Những người có trí tuệ đỉnh cao có khả năng phán đoán siêu việt và có thể quan sát mọi thứ một cách thấu đáo. Khả năng “tự hiện thực hóa” của họ là việc nhận ra toàn bộ tiềm năng của mình, được biểu hiện ở đỉnh cao của hệ thống phân cấp nhu cầu của Maslow. Điều này được coi là ngoại lệ hơn là quy luật vì hầu hết mọi người đang làm việc để đáp ứng những nhu cầu cấp bách hơn.

trí tuệ đỉnh cao
(Ảnh: Alina Rosanova/ Shutterstock)

Nhà tâm lý học Abraham Maslow đã phát triển một hệ thống phân cấp nhu cầu, đại diện cho tất cả các nhu cầu khác nhau thúc đẩy hành vi của con người. Hệ thống phân cấp thường được hiển thị dưới dạng kim tự tháp, với các cấp thấp nhất đại diện cho các nhu cầu cơ bản và các nhu cầu phức tạp hơn nằm ở đỉnh của kim tự tháp.

Ở đỉnh cao của hệ thống phân cấp này là quá trình “tự hiện thực hóa”. Hệ thống phân cấp gợi ý rằng khi các nhu cầu khác ở cơ sở của kim tự tháp đã được đáp ứng, bạn có thể tập trung vào nhu cầu đỉnh cao này để đạt được toàn bộ tiềm năng của mình.

Điều quan trọng cần lưu ý là tự hiện thực hóa bản thân không phải là để trở nên hoàn hảo hay đạt được tất cả các mục tiêu cuộc sống của bạn. Thay vào đó, nó là một trạng thái tâm trí cho phép mọi người tiếp cận các vấn đề, mối quan hệ và nhu cầu với sự chấp nhận và thấu hiểu.

Đặc điểm của những người có năng lực “tự hiện thực hóa”

Sau khi dành nhiều thời gian để nghiên cứu về những đặc điểm tính cách của những vĩ nhân trong lịch sử. Nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow đã vẽ ra một bức chân dung mô tả chi tiết về “những người tự hiện thực hóa”, và ông nhận định rằng, người có trí tuệ đỉnh cao thường có 16 đặc điểm sau đây:

1. Năng lực phán đoán của họ vượt trội hơn người bình thường, họ còn có khả năng quan sát mọi thứ một cách thấu triệt. Đặc biệt, chỉ căn cứ vào những chuyện phát sinh trong thời điểm hiện tại đã có thể dự đoán chính xác mọi thứ sẽ tiến triển như thế nào trong tương lai.

2. Họ có thể chấp nhận bản thân, chấp nhận người khác và cả môi trường mà họ đang ở. Vô luận là trong thuận cảnh hay nghịch cảnh, họ đều có thể thản nhiên đối mặt. Mặc dù họ có thể không thích hiện trạng đó, nhưng đầu tiên họ sẽ học cách chấp nhận thực tế không hoàn hảo này trước. Sẽ không phàn nàn hay than phiền mà nhanh chóng nhận trách nhiệm và bắt tay vào việc cải thiện tình hình.

3. Họ đơn thuần, tự nhiên và không đạo đức giả. Họ không có nhu cầu mãnh liệt đối với danh tiếng và lợi ích, thế cho nên họ sẽ không đeo ‘mặt nạ giả’ và cố gắng lấy lòng người khác. 

Có câu: “Những người vĩ đại luôn đơn giản”. Chắc hẳn nhiều người đều tin rằng trong tâm trí của những vĩ nhân đầy trí tuệ luôn chứa đựng một trái tim trong sáng và nhân hậu.

4. Họ ý thức được bản thân có sứ mệnh gì trong cuộc sống, vì vậy thường dành sức lực và tâm huyết để giải quyết các vấn đề liên quan đến người khác. Nhưng họ không tự cao, cũng sẽ không chỉ quan tâm đến công việc của riêng bản thân mình.

5. Khi ở một mình và ở cùng mọi người, họ đều có thể tận hưởng niềm vui và hạnh phúc. Họ cũng rất thích một mình để có thêm thời gian nhìn nhận và trau dồi bản thân.

6. Họ sẽ không dựa vào người khác để tìm kiếm cảm giác an toàn. Họ giống như một chiếc cốc luôn tràn đầy hạnh phúc và may mắn, luôn nguyện ý cùng người khác chia sẻ, nhưng không phải để mong nhận lại điều gì đó từ người khác, kể cả là sự an ủi.

7. Họ biết thưởng thức những điều bình dị, thậm chí là có thể nhìn thấy thiên đường thông qua một hạt cát. Giống như những đứa trẻ ngây thơ và tò mò, không ngừng tìm thấy những thú vui mới từ những trải nghiệm đời thường. Ngoài ra, họ luôn đánh giá cao vẻ đẹp của cuộc sống từ những điều vô cùng giản dị. 

8. Nhiều người trong số họ cũng đã trải qua kinh nghiệm tín ngưỡng về “sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên”.

9. Dù họ thấy con người có nhiều phương diện không tốt đẹp, nhưng vẫn có thể nhìn ra mặt tốt và sự đáng yêu của người khác, và sẽ vẫn tràn đầy lòng nhân ái, rộng lượng.

10. Họ có thể không có nhiều bạn bè, nhưng những mối quan hệ mà họ thiết lập được lại sâu đậm hơn những người bình thường. Họ cũng có nhiều bạn hiền chưa từng gặp mặt, nhưng lại rất thấu hiểu và tương thông với nhau.

11. Họ đối với những người thuộc các giai cấp, chủng tộc và xuất thân khác nhau, thì đều luôn đối xử một cách bình đẳng, tôn trọng và yêu thương.

12. Họ có trí tuệ để phân biệt đúng – sai, và sẽ không sử dụng phép đánh đồng hay tuyệt đối.  Chẳng hạn như ‘không phải tốt chính là xấu’ hoặc ‘người vùng đó thì đều lười biếng’, họ sẽ không đánh giá phân loại kiểu như vậy.

13.Họ nói chuyện một cách triết lý và thường có sự hài hước dí dỏm nhưng không đùa cợt.

14. Họ giống như những đứa trẻ, đầu óc đơn giản, ngây thơ nhưng vô cùng sáng tạo. Họ luôn thể hiện cảm xúc thật của mình, hát khi vui, khóc khi buồn. Họ không giống những người bình thường, những người được cho là bị tê liệt cảm xúc, thích “quyền lực”, thích “điều khiển” và coi “cảm xúc là thứ vô hình”.

15. Trang phục, thói quen sinh hoạt và thái độ sống của họ mang nhiều nét truyền thống và nhìn tương đối bảo thủ. Tuy nhiên, họ là người có tâm thái cởi mở và sáng suốt. Đặc biệt những lúc cần thiết họ vẫn có thể thay đổi một chút cho phù hợp.

16. Họ cũng sẽ mắc phải một số ‘sai lầm ngây thơ’. Khi chiểu theo mỹ đức chân chính, họ sẽ xem những chuyện khác thật nhỏ bé. Ví dụ, khi nhà phát minh Edison tập trung vào việc nghiên cứu đến mức quên mất mình đã ăn hay chưa. Bạn bè trêu ông rằng ông đã ăn rồi, ông cũng tin là thật, vỗ vỗ bụng và mãn nguyện quay lại phòng thí nghiệm tiếp tục công việc.

Có thể mỗi người trong chúng ta cũng không dám mong rằng bản thân sẽ đạt đến 16 trạng thái này, nhưng ai cũng sẽ tin rằng nếu bản thân hướng tới và chạm được đến những trạng thái như vậy, cuộc sống sẽ vô cùng hạnh phúc và ý nghĩa.

Thanh Mộc (t/h)