khác. Trong bức thư tay ngày 25-4 ông Giang gửi cho các thành viên của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng viết: “Thần không biết quỷ không hay, hơn 10.000 người đã tập hợp ngay trước cửa trung tâm quyền lực của Đảng và Nhà nước suốt cả một ngày… Thế mà, các bộ phận liên quan của chúng ta không tìm thấy bất cứ thông tin gì trước khi nó diễn ra…”. Cũng trong bức thư đó ông Giang không giấu giếm sự đố kỵ: “Chủ nghĩa Mác-xít mà người cộng sản chúng ta có, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa vô thần mà chúng ta tin không thể chiến thắng được những điều của Pháp Luân Công hay sao? Nếu đúng là như vậy, nó sẽ là một trò cười lớn có phải không?”

Trong hội nghị lấy ý kiến về việc xử lý vấn đề Pháp Luân Công, ông Giang Trạch Dân đã kiên quyết đàn áp Pháp Luân Công, mặc cho 6 thường ủy Bộ Chính trị im lặng biểu đạt phản đối. Cuộc đàn áp 20-7-1999 diễn ra, bất chấp tình trạng không hề có được đa số phiếu của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị.

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công kể từ đó đã kéo dài suốt cho đến hiện nay. Nó là một minh chứng cho thấy rằng ĐCSTQ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ thay đổi về mặt bản chất.

Trải qua các cuộc vận động chính trị, và nhất là qua hai lần gió tanh mưa máu ngay trước thềm thế kỷ 21 là thảm sát Thiên An Môn và đán áp Pháp Luân Công, người dân Trung Quốc trong thâm tâm kỳ thực đều hiểu bản chất độc tài và lưu manh của ĐCSTQ. Dù trải qua tẩy não và biến chất, kỳ thực họ cũng giãy giụa trong vô thức để đi tìm con đường mới cho dân tộc. Ôn Gia Bảo, Tập Trọng Huân và Cao Trí Thịnh là ba cá nhân nổi bật tại Trung Quốc, là tiêu biểu cho ba hướng đi như vậy. Họ dẫu khác nhau về xuất thân, lập trường, địa vị chính trị và cả phương cách thực hiện, nhưng đều là những thử nghiệm đáng để nhắc tới.

Ôn Gia Bảo

Ông Ôn Gia Bảo tốt nghiệp trường trung học Nam Khai ở Thiên Tân; năm 1960 được nhận vào Học viện Địa chất Bắc Kinh; năm 1978 về làm việc tại Đảng ủy Ban Địa chất và Tài nguyên khoáng sản Bắc Kinh, sau đó lên chức Phó Chủ nhiệm và Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng; năm 1998, ông lên chức Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách về nông nghiệp và tài chính, và là Bí thư Ban Công tác Tài chính Trung ương; tháng 11/2002, tại Phiên họp toàn thể Trung ương lần thứ nhất ĐCSTQ khóa 16, ông Ôn Gia Bảo được vào cấp lãnh đạo cao nhất ĐCSTQ là Ban Thường vụ Bộ Chính trị; Tháng 03/2003, ông Chu Dung Cơ giải nhiệm, dưới sự ủng hộ của ông, ông Ôn Gia Bảo, người xuất thân từ chuyên ngành địa chất đã thay thế ông làm Thủ tướng Trung Quốc khóa mới, ông Ôn Gia Bảo tái nhiệm vào tháng 3/2008.

Mặc dù tham gia chính trường Trung Quốc, nhưng Ôn Gia Bảo hay Chu Dung Cơ không phải là những người nắm quyền thực tế. Quyền lực thời kỳ này đều tập trung vào tay cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Do đó, ông Ôn Gia Bảo không khỏi có những điều tiếc nuối.

Nghĩ về Ôn Gia Bảo, Tập Trọng Huân và Cao Trí Thịnh trong ngày 25/4
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (Ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc)

Gần đây, cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã công bố một bài viết hồi tưởng về hoàn cảnh xuất thân nghèo khó, khi vào Trung Nam Hải “như bước trên lớp băng mỏng”. Bài viết này đã trực tiếp bộc lộ những điều tiếc nuối của Ôn Gia Bảo, bị cho là nhạy cảm và bị hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc ngăn chặn.

Bài viết với nội dung tưởng nhớ người mẹ đã khuất của Ôn Gia Bảo được đăng trên tờ Macao Herald. Bài viết gồm 4 phần, trong đó có phần nhấn mạnh đến thảm họa mà cuộc Cách mạng Văn hóa “vô tiền khoáng hậu” đã gây cho gia đình ông, khiến cha ông đã phải chịu rất nhiều đau khổ trong suốt 10 năm khi thường xuyên bị tra khảo và đánh đập.

Nhiều suy đoán cho rằng lý do chính khiến bài viết bị kiểm duyệt vì ông Ôn Gia Bảo nhắc về cuộc sống khổ nạn của cha mẹ ông trong Cách mạng Văn hóa, chạm vào quan điểm của giới lãnh đạo ĐCSTQ hiện nay. Theo đó, mới đây giới chức trách Trung Quốc đã đề xuất xây dựng cái gọi là “quan điểm lịch sử Đảng” đúng đắn, theo đó cần tránh đề cập đến những sai lầm lịch sử của ĐCSTQ như Cách mạng Văn hóa, thay vào là quảng bá mạnh mẽ cái gọi là hình ảnh “vĩ đại – vinh quang – chính nghĩa” của ĐCSTQ… Bài viết của ông Ôn Gia Bảo nhắc về ký ức đau khổ của Cách mạng Văn hóa đã đi ngược lại quan điểm “lịch sử Đảng đúng đắn” đó.

Ngoài ra, trong bài viết, ông Ôn Gia Bảo cũng nhớ lại những ngày ở Trung Nam Hải: “Đối với người như tôi, ‘làm quan’ vốn là chuyện ngẫu nhiên. Tôi phải thận trọng, giống như đi trên lớp băng mỏng, giống như đối mặt với vực thẳm…”

Bài viết còn nhắc về chuyện công luận gọi thời kỳ ông giữ chức Thủ tướng là “Thời kỳ Hồ – Ôn” (Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo), vì người ta ấn tượng đó là thời kỳ mà giới lãnh đạo không né tránh các vấn đề mang tính phổ quát như nhân quyền, pháp quyền, dân chủ, hoàn toàn khác với tình cảnh chính quyền hiện nay.

Còn nhớ ngày 24/3/2012, khi gần hết nhiệm kỳ Thủ tướng của mình, trong hội nghị cấp cao của ĐCSTQ, ông Ôn Gia Bảo không chỉ nhiều lần đề xuất “bình phản Lục Tứ” (sửa lại án sai cho cuộc thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989), mà còn đề xuất sửa lại án sai cho Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, hơn nữa còn động chạm tới khu vực cấm “nhạy cảm” nhất là đề xuất “giải oan cho Pháp Luân Công”. Tuy nhiên việc không có thực quyền đã khiến những mong muốn của Ôn Gia Bảo bị tập đoàn Giang Trạch Dân ngăn cản, không thể thành hiện thực.

Cuối bài ông Ôn Gia Bảo viết:

“Tôi đồng cảm với người nghèo và người yếu thế, phản đối nạn bắt nạt và áp bức. Trong suy nghĩ của tôi, Trung Quốc nên là một quốc gia đầy công bằng và công lý, tôn trọng bản chất của nhân đạo với con người, mãi có khí chất thanh xuân, tự do, và sức vươn lên”.

Chuyên gia truyền thông Phạm Tiểu Đào cho biết, bài viết của ông Ôn Gia Bảo không chỉ là vấn đề tưởng nhớ người mẹ đã khuất, mà còn cho thấy tâm trạng bất mãn với con đường của đất nước Trung Quốc hiện nay. Những năm gần đây hai chữ “tự do” đã trở thành từ nhạy cảm trong mắt giới chức cầm quyền Bắc Kinh.

Có thể thấy những lời văn của ông Ôn Gia Bảo rất khác với phong cách hiện tại của giới lãnh đạo ĐCSTQ cũng như hiện thực Trung Quốc ngày nay.

Mặc dù Giang Trạch Dân đã giao lại quyền lực cho Hồ Cẩm Đào vào năm 2012 sau 13 năm cầm quyền, nhưng Giang đã noi gương Đặng Tiểu Bình trước đây, tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quân ủy trong vài năm, kiểm soát quân sự thực chất là kiểm soát mọi quyền lực, biến chức vụ lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào thành hữu danh vô thực. Không ai sợ Hồ, vì Hồ không thể làm gì được mọi người. Quyền lực quân sự nằm trong tay Giang Trạch Dân. Vậy nên, “thời kỳ Hồ – Ôn” cũng không giúp được người dân Trung Quốc xoay chuyển hình thế.

Tập Trọng Huân

Vào những năm 1960, ông Tập Trọng Huân, người cha của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đương nhiệm Tập Cận Bình, bị quy kết là “phản động” vì đã viết cuốn tiểu thuyết Lưu Chí Đan kể lại tình hình ở vùng Thiểm Bắc Trung Quốc liên quan đến giới lãnh đạo ĐCSTQ khi đó. Hệ quả là ông Tập Trọng Huân đã bị đàn áp tàn khốc trong Cách mạng Văn hóa, trước sau đã chịu cảnh đày đọa tù ngục kéo dài 16 năm. Ông bị tra tấn đến “tinh thần thất thường”, có thời gian phải giả điên giả ngốc để bảo vệ gia đình không bị liên lụy. Sau Cách mạng Văn hóa, ông Tập Trọng Huân được minh oan và được giao trọng trách lãnh đạo tỉnh Quảng Đông.

Trong bài viết “Bạn chí giao của Tập Trọng Huân kể tình cha con cảm động nhà họ Tập”, người bạn chí giao của ông Tập Trọng Huân là Dương Bính kể lại vào ngày sinh nhật lần thứ 23 của Tập Cận Bình năm 1976, ông Tập Trọng Huân đã khóc suốt hai tiếng đồng hồ vì nhớ lại tuổi thơ thập tử nhất sinh của con trai do liên lụy chính trị của cha.

Tập Trọng Huân
Ông Tập Trọng Huân bị đấu tố trong thời Cách mạng Văn hóa. Hình ảnh ông bị đeo tấm biển ghi chữ “Phần tử phản đảng Tập Trọng Huân”. (Ảnh qua VOA).

Từ khi bắt đầu phụ trách Quảng Đông, ông Tập Trọng Huân đã yêu cầu các con nếu có cơ hội phải “cao chạy xa bay”, vì ở lại Trung Quốc thì không chừng sẽ có ngày bị bức hại chính trị, đừng mơ gì đến việc phục vụ quê hương. Nhưng ông yêu cầu trong các con phải có một người ở lại tham gia chính trị, và người ông chọn là Tập Cận Bình. Vì sao biết nguy hiểm mà vẫn để lại một người con? Có lẽ chính là vì ông Tập Trọng Huân muốn sử dụng tất cả khả năng của mình để để lại một tia hy vọng cho đất nước.

Truyền thông Đại Lục từng tiết lộ câu chuyện ông Tập Trọng Huân nhiều lần chỉ dạy ông Tập Cận Bình về cách tham gia chính trị, làm một quan chức. Thư ký của Tập Trọng Huân là Trương Quốc Anh từng kể lại Tập Trọng Huân đã răn Tập Cận Bình rằng cho dù làm quan lớn thế nào cũng phải liên hệ với quần chúng, phải khiêm tốn dễ gần.

Nhà văn Môn Lễ Khám ở nước ngoài đã công bố bài viết kể lại, vào sinh nhật lần thứ 100 của Tập Trọng Huân (ngày 15/10/2013, khi đó đã qua đời 11 năm), con trai út Tập Viễn Bình của Tập Trọng Huân đã viết một bài hơn 7.000 từ để tưởng nhớ cha mình. Trong bài viết, Tập Viễn Bình đã kể chuyện khi còn nhỏ được người cha răn dạy: “Ứng xử với người, phải biết tinh thần đùm bọc lẫn nhau.” Ông nhiều lần răn các con nguyên tắc này phải xem là tiêu chuẩn ứng xử xuyên suốt cuộc đời.

Từ ngày thành lập ĐCSTQ, những vụ giết người đẫm máu trong và ngoài đảng vẫn xảy ra liên miên. Tập Viễn Bình cho biết người cha Tập Trọng Huân luôn gìn giữ nguyên tắc sống “đùm bọc lẫn nhau”. Ông sống nhường nhịn, nhẫn nại, gánh trách nhiệm, dấn thân vì xã hội. Tập Trọng Huân từng nói: “Cả đời tôi chưa bao giờ chỉnh đốn ai.” Điều này nói thì dễ nhưng làm được không đơn giản. Đối với ĐCSTQ, mỗi lần phát động một chiến dịch là mỗi lần hủy diệt tính người.

Tập Viễn Bình chỉ rõ việc người cha mình “chưa từng chỉnh đốn ai”, hàm ý là giúp đỡ người khác vào thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời họ. Trong quãng thời gian chịu hàm oan, người cha Tập Trọng Huân đã viết cái gọi là “vấn đề” đối với hành vi vu khống, chuyện có thể bỏ qua thì cho qua, thà một người chịu trách nhiệm chứ tuyệt không để liên lụy người khác. Ông từng nói: “Có thứ bạn xem trọng nhưng người khác không xem trọng, có thứ bạn không xem trọng nhưng người khác lại xem trọng” (Hạt mè trên người tôi là dưa hấu trên người khác; dưa hấu trên người khác là hạt mè trên người tôi). Nhiều người nghe câu này không cầm được nước mắt. “Không bao giờ chỉnh đốn ai” là chuyện “đùm bọc lẫn nhau” quan trọng nhất mà ông đã làm cả đời.

Như vậy có thể thấy rằng, điều Tập Trọng Huân hy vọng ở Tập Cận Bình chính là khi con trai có được quyền lực trong tay, thì cần phải nhớ đến những ngày tháng của cha và của bản thân, hiểu được rằng số phận của dân tộc nằm trong tay mình. Đây chính là con đường Tập Trọng Huân lựa chọn hầu mong thay đổi thể chế.

Ngày nay, từ hàng loạt thiên tai nhân họa xảy ra đã cho thấy, dường như Tập Cận Bình đã quên lời dăn dạy của cha mình. Nếu Tập Cận Bình khi ở địa vị cao nhất có thể biết buông bỏ quyền lực gắn liền với ĐCSTQ, dám đối diện với nó, thì số phận của dân tộc đã có một bước ngoặt lớn. Tiếc thay, bởi vì bản chất của ĐCSTQ là độc ác và tàn nhẫn, khi leo lên đến nấc thang cao nhất thì việc đồng hóa với nó là khó có thể tránh khỏi, nên Tập Cận Bình đã không bước ra được bước đi mà Tập Trọng Huân kỳ vọng.

Nếu còn sống, liệu Tập Trọng Huân có hối hận vì bản thân không những không thể thay đổi số phận dân tộc, mà còn đào tạo nên một Mao Trạch Đông thứ hai hay không?

Cao Trí Thịnh

Trái ngược với Ôn Gia Bảo và Tập Trọng Huân, Cao Trí Thịnh là một mẫu hình hoàn toàn khác trong mong ước tìm ra đường đi cho dân tộc. Sinh ra trong một cái hang và lớn lên dưới các vì sao, anh đã có thể chỉ là một người nông dân Trung Quốc nghèo khó. Ấy vậy bằng tự học và nỗ lực cá nhân, anh đã trở thành vị luật sư hàng đầu Trung Quốc, thành lập hãng luật của riêng mình, rồi trở thành một trong những người tiên phong nhất của thời đại. Đảng Cộng sản Trung Quốc khiếp sợ anh, nhưng anh lại được hàng triệu người dân Trung Quốc ngưỡng mộ.

Cao Trí Thịnh từng nổi tiếng là một luật sư nhân quyền, tư vấn pháp lý miễn phí và nhận các vụ kiện của người nghèo, người bị đàn áp. Tuy nhiên tại một đất nước mà lợi ích của kẻ cầm quyền được đặt lên trên hiến pháp, Cao đã thua trong những vụ kiện có ảnh hưởng tới quyền lợi của giới quan chức và các doanh nhân quyền lực.

Trong cuộc phỏng vấn với đài SOH ngày 21/10/2005, Cao Trí Thịnh đã chia sẻ:

“Có 2 vấn đề trong xã hội Trung Quốc ngày nay: Một là, chính phủ nắm trong tay quyền lực để gây ra những vụ việc dã man và tàn bạo trên một quy mô lớn. Hai là, trong những vụ việc như vậy, nếu vấn đề càng liên quan đến vi phạm nhân quyền hay chà đạp quyền công dân thì khả năng để xử lý thông qua các thủ tục pháp lý càng ít.”

Sau này, trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, Cao Trí Thịnh với mong muốn thay đổi thể chế, đã trực tiếp công bố các bức thư ngỏ gửi tới lãnh đạo Trung Quốc về những gì anh điều tra được xung quanh cuộc đàn áp này. Kể từ sau bức thư ngỏ thứ nhất, Cao Trí Thịnh và người thân đã phải chịu đựng những sức ép khủng khiếp từ chế độ.

p2923551a401085741
Luật sư nhân quyền nổi tiếng Trung Quốc Cao Trí Thịnh được mệnh danh là “Lương tâm Trung Quốc” (Ảnh: Epoch Times)

Trong bức thư ngỏ thứ 2, Cao viết:

“Ngài Hồ Cẩm Đào, ngài Ôn Gia Bảo, và tất cả người dân Trung Quốc: Đã đến lúc chúng ta nghiêm khắc nhìn lại chính mình! Trong lịch sử thế giới, chưa từng có một nhóm người nào lớn đến vậy lại phải chịu đựng một cuộc bức hại tàn bạo và kéo dài tới như thế trong thời bình chỉ bởi vì đức tin của họ. Thảm họa này đã lấy đi mạng sống của hàng ngàn người dân vô tội đáng quý và đã cướp đi tự do của hàng trăm ngàn người. Cuộc bức hại hoàn toàn vô nhân tính này đã gây đau đớn cho hơn 100 triệu học viên Pháp Luân Công cùng gia đình họ. Nó thật phi lý, dối trá, và vô đạo đức! Đó là một sự chà đạp người dân Trung Quốc, nền văn minh Trung Hoa, và đạo đức của toàn nhân loại!”

Ngay sau khi công bố bức thư ngỏ 1 ngày, Cao tuyên bố thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Anh gọi đó là “ngày tự hào nhất của cuộc đời tôi”.

Kể từ sau ngày Cao Trí Thịnh tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ, anh đã nhiều lần và nhiều năm trải qua việc bắt cóc, mất tích, tra tấn, biệt giam và bị quản thúc. Lần cuối cùng Cao Trí Thịnh mất tích là vào ngày 13/8/2017 và kể từ đó đến nay, không ai biết anh ở đâu.

Người ta không thể hiểu được lý do tại sao con người ấy, bất chấp sự ly tán của gia đình, bất chấp những tra tấn dã man, lại vẫn có thể kiên cường bảo vệ chính nghĩa không quay đầu. Cao Trí Thịnh đã từng có cơ hội trốn khỏi Trung Quốc, nhưng anh đã thề sẽ ở lại để chứng kiến một thời đại bi thương của lịch sử, và để chứng kiến sự hồi sinh của nhân tính tại Trung Quốc. Anh cũng nói rằng ĐCSTQ sẽ sụp đổ và viết rằng:

“Bất hạnh lớn nhất của chúng ta là sống tại Trung Quốc vào giai đoạn lịch sử này. Không ai trên thế giới đã từng trải qua hay chứng kiến những khổ đau mà chúng ta đang phải chịu đựng. Nhưng may mắn lớn nhất của chúng ta cũng lại là sống tại đây, trong giai đoạn lịch sử này. Vì chúng ta sẽ trải qua và chứng kiến những con người vĩ đại vượt trên khổ đau, một lần và mãi mãi!”

*

Cao Trí Thịnh không chỉ trở thành tấm gương cho người dân Trung Quốc, mà có lẽ con đường anh đã chọn đi – thoái xuất khỏi ĐCSTQ – chính là con đường chung của dân tộc. Tính đến ngày 21/4/2021, số người tuyên bố thoái xuất khỏi Trung Cộng và các tổ chức Đoàn thanh niên và Đội thiếu niên trực thuộc Đảng cộng sản Trung Quốc đã lên đến hơn 376 triệu người. Nói cách khác, cứ bốn người Trung Quốc thì có ít nhất một người đã công khai tuyên bố phản đối ĐCSTQ và thoái khỏi các tổ chức liên quan đến ĐCSTQ. Con số này đã vượt quá số người thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô khi chế độ này sụp đổ vào năm 1991. (Xem bài: Từ “Trời diệt Trung Cộng” đến làn sóng thoái xuất khỏi ĐCSTQ)

Trong lịch sử Trung Hoa có một câu nói: “Võng khai nhất diện”, nghĩa bóng của nó tức là chỉ có những ai cố chấp đến độ tự mình đâm đầu vào lưới thì mới chịu thiệt mà thôi. “Võng” đã “khai” rồi, thoái Đảng trở thành con đường duy nhất giúp các Đảng viên ĐCSTQ nằm trong chế độ tà ác nhưng chưa thực sự tán tận lương tâm có thể chung tay đưa dân tộc thoát khỏi bóng đen độc tài. Nó cũng là con đường duy nhất mà người dân Trung Quốc sẽ phải đi qua để có thể thật sự đạt được phồn vinh và hạnh phúc.

Nguyễn Vĩnh biên tập

Xem thêm: Phong trào thoái đảng toàn cầu có thể giải thể ĐCSTQ từ bên trong

Mời xem video:

Bình Luận