Bỏ desktop phát triển iPhone, chuyển hướng sang các sản phẩm phân khúc giá tầm trung, nhượng bộ trước yêu cầu của chính phủ Trung Quốc để có thể xâm nhập vào thị trường này… dường như chiến lược kinh doanh của Apple đang thay đổi.

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Thị trường càng lúc càng bão hòa, để có thể trụ vững và thu về lợi nhuận cao trong ngành công nghệ thực sự là một bài toán khó. Bản thân Apple, một “ông lớn” công nghệ thời gian gần đây cũng gặp không ít khó khăn trong kinh doanh.

Điều dễ nhận thấy điều tiên chính là Apple đang mất doanh thu máy tính vào tay Chromebook và Windows.

Nếu như năm 2013, iPad và MacBook của Apple chiếm tới hơn một nửa các thiết bị di động được sử dụng trong hệ thống giáo dục tại Mỹ, thì đến nay Apple đã để mất thị phần này vào tay các thiết bị Windows của Microsoft và Chromebook của Google. Năm 2016, máy tính xách tay giá rẻ chạy hệ điều hành Chrome OS của Google đã chiếm tới 58% trong 12,6 triệu thiết bị di động được sử dụng tại các trường tiểu học và trung học ở Mỹ.

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu Futuresource Consulting, sự tăng trưởng bất ngờ của Chromebook đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu của Apple. Trong số 7,35 tỷ USD mà các trường trung học, đại học và cao đẳng chia trả cho các thiết bị mới, doanh số các thiết bị của Apple đã giảm xuống 2,8 tỷ USD trong năm 2016. So sánh với năm 2015, doanh thu của Apple trong mảng kinh doanh này là 3,5 tỷ USD, Microsoft đứng thứ 2 với 2,5 tỷ USD và Google chiếm 1,9 tỷ USD.

Chromebook có lợi thế về giá cả cạnh tranh, hiệu quả sử dụng và hay khả năng lưu trữ dữ liệu điện toán đám mây của Google giúp đồng bộ hóa dễ dàng trên các thiết bị khác nhau.

Một yếu tố tưởng chừng đơn giản, nhưng cũng rất quan trọng trên thiết bị chính là bàn phím vật lý. iPad của Apple không có bàn phím vật lý, do vậy việc hỗ trợ học sinh viết các bài luận hay bài kiểm tra sẽ khó khăn hơn. Chromebook lại có thể đáp ứng được yêu cầu này, trong khi mức giá lại chỉ bằng ⅓ những chiếc máy tính Mac của Apple. Microsoft cũng tiếp nối xu hướng “bình dân hóa” phát triển các dòng tính xách tay giá rẻ, có thể kể đến những thương vụ hợp tác với Acer, HP và Lenovo để ra mắt những chiếc laptop chạy Windows 10 với mức giá chỉ từ 189 USD.

Nếu như Apple không theo xu hướng này, thì thị phần của hãng sẽ tiếp tục sụt giảm và các khoản đầu tư vào lĩnh vực giáo dục của Apple sẽ khó có thể đem lại kết quả như mong muốn.

Trong bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị nhất thế giới Apple đã đánh mất vị trí số một vào tay Google.

Theo danh sách 500 thương hiệu lớn nhất thế giới trong năm 2017 mà Brand Finance, công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới công bố, Google đã vượt qua Apple để giành lấy vị trí đầu bảng. Trước đó, Apple đã liên tục giữ vị trí thương hiệu có giá trị lớn nhất thế giới kể từ năm 2012 đến 2016.

Giá trị thương hiệu của Apple đã sụt giảm 27% so với năm 2015, ước tính đạt 107,1 tỷ USD và đà giảm sút vẫn đang tiếp tục. Trái lại, giá trị thương hiệu của Google lại tăng lên đến 24%, ước tính đạt 109,4 tỷ USD.

Chưa dừng lại ở đó, trong số danh sách các công ty đạt được mức độ tin cậy cao nhất của người tiêu dùng trên thị trường, Apple cũng bị rớt xuống thứ hạng 20.

Công ty tư vấn Reputation Institute (RI) có trụ sở tại New York và tạp chí Forbes đã đã tiến hành khảo sát và thống kê các công ty đạt được mức độ tin cậy cao nhất của người tiêu dùng trên thị trường thế giới. Các công ty được đánh giá dựa trên 7 tiêu chí: sản phẩm và dịch vụ, sự đổi mới, trách nhiệm công dân, điều kiện làm việc, hệ thống quản trị, lãnh đạo và hiệu suất kinh doanh.

Danh sách 2017 Global RepTrak 100 được RI khảo sát từ tháng 1-3/2017 với 170.000 người tham gia ở 15 quốc gia Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Mexico, Nga, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Mỹ cho thấy, Apple xếp hạng thứ 20, tụt 10 bậc so với năm 2016.

Nguyên nhân khiến cho giá trị thương hiệu của Apple cũng như niềm tin người tiêu dùng giảm mạnh, chính là bởi các sản phẩm công nghệ của họ không được đánh giá cao, tệ hơn là “liên tục làm vỡ mộng những người ủng hộ với những sản phẩm không đáp ứng được sự kỳ vọng”, chẳng hạn như các phiên bản iPhone kế nhiệm ngày càng ít đột phá và sáng tạo.

Và có lẽ vì vậy, Apple dưới thời đại của Tim Cook đang có những bước chuyển hướng kinh doanh, thậm chí phá vỡ cả những nguyên tắc mà hãng này từng theo đuổi.

Thứ nhất, từ bỏ MacBook, tập trung vào thiết bị đi động

Năm 2013, khi mà MacBook Pro 15 inch Retina thế hệ thứ 2 ra mắt, sản phẩm này đã “gây bão” trong làng công nghệ nhờ thiết kế đẹp mắt, phần mềm và cứng được đồng bộ cao. Tuy nhiên, đến nay thì phần cứng của thiết bị không được cập nhật. OS X trước đó vốn thường xuyên được nâng cấp, thì nay điều đó cũng đã thay đổi. iMessage không còn hoạt động tốt trên Mac, tính năng Airdrop vốn hỗ trợ kết nối và chuyển dữ liệu giữa các nền tảng cũng không còn mấy hiệu quả.

(Ảnh: Shuttertock)
(Ảnh: Shuttertock)

Đơn cử, MacBook Pro mới ra mắt cuối năm 2016 cho thấy Apple chỉ tập trung vào tính thời trang như thiết kế mỏng hay thanh cảm ứng TouchBar. Họ không hề cải tiến về hiệu suất hay trải nghiệm thực tế các chức năng, vốn làm nên thành công của các đời Mac trước đó.

Như vậy, có thể nhìn thấy được Apple đã thay đổi trọng tâm phát triển sản phẩm. Họ ngầm đưa ra một thông điệp: “Tại sao bạn vẫn cần một chiếc máy tính khi tablet hay smartphone có thể làm thay mọi việc?”

>> Apple đang không chú trọng phát triển dòng máy tính Macbook

Thứ hai, nhượng bộ trước chính phủ Trung Quốc để có thể phát triển mạnh hơn ở thị trường “béo bở” này

Theo các hãng nghiên cứu thị trường, Trung Quốc sẽ là thị trường tiêu thụ smartphone lớn nhất trên thế giới trong ít nhất 2 năm nữa. Trong khi đó, Apple cũng đang gặp rất nhiều thách thức tại Trung Quốc, có lẽ  vì vậy, Apple đã “thỏa hiệp” với một số yêu cầu của chính phủ nước này để bảo toàn việc làm ăn của mình.

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Mới đây, theo thông tin công bố trên tờ The Australian, Apple đã can thiệp vào chiến dịch quảng cáo của các nhà cung cấp mạng di động ở Úc, yêu cầu họ ngừng đăng quảng cáo trên các tờ báo tiếng Hoa nằm trong “danh sách đen” của chính phủ Trung Quốc, bao gồm Vision China Times và tờ báo Epoch Time. Hai tờ báo này chuyên cung cấp các thông tin về Trung Quốc.

Trước đó, tháng 12/2016, Apple cũng phải gỡ bỏ ứng dụng The New York Times khỏi kho ứng ứng dụng iOS App Store và iTunes Movies sau gần 7 tháng hoạt động tại Trung Quốc theo yêu cầu của chính phủ nước này.

Theo tờ Australian nhận định, Apple buộc phải làm vậy là do chịu tác động của các quan chức Trung Quốc. Nếu mất lòng chính phủ Trung Quốc, Apple sẽ có khó thể phát triển mạnh hơn nữa ở thị trường này. Trong quý tài chính gần đây, Apple đã kiếm được 16,23 tỷ USD doanh thu từ thị trường Trung Quốc, cao hơn nhiều so với thị trường châu Âu.

Mới đây nhất, Apple vừa công bố sẽ mở thêm hai trung tâm R&D tại Trung Quốc, với tổng số tiền đầu tư lên tới 508 triệu USD. Đây cũng được coi như một bước thâm nhập sâu hơn nhằm tiến tới chiếm lĩnh thị phần smartphone của quốc gia đông dân nhất thế giới này.

>> Apple bắt tay với Trung Quốc: Cấm quảng cáo iPhone trên một số tờ báo tiếng Hoa

Thứ ba, từ bỏ hình ảnh “đắt đỏ” đã xây dựng suốt thời gian dài

Thương hiệu Apple suốt nhiều năm qua luôn gắn với những sản phẩm đắt đỏ hơn rất nhiều so với các thiết bị cùng phân khúc của các hãng khác. Không ít người dùng từng phàn nàn về “Apple Tax”, mức phí khá cao mà họ phải trả cho thiết kế và phần mềm của Apple. Không ngạc nhiên khi mà nhà sản xuất này từng tung ra phiên bản Apple Watch vàng có giá lên tới 20.000 USD.

Tuy nhiên, mới đây Apple lại công bố một phiên bản iPad giá rẻ và nâng cấp phiên bản iPhone cũng thuộc phân khúc giá rẻ. Điều này cho thấy Apple bắt đầu cuộc chơi về giá. Cụ thể, phiên bản iPad 9.7 inch mới của hãng đã được hạ giá xuống mức 330 USD, khá tương đồng so với sản phẩm các đối thủ khác như Samsung, Lenovo và Microsoft. Không chỉ vậy, iPhone SE, chiếc iPhone “bình dân” có mức giá rẻ nhất cũng được Apple nâng cấp dung lượng từ 16GB lên 32GB.

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Động thái này khá tương đồng với xu hướng mà nhà phân tích độc lập Neil Cybart đưa ra: “Apple đang làm cho sản phẩm của họ dễ tiếp cận hơn nhờ mức giá phổ thông hơn.”

Thêm một vài ví dụ nữa, như mẫu tai nghe không dây AirPods giá 159 USD thấp hơn so với nhiều tai nghe không dây của đối thủ khác. Hay chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch có phiên bản chỉ 269 USD, rẻ hơn hẳn đồng hồ thông minh Android của Samsung hay Fossil.

Trong bối cảnh thị trường smartphone ngày một bão hòa với quá nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, thì Apple cũng phải tính đến chuyện bán ra được càng nhiều sản phẩm càng tốt, nhất là ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ. Và để đạt được điều đó, hãng này sẽ phải giảm giá sản phẩm, thay vì chỉ giữ hình ảnh “thương hiệu đắt đỏ” như trước đây.

Tuy nhiên, một khi đã bước chân xuống phân khúc giá thấp hơn, sẽ rất khó để trở lại với hình ảnh “cao cấp” trước đây.

Minh Ngọc (T/H)

Xem thêm: