Ở các thế kỷ trước, cá hồi, pasta, tiramisu, sushi… đều là những món ăn đơn giản giúp người nghèo thoát khỏi cảnh đói. Nhưng giờ thì chúng đã trở thành một phần không thể thiếu trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng trên thế giới. 

1. Pizza

món ăn nhà nghèo, pizza
(Ảnh: Shutterstock)

Chiếc bánh pizza truyền thống của Ý chỉ có các thành phần đơn giản như dầu ô liu, cà chua, thảo mộc và lớp vỏ dày. Đối với những gia đình không khá giả, pizza là một trong những món ăn chính và họ cũng không nghĩ đến việc phải cải tiến cho chúng cầu kỳ hơn. 

Trong một lần Nữ hoàng Margherita muốn thử một món ăn đơn giản, đầu bếp của bà đã làm chiếc bánh pizza với các thành phần giống như màu cờ nước Ý. Nữ hoàng rất ấn tượng với món ăn đó. Chiếc pizza Margherita được đặt theo tên của bà đã trở thành món ăn đặc trưng của Ý. 

Giờ đây pizza được phục vụ ở nhiều nhà hàng cao cấp mà không phải ai cũng có thể chi trả. Những người hâm mộ cuốn sách “Eat, Pray, Love” của tác giả Elizabeth Gilbert có thể thử món ăn yêu thích của nhân vật chính tại nhà hàng Ledomantica Pizzeria Da Michele ở Naples. Nhà hàng Proper Pizza NZ ở New Zealand còn bán pizza có thành phần đắt đỏ như nấm cục đen. Nhà hàng Pizza da Mooca ở trung tâm của Brazil cũng rất được lòng các vị khách giàu có bởi những chiếc pizza sang trọng, ngon lành, đẹp mắt.

Pizza chảo, Pizza Chicago, ẩm thực Chicago
(Ảnh: Shutterstock)

2. Cá nóc

món ăn nhà nghèo
(Ảnh: Shutterstock)

Cá nóc phân bố chủ yếu ở vùng biển cận nhiệt đới và nhiệt đới, ở nước mặn nhiều hơn nước ngọt. Chất độc tetrodotoxin của cá tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất ở trứng cá, vì vậy con cái độc hơn con đực. Đây là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.200 lần so với cyanua. Độc tố của một con cá nóc đủ giết chết 30 người. 

Tại Nhật Bản, cá nóc được gọi là cá Fugu, là một loại nguyên liệu chế biến ra những món ăn cao cấp. Chúng có mặt trong thực đơn của những bữa tiệc chiêu đãi, tiệc tối hoặc những sự kiện mang tính trang trọng. Ở một số nơi của Nhật Bản, người ta đã nghiên cứu cách nuôi dưỡng và bán ra thị trường những con cá nóc an toàn, không hề chứa chất độc gây chết người. Món ăn chế biến từ cá nóc rất phổ biến trong giới thượng lưu nhưng riêng Nhật Hoàng thì không bao giờ thử món ăn này.

3. Quinoa (Hạt diêm mạch)

hạt diêm mạch quinoa, quinoa, ngũ cốc
(Ảnh: Pixabay)

Quinoa còn có cái tên khác là “the mother grain” do người dân Bolivia đặt, có ý nghĩa là “mẫu hạt” hoặc “mẹ của các loại hạt lương thực”. Loại cây này được trồng cách đây từ 7.000 năm trước ở vùng Andes, Nam Mỹ và trở thành lương thực chính của cư dân tại vùng đất này. Quinoa không phải là ngũ cốc, nó cũng là một loại hạt của cây, nhưng được xem như “ngũ cốc nguyên hạt” vì giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại. Các chuyên gia dinh dưỡng và phương tiện truyền thông xã hội đã biến quinoa thành món ăn lành mạnh, hữu ích, nổi tiếng. Hiện giờ quinoa có giá khoảng 8 đô la mỗi gói. Nhưng khoảng 15 năm trước, không ai muốn ăn quinoa cả. Sản phẩm này được coi là “thức ăn dành cho người nghèo”.

4. Sushi

tăng cân
(Ảnh: Shutterstock)

Sushi là món ăn truyền thống của người Nhật, được làm từ cơm trộn giấm kết hợp với các loại thịt, cá, hải sản và rau củ quả tươi. Sushi rất đa dạng, có nhiều loại khác nhau, tiêu biểu nhất là các loại: Nigirizushi, Chirashizushi, Makimono, Gunkan, Oshizushi, Temaki. Gần đây sushi đã trở thành món ăn cho những người sành ăn và xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng nhất trên thế giới. Giá sushi tăng mạnh vào giữa thế kỷ 20. Có ý kiến cho rằng món ăn này trở nên nổi tiếng vì Nhật Bản xây dựng mối quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia khác và bắt đầu thu hút nhiều khách du lịch hơn. Trước đó sushi là món ăn quen thuộc của các ngư dân nghèo Nhật Bản.

5. Súp hành tây kiểu Pháp

món ăn nhà nghèo
(Ảnh: Shutterstock)

Trong nhiều thế kỷ, hành tây ủ được coi là thực phẩm dành cho người nghèo. Cho đến khi vua Louis XV quyết định nấu súp hành tây với rượu sâm banh cao cấp, món ăn này đã được biết đến rộng rãi. Theo tác giả Alexander Dumas, vua Ba Lan Stanislaw rất thích món súp hành tây trong chuyến thăm Versailles. Ông còn yêu cầu đầu bếp cho công thức nấu ăn để chia sẻ với đồng nghiệp của mình, vua Pháp. Vì hợp khẩu vị của các vị vua, món súp hành tây dần trở thành món ăn được phục vụ trong các nhà hàng sang trọng. Tuy nhiên giá của món súp này cũng có chênh lệch lớn, phụ thuộc vào nguyên liệu dùng để nấu.

6. Tiramisu

Tiramisu
(Ảnh: Wikipedia)

Tiramisu truyền thống có một vài nguyên liệu như bánh quy savoiardi, lòng đỏ trứng gà, đường, cà phê, phô mai mascarpone và bột cacao. Trong công thức ban đầu tại Ý vào thập niên 60 của thế kỉ XX, tiramisu không có rượu mùi và lòng trắng trứng. Không rõ món bánh này được sinh ra ở vùng nào nước Ý, nhưng khả năng cao nhất là ở Treviso (vào năm 1970). Công thức đánh bông lòng đỏ trứng với đường được coi là món uống năng lượng cho người lao động bình thường của thành phố. Ở mỗi nước, Tiramisu được chế biến theo một cách khác nhau, tuy nhiên vẫn giữ được hương vị ngon lành và đặc sắc. Món bánh thường được ăn lạnh, có hình tròn, vuông để dễ tạo hình và được trình bày trong các ly tròn thủy tinh tròn hoặc ly Martini để có thể nhìn rõ các lớp bánh. Năm 2017, tiramisu chính thức được đưa vào danh sách thực phẩm nông nghiệp truyền thống Friulian và Giulian của Bộ Chính sách Nông nghiệp, Thực phẩm và Lâm nghiệp Ý.

7. Bigos

Bigos
(Ảnh: Shutterstock)

Bigos là món ăn đứng đầu trong bảng xếp hạng những món ăn đặc trưng nhất của đất nước Ba Lan. Bigos được làm từ thịt khoanh, xúc xích hầm với bắp cải muối chua, mùi quế, mật ong và đinh hương. Khi những nguyên liệu hầm mềm cùng nhau và có độ sánh sệt thì sẽ thưởng thức kèm bánh mì tròn để tăng thêm độ bắt vị. Trước đây người nghèo ăn bigos nhiều rau còn người khá giả hơn sẽ cho thêm thịt vào món ăn này. Bigos đã đi một quãng đường dài từ “món ăn dành cho người nghèo” trở thành ngôi sao ẩm thực ở nhiều quốc gia. Nhà thơ Adam Mickiewicz còn viết riêng một dòng ca ngợi bigos trong bài thơ của ông.

8. Phô mai Livarot

pho mai Livarot
(Ảnh: Shutterstock)

Vào thế kỷ 19, loại phô mai tinh xảo với khuôn hình tròn này được coi là “món ăn dành cho người nghèo”, phổ biến nhất trong cộng đồng người Norman. Ngày nay, phô mai livarot được sản xuất với số lượng hạn chế và bạn không thể mua nó trong các siêu thị. Các nhà hàng chỉ phục vụ món ăn cao cấp này khi khách gọi kèm theo rượu vang Pháp chất lượng cao. Hiện phô mai livarot được sự bảo hộ của cả châu Âu, chỉ cho phép vùng Livarot được sản xuất mà thôi. 

9. Cá hồi

giảm cân nhanh
(Ảnh: Shutterstock)

Cá hồi là loại cá chứa nhiều chất béo được nuôi dưỡng ở các hồ và sông vùng lạnh, ôn đới. Với đặc trưng môi trường sống lạnh, cá hồi tự hình thành cơ chế bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố môi trường khiến chất lượng thịt cá hồi rất tốt. Cùng với thói quen bơi lội ngược dòng mùa sinh sản, các thớ thịt cá hồi trở nên săn chắc, hấp dẫn hơn bình thường. Ngày nay, cá hồi được phục vụ như một phần ăn chính trong các nhà hàng sang trọng. Giá cá hồi nhập khẩu vào Việt Nam cũng rất đắt bởi nước ta là nước nhiệt đới. Nhưng trước đây người nghèo ở Scotland thường ăn cá hồi bởi nó có sẵn ở vùng biển Scotland.

10. Pasta

pasta
(Ảnh: Pixabay)

Pasta có hơn 310 loại với 1300 tên gọi, hương vị và hình dạng khác nhau. Từ cọng dài, hình ống cho tới xoắn ốc, nơ, bướm, vỏ sò. Mặc dù con số này là vô cùng lớn nhưng các loại pasta có chung thành phần chính là bột mì loại semolina và nước. Đôi khi do khác nhau về màu sắc do nhà sản xuất thêm các phụ gia, chẳng hạn như cà chua đỏ, rau bina, nghệ, mật mực. 

Trong thời kỳ Phục hưng, pasta nấu với rau, phô mai và tỏi đã cứu nhiều người Ý khỏi nạn chết đói. Họ ăn pasta bằng tay chứ không có dao nĩa như trong nhà hàng ngày nay. Vào thế kỷ 16, pasta là một phần không thể thiếu trong thực đơn ăn uống của người Ý. Tất cả các bữa tiệc đều phải phục vụ món ăn này. Khi các nhà máy pasta được đưa vào hoạt động, món ăn “nhà nghèo” này chính thức trở thành báu vật quốc gia.

Theo Bright Side
Minh Minh

Xem thêm: