Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã bắt đầu diễn ra trên thế giới với quy mô, phạm vi và mức độ phức tạp mà nhân loại chưa từng trải qua. Nó mang đến rất nhiều cơ hội cũng như muôn vàn thách thức cho mỗi đất nước và dân tộc trong đó có Việt Nam.

(ảnh: Shutterstock)
(ảnh: Shutterstock)

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hình thành như thế nào?

Hiện nay, người dân TP. HCM và Hà Nội khi di chuyển bằng taxi, nếu không muốn chọn các hãng taxi phổ thông, họ có thể sử dụng điện thoại thông minh để gọi một chiếc taxi Uber. Đi taxi Uber có nhiều ưu điểm: cước phí rẻ hơn taxi thông thường, thanh toán bằng thẻ tín dụng nên rất chính xác và không mất thời gian chờ đợi thối tiền…

Khi đi công tác hoặc du lịch nước ngoài, nếu không muốn ở khách sạn và được trải nghiệm sống trong các ngôi nhà của người dân bản xứ với giá thấp hơn khách sạn, du khách có thể sử dụng ứng dụng đặt phòng AirBnB để đặt cho mình một căn phòng phù hợp do các tổ chức, cá nhân thừa phòng cho thuê lại.

Mặc dù không sở hữu bất cứ chiếc xe taxi nào, đến nay Uber là công ty huy động số lượng xe taxi lớn nhất thế giới thông qua ứng dụng gọi xe Uber qua Internet. Cũng tương tự, không sở hữu bất cứ bất động sản nào, đến nay AirBnB là doanh nghiệp huy động số lượng phòng cho thuê lớn nhất trên thế giới qua ứng dụng AirBnB. Cả hai doanh nghiệp này đều đã triển khai kinh doanh ở Việt Nam.

Hãng sản xuất tất nữ bó sát Bombsheller có trụ sở tại Seattle, Washington (Mỹ) do Pablos Holman, một lập trình viên sáng lập, là nhà máy sản xuất tất bó theo đơn đặt hàng lập trình tự động hoàn toàn đầu tiên trên thế giới. Cách Bombsheller tạo ra sản phẩm của mình cũng tương tự như cách các công ty phần mềm xây dựng dịch vụ phần mềm. Mẫu mã sản phẩm liên tục được các nhà thiết kế tạo ra và đưa lên mạng giới thiệu cho khách hàng mỗi ngày. Khách hàng lựa chọn mẫu thiết kế phù hợp nhất cho mình và đặt hàng. Chỉ khi khách hàng đặt hàng thì Bombsheller mới tiến hành sản xuất và chuyển hàng đến khách hàng. Hãng có thể đáp ứng yêu cầu đặt hàng riêng từ vải chất lượng mua ở Ý, may ở Seattle và giao trong vòng một ngày với mức giá trong tầm với của nhiều người.

Cả Uber, AirBnB lẫn Bombsheller đều là những mô hình kinh doanh sử dụng điện thoại di động, Internet, điện toán đám mây, các công nghệ mới khác, kết hợp với các xu hướng xã hội như xu hướng chia sẻ, xu hướng kết nối tức thời để tạo nên các mô hình kinh doanh mới có tính đột phá và cạnh tranh rất cao đối với các mô hình kinh doanh truyền thống trong cùng lĩnh vực. Đây chính là những ví dụ điển hình về một nền kinh tế mới trên thế giới, nền kinh tế số hay còn gọi là nền kinh tế Internet – nền kinh thế được tạo ra bởi một cuộc cách mạng công nghiệp mới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn được gọi là cuộc cách mạng số).

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được diễn đàn kinh tế thế giới đề cập đến đầu năm 2016 và trở thành đề tài nóng hổi được nhiều quốc gia quan tâm. Cuộc CMCN 4.0 được cho là đang được hình thành trên nền tảng của cuộc cách mạng thứ ba cùng với sự ra đời của một loạt công nghệ mới như: trí thông minh nhân tạo (AI), robot, Internet của vạn vật (IoT), xe tự hành, in/quét 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử… giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học… và tác động vô cùng lớn đến mọi mặt của kinh tế – xã hội mỗi quốc gia.

Một số doanh nghiệp Việt Nam trong cơn lốc của CMCN 4.0

Mấy năm gần đây, chúng ta cũng chứng kiến một số doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn tham gia cuộc CMCN 4.0 và đã có được những kết quả đáng khích lệ:

Ứng dụng Triip.me

Với mô hình tương tự như AirBnB, không giống với các tour du lịch truyền thống vốn chỉ có một số chương trình tham quan nhất định và đưa du khách đến với những địa điểm phổ biến, Triip.me cho phép những người dân ngay tại địa phương trở thành hướng dẫn viên du lịch, họ có thể tự thiết kế các hành trình, điểm đến du lịch độc đáo, mang dấu ấn cá nhân, thể hiện sự thấu hiểu địa phương.

Triip.me bắt đầu với những tour du lịch tại Việt Nam và đã nhanh chóng mở rộng phạm vi đến những thành phố khác trên thế giới. Đầu năm 2016, Triip.me đã gọi vốn thành công 500.000 USD từ quỹ đầu tư Gobi Partners để mở rộng kinh doanh.

Rừng Hoa Đà Lạt – “ngân hàng” xuất khẩu giống hoa ra thế giới

Công ty Cổ phần Sinh học Rừng Hoa Đà Lạt là đơn vị đầu tiên ở Đông Nam Á áp dụng phương pháp sản xuất cây hoa giống bằng phương pháp nuôi cấy mô theo công nghệ Invitri với quy mô công nghiệp. Bên cạnh đó, các thiết bị tưới, chế độ ánh sáng, nhiệt độ, tưới nước, phân bón trong phòng lab của công ty đều được tự động hoàn toàn, giúp vừa tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực, vừa tăng năng suất.

Đến nay, ngoài cây giống hoa nuôi cấy mô là lĩnh vực chủ đạo, Rừng Hoa Đà Lạt còn mở rộng sang các lĩnh vực sản xuất khác gồm: hoa tươi cắt cành, hoa tươi mãi mãi, hoa đất sét và các loại hoa nguyên liệu khác.

Công ty hiện trở thành “ngân hàng” cây giống quan trọng tại Việt Nam trong việc xuất khẩu nhiều giống hoa mới có năng suất cao ra thị trường thế giới và là một trong hai doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được nhận Chứng chỉ “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Những thách thức đối với Việt Nam khi tham gia cuộc CMCN 4.0

Tiềm năng thì lớn, nhưng nhìn kỹ ta sẽ thấy cuộc CMCN 4.0 mang đến rất nhiều thách thức và nguy cơ đối với Việt Nam:

Trên bình diện thế giới, cuộc CMCN 4.0 sẽ mang lại lợi thế rất lớn cho các quốc gia phát triển, những nước có thể huy động nguồn vốn đầu tư lớn, có mức độ văn minh cao, nền giáo dục tiên tiến, có khả năng nhanh chóng ứng dụng các công nghệ mới một cách đồng bộ. Ngược lại, những nước đang phát triển hoặc kém phát triển với trình độ công nghệ thấp, mức độ văn minh còn hạn chế, nền giáo dục chậm đổi mới, hạ tầng công nghệ không đồng bộ, nguồn vốn đầu tư hạn chế, sẽ là những nước yếu thế trong việc triển khai CMCN 4.0. Theo đó, các doanh nghiệp theo mô hình kinh doanh mới, hoạt động xuyên quốc gia, có sức cạnh tranh mạnh trong tương lai sẽ xuất hiện chủ yếu ở các nước phát triển và có khả năng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Trước sức ép của các doanh nghiệp đó, các doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ rất khó có cơ hội cạnh tranh. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng khó có thể kiểm soát và thu được lợi ích từ các doanh nghiệp nước ngoài này.

Theo thống kê, hiện đa số doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng công nghệ của những năm 1980, trong đó 52% doanh nghiệp đang sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình, chỉ 10% là thiết bị hiện đại. Ngành dệt may, da giày, khai khoáng vẫn tự bằng lòng với cách phát triển dựa vào nhân công giá rẻ và tài nguyên, hệ quả là kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị mang lại thì rất thấp. Tuy nhiên, đã có cảnh bảo rằng các ngành này sẽ mất lợi thế cạnh tranh và thu hẹp sản xuất trong làn sóng của cuộc CMCN 4.0. Nó cũng sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp, nhất là đối với lao động phổ thông, nguy cơ mất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo và cơ hội tiếp cận khai thác các nguồn lực, tiện ích xã hội sẽ ngày càng gia tăng.

Thống kê cho thấy, trong tổng số 346.777 doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, chỉ có 220 doanh nghiệp khoa học – công nghệ (bằng 0,06% tổng số doanh nghiệp). Chi phí doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ chỉ chưa đầy 0,3% doanh thu (tại Ấn Độ tỷ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật và Đức là 50%). Đây chính là điểm yếu rất lớn của chúng ta khi gia nhập làn sóng của cuộc CMCN 4.0 vốn đòi hỏi có những đầu tư rất lớn vào công nghệ cao.

Nhưng, theo lời phát biểu của nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại Trương Đình Tuyển tại diễn đàn cấp cao về Công nghệ thông tin lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội ngày 24/9/2016, thách thức lớn nhất của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0 là “vượt qua chính mình: vượt qua sự bảo thủ trong tư duy phát triển, tâm lý tự hài lòng của người tiểu nông, không dám chấp nhận mạo hiểm để khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo; vượt qua toan tính nhiệm kỳ và chủ nghĩa thành tích, tình trạng nói không đi đôi với làm; vượt qua tư tưởng muốn làm đủ thứ – dẫn đến phân tán nguồn lực”. Những yếu tố chủ quan nói trên cùng với việc thiếu minh bạch và công bằng trong thực thi chính sách, phớt lờ khó khăn của doanh nghiệp và xã hội, thiếu đạo đức trong việc thực thi nhiệm vụ và kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, đặt lợi nhuận và lợi ích nhóm lên trên lợi ích cộng đồng… cũng là những chướng ngại rất khó vượt qua đối với việc nắm bắt cơ hội của cuộc CMCN 4.0 ở Việt Nam.

Lời kết: Cần những hành động cụ thể và quyết liệt

Rõ ràng, trong điều kiện hiện nay, cuộc CMCN 4.0 mang đến nhiều nguy cơ hơn là cơ hội cho Việt Nam. So sánh với hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đang có xuất phát điểm thấp hơn và nguy cơ tụt hậu rất cao. Thiết nghĩ, để đất nước và dân tộc Việt Nam có thể vượt qua những khó khăn và thách thức, nắm bắt cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang đến để phát triển, rất cần sự nỗ lực của chính phủ, doanh nghiệp, xã hội cũng như giới trí thức Việt Nam trong việc thực thi những hành động sau đây:

Loại bỏ tư tưởng bảo thủ, trì trệ, thiếu minh bạch và công bằng trong việc xây dựng và thực thi chính sách liên quan đến cuộc CMCN 4.0 nói riêng cũng như các chính sách kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp nói chung.

Đặt các mục tiêu phù hợp để xây dựng nền tảng của cuộc CMCN 4.0 và hoàn thành các mục tiêu bằng sự nỗ lực và cố gắng.

Đặt lợi ích của cá nhân, lợi ích nhóm dưới lợi ích cộng đồng và đất nước.

Nâng cao đạo đức trong thực thi nhiệm vụ và kinh doanh.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn và thách thức, khai thác những tiềm năng của cuộc CMCN 4.0, đưa đất nước vượt qua khó khăn và thực sự cất cánh.

Thiện Tâm

Xem thêm: