Người nghèo phàn nàn với Ông Trời rằng số phận không công bằng với họ. Cho dù họ làm việc chăm chỉ mỗi ngày nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Còn người giàu không phải làm việc vất vả mà vẫn có tiền tiêu không hết. Ông Trời hỏi người nghèo: “Con nghĩ thế nào là công bằng?” Người nghèo nói: “Hãy để người giàu cũng nghèo như con và làm công việc giống như con”. Ông Trời đồng ý, khiến người giàu cũng nghèo như người nghèo, và ban cho cả hai mỗi người một núi than… 

người nghèo
(Ảnh minh họa: Love You Stock/ Shutterstock)

Người nghèo đã quen làm việc nặng nhọc, và nhanh chóng đào một xe than, bán lấy tiền tiêu xài. Còn người giàu có, với số tiền mà mình có được, họ chỉ mua một vài chiếc màn thầu, tiết kiệm số tiền còn lại và sử dụng chúng để thuê hai người giúp mình đào than vào ngày hôm sau. Ngày qua ngày, người giàu thuê thêm nhiều người, đào thêm càng nhiều than và kiếm được nhiều tiền hơn. Một tháng sau, người nghèo kia chỉ đào được một góc núi than, sau khi dùng tiền kiếm được mua đồ ăn thức uống ngon, căn bản không còn lại gì. Còn người giàu dùng số tiền còn lại thuê người đào than, càng đào càng nhiều, tiền kiếm được cũng càng nhiều và không phải tự mình đào than. Thậm chí, người giàu còn thuê người để quản lý các công nhân đào than. Vì thế, họ nhanh chóng trở nên nhàn rỗi và có tiền tiêu không hết.

Trong nhiều trường hợp, gốc rễ của nghèo đói không phải là thiếu thức ăn và tiền bạc, cũng không phải các điều kiện bên ngoài khác, mà là lối tư duy và thói quen làm việc khó có thể thay đổi. Chừng nào bạn còn suy nghĩ của người nghèo, thì dù bạn làm những việc của người giàu thì bạn vẫn nghèo, hay dù bạn mặc quần áo của người giàu thì bạn vẫn nghèo. Dưới đây là 10 đặc trưng này của người nghèo:

1. Lãng phí thời gian mà không nắm vững và phát triển khả năng của bản thân

Nếu bạn đang tốn sức lực vào việc ghen tị với thành công của người khác, bạn sẽ không có thời gian trau dồi kỹ năng của bản thân, vì vậy, công việc và sự nghiệp của bạn sẽ có thể không phát triển được.

2. Tầm nhìn hạn hẹp và phương pháp thiếu tính khả thi

Nếu bạn muốn phát triển một lĩnh vực nào đó, nhưng bạn lại không biết hiểu rõ về nó, cũng không có người hướng dẫn chỉ dạy, chỉ có thể tự mình mày mò, thì bạn sẽ lãng phí rất nhiều thời gian khai phá những điều mới mẻ thay vì kế thừa và phát huy những cái sẵn có.

3. Chi phí thử lớn và khả năng thất bại cao, dẫn đến việc nhiều người không dám thử sức với những điều mới mẻ

Tài chính của người nghèo không cho phép họ phạm nhiều sai lầm. Nhiều người thành công gặp rất nhiều thử thách và sai lầm, họ gặp thất bại nhiều lần cho đến khi thành công. Trong khi người nghèo chỉ trả giá cho thất bại 2-3 lần hoặc thậm chí không làm gì cả. Vì vậy, tỷ lệ thành công của người nghèo sẽ rất thấp.

4. Tâm lý “thuỷ tinh”, dễ bị tổn thương

niềm đau
(Ảnh: Mike_shots/ Shutterstock)

Người nghèo không có tiền, không có địa vị, không có tiếng nói, dễ bị người khác chèn ép, nên nội tâm họ khá nhạy cảm, có lòng tự trọng rất mạnh. Họ lớn lên trong môi trường bị coi thường, thiếu thốn nên họ càng dễ tự ti, bỏ cuộc, không cố gắng, không chịu nổi thử thách, không chịu trách nhiệm, tham lam vì những lợi ích nhỏ và nói lời cay nghiệt. Tâm lý “thuỷ tinh” này dễ khiến người nghèo muốn hại người khác. Người nghèo khi ở gần nhau thì hại nhau, không muốn người khác tốt hơn mình nên ít có cơ hội gặt hái của cải hơn người giàu.

5. Không muốn cho đi thì khó được quý nhân giúp đỡ

Môi trường sống dưới đáy xã hội khiến người nghèo có thói quen thích lợi dụng người khác, không tôn trọng đóng góp của người khác, dùng tình cảm đạo đức để bắt người khác cho đi, xu nịnh người trên, ức hiếp kẻ dưới, thích khoe khoang, chạy theo lợi ích ngắn hạn và không dám chịu trách nhiệm. Loại người này không phải là ngốc thì cũng là người xấu, và nhiều khả năng là cả hai. Trong một xã hội hiện nay, những thói quen xấu này dễ dàng được nhận ra và sau đó bị bài xích. Cuối cùng, những người nghèo không thể kết giao với những người mạnh hơn mình, ngay cả khi họ gặp vận may lớn trong thời gian ngắn, họ cũng sẽ nhanh chóng tiêu hết chẳng còn gì, trừ khi họ có thể tu sửa tâm tính, nhận ra thiếu sót của bản thân.

6. Thiếu tầm nhìn dài hạn

Người nghèo thường phải đối mặt với những áp lực cuộc sống như tiền thuê nhà, tiền nợ hay thậm chí là chi phí ăn uống hằng ngày. Vì vậy, người nghèo có thời gian và nguồn lực khan hiếm hơn, do đó, khó có thể chăm sóc sức khỏe và đầu tư sức lực trong thời gian dài. Ngay cả khi họ trở nên giàu có đột ngột, họ cũng dễ dàng phung phí tất cả số tiền do thiếu thói quen suy nghĩ lập kế hoạch dài hạn.

7. Thiếu thông tin, không biết các quy tắc xã hội, dễ bị lợi dụng bởi các quy tắc

Không quen thuộc với các quy tắc khác nhau, không biết nghi thức, không hiểu hàm ý trong giao tiếp, không hiểu mối quan hệ trong cộng đồng, tập thể. Hầu hết những người nghèo biết điều đó muộn hơn 20 năm so với những người giàu. Người giàu hiểu đạo lý hay đối nhân xử thế ở tuổi 15, nhưng người nghèo không hiểu nó cho đến khi 35 tuổi. Hơn nữa, có nhiều người cả đời cũng không thể hiểu được.

8. Bị mắc kẹt trong thú vui rẻ tiền, theo đuổi khoái lạc ngắn hạn

shutterstock 1621243846
(Ảnh: My Ocean Production/ Shutterstock)

Do cuộc sống khó khăn, họ thường có nhiều ham muốn ngắn hạn hơn, không có nguồn lực để nuôi dưỡng những sở thích lâu dài như thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, đọc một bài luận khoa học, v.v. Vì vậy, họ dễ sa đà vào những cuốn tiểu thuyết rẻ tiền trên mạng, phim giải trí, tin lá cải giật gân trên mạng xã hội… Do tích lũy lâu dài những thói quen không tốt như vậy, những người nghèo khó có thể nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần lành mạnh và phong phú.

9. Thiếu sự hiểu biết thực tế, dễ sa đà những điều không thiết thực, hoang tưởng

Ngoài ra, quan niệm hiện đại đề cao sự bình đẳng, khiến cho người nghèo cho rằng xã hội này đã gây bất công cho mình. Vì vậy, họ thường dành thời gian và sức lực để tham gia vào phong trào đòi quyền bình đẳng. Họ nghĩ rằng những phong trào xã hội này sẽ giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo đói.

10. Dễ rơi vào tình trạng đầu cơ

Người ta quen gán những quy luật không cách nào lý giải được cho vận mệnh, số phận. Tất nhiên, sự hiểu biết lý tính về vận mệnh thực sự là một cấp độ tư duy cao hơn. Người nghèo không thể nhận thức ra những quy luật rộng lớn hơn, vì vậy họ bị mắc kẹt trong những nhận thức hạn hẹp và không cách nào thoát ra được. Vì vậy, họ dễ đi theo con đường cờ bạc, đầu cơ, chạy theo lợi ích trước mắt. Người nghèo chỉ muốn giàu qua một đêm, nhưng họ thường trở thành nạn nhân của lừa đảo và lợi dụng vì tâm lý này. Tài phú của người giàu bắt nguồn từ giá trị họ đóng góp cho cộng đồng, chứ không phải số tài sản mà họ có được.

shutterstock 1251392806
(Ảnh: HTWE/ Shutterstock)

Người xưa thường nói “sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên” nghĩa là sống chết có số, giàu sang do trời. Cũng có câu nói “Thiên đạo thù cần”( người bỏ công sức nhất định được hồi báo), bởi vì đạo Trời ban thưởng cho người cần cù, chịu khó. 

Đại sư Lý Hồng Chí nói trong bài viết Vì sao có nhân loại: “Thực ra hết thảy trong đời người, [điều] đáng nên được hay không đáng nên được, đều là đời trước, lần sinh trước đây làm điều tốt hay không tốt mà thành nhân quả đời sau, lần sinh sau; đời trước tích lũy phúc đức nhiều ít bao nhiêu quyết định đời này hoặc đời sau phúc phận bao nhiêu. Nhiều phúc đức, đời sau có thể dùng phúc đức đổi thành quan cao lộc nhiều, cũng có thể dùng đổi lấy các loại phúc phận như tiền tài, v.v. gồm cả gia đình hạnh phúc hay không, thậm chí con cái thế nào. Đây chính là nguyên nhân căn bản của [việc] có người giàu, có người nghèo, có người làm quan lớn, có người không nhà để về…”

Vì vậy, trước tiên bạn cần phải nỗ lực cải thiện bản thân thì mới thay đổi được vận mệnh. Nếu người nghèo không thay đổi suy nghĩ của mình thì ông Trời cũng không thể giúp đỡ gì được. Nếu một người không ngừng cải thiện bản thân, trau dồi kỹ năng và hiểu biết của mình, hơn nữa còn nỗ lực tu dưỡng bản thân, thấu hiểu luân thường đạo lý thì nhất định sẽ có thể cải biến nhân sinh trở nên rộng mở, tươi sáng.

Nhiều người theo đuổi cuộc sống tối giản mà không muốn nỗ lực gì cả. Họ còn cảm thấy không có tiền thì không cần phải tính toán, suy nghĩ, như vậy là hạnh phúc rồi. Có thực sự là như vậy không? Đây chỉ là do họ quá lười biếng, không có chí tiến thủ. Chỉ khi con người không ngừng cải thiện bản thân, cống hiến xã hội thì mới có thể tìm được ý nghĩa và giá trị của cuộc sống. Cách nói không màng danh lợi, cho rằng đơn giản nhất là hạnh phúc nhất chỉ đúng khi họ sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội, giúp đỡ người khác mà không quan tâm lợi ích bản thân. Bạn muốn nói rằng mặc dù tôi không có tiền nhưng tôi rất hạnh phúc mỗi ngày, kỳ thực bạn giống một quả bom hẹn giờ có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Bởi vì, bạn không có khả năng chống lại những rủi ro trong cuộc sống. Chỉ cần trải qua cơn bệnh nặng hoặc sự thất bại nhỏ trong công việc cũng dễ dàng khiến bạn không vực dậy nổi.

Khi bạn không giá trị, những người khác sẽ dễ dàng làm tổn thương bạn. Bạn sẽ dễ rơi vào bất hạnh, sợ hãi, bởi vì nội tâm không vững vàng, không đủ mạnh mẽ, sợ mất mát, nói trắng ra là do có quá ít giá trị. Có người hỏi, khi tôi trở nên giàu có và quyền lực, liệu những người thân và bạn bè xung quanh tôi có đối xử với tôi khác đi không? Đương nhiên là không, dù sao chúng ta cũng không phải nhân vật chính, mọi người cũng không phải luôn xoay quanh bạn. Nhưng khi bạn trở nên ưu tú giàu có, thì mới có thể không cần để ý đến cách nghĩ của người khác. Bởi vì, nội tâm của bạn đã trở nên vững chãi và đầy đủ. Sau đó, bạn có thể nói về việc cuộc sống đơn giản, không màng tiền bạc. Như vậy, bạn mới có thể cảm nhận hạnh phúc bền vững trong cuộc sống.