Con đường mang lại cuộc sống khỏe mạnh, thành công và đầy ý nghĩa có thể không như những gì chúng ta tưởng tượng.

Đôi khi, những kết luận từ các nghiên cứu về hạnh phúc có vẻ khá hiển nhiên như: Biết ơn sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn, tâm niệm chân chính giúp giảm căng thẳng, và tử tế với người khác luôn làm bạn thấy thoải mái.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại cho ra những kết quả bất ngờ ngược với lẽ thường. Những nghiên cứu này đang thách thức hiểu biết và quan niệm của chúng ta về cách thế giới vận hành. Nếu chúng ta cởi mở với những quan điểm mới, cuộc sống sinh hoạt của mỗi người cũng như cả cộng đồng sẽ có những thay đổi đáng kể.

Tại Đại hội lần thứ 5 của Hiệp hội Tâm lý Tích cực Quốc tế (the International Positive Psychology Association) – một hội nghị kéo dài 4 ngày được tổ chức năm 2017, các học giả đã trình bày 3 quan điểm trực tiếp xung kích đến các hiểu biết của đại chúng về thành công và hạnh phúc. 3 quan điểm đó đã đưa những cách nhìn mới để chúng ta nghiền ngẫm, chiêm nghiệm về những điều mình truy cầu nhất trong cuộc sống: sức khỏe, thành công và hạnh phúc.

cuoc song vui ve image
(Ảnh: Shutterstock)

1. Để thành công, bạn không nhất thiết cứ phải có sức lôi cuốn

Điều gì giúp người ta có hiệu suất cao trong công việc? 

Trước đây, các nhà nghiên cứu về kinh doanh đã tập trung vào mức độ ảnh hưởng hoặc thông tin mà các nhân viên nắm giữ trong tổ chức của mình. Họ đã mường tượng và lập ra những bản đồ mạng lưới liên kết phức tạp, trong đó những nhân viên có tầm ảnh hưởng và hiểu biết nhất nằm tại vị trí trung tâm.

Nhưng Kim Cameron, một giáo sư tại Đại học Michigan và là người tiên phong trong lĩnh vực tâm lý tổ chức tích cực đã thử lập một bản đồ liên kết mới. Ông phác họa sơ đồ nhân viên bằng “năng lượng quan hệ xã hội” của họ. Năng lượng quan hệ xã hội được hiểu là mức độ tương tác của bạn với người khác giúp thúc đẩy, xúc tiến và tiếp thêm năng lượng cho họ nhiều ít thế nào (chứ không phải là làm người khác mệt mỏi và kiệt sức ra sao, điều mà tất cả chúng ta đều từng trải qua). 

Kết quả là gì? Bản đồ mạng lưới năng lượng quan hệ xã hội dự đoán hiệu suất làm việc chính xác hơn gấp 4 lần so với bản đồ dựa trên mức độ ảnh hưởng hoặc thông tin. Nói cách khác, tạo ra tác động tích cực và tràn đầy năng lượng tới người khác có vẻ quan trọng và cần thiết hơn nhiều để cải thiện hiệu quả làm việc, thay vì việc khiến mọi người làm theo những gì bạn muốn hoặc giữ các thông tin bí mật cho riêng mình. Theo đó, khi người lãnh đạo có thể lan tỏa năng lượng tinh thần tích cực, nhân viên cấp dưới sẽ làm việc tốt hơn, hài lòng và gắn bó với công ty hơn, cũng như có được một cuộc sống hạnh phúc hơn. 

Nghiên cứu của Cameron chỉ ra rằng những người truyền tải năng lượng tích cực là những người đáng tin cậy, có lòng biết ơn, khiêm tốn, chân thành và biết tha thứ. Họ cũng là những người biết giải quyết các rắc rối với tiêu chuẩn cao. Theo đó, năng lượng quan hệ xã hội không phải là một dạng cuốn hút tự nhiên hay hấp dẫn bẩm sinh. Đó là thứ có thể được trau dồi và luyện tập.

khuôn mặt, tính cách, tướng do tâm sinh
(Ảnh: Shutterstock)

2. Chúng ta không giỏi khuyến khích mọi người sống lành mạnh

Làm thế nào chúng ta có thể khích lệ người khác chăm sóc sức khỏe của họ? 

Nếu là chính phủ, một chương trình chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc hay một người vợ hiền, bạn có thể cố gắng thuyết phục người khác rằng họ đang tập thể dục quá ít và căng thẳng quá nhiều. Các phương tiện truyền thông đặc biệt hay nhắc đến vấn đề này. 

Tuy nhiên theo giáo sư Alia Crum của Đại học Stanford, những lời nhắc nhở này có thể đem đến tác dụng hoàn toàn ngược lại. Nghiên cứu của bà đã phát hiện ra rằng những gì ta tin – hay tư duy của chúng ta – thực sự có thể có những tác động vật lý lên cơ thể chúng ta.

Trong một loạt các nghiên cứu cho kết quả gần như không thể tin được, giáo sư Alia Crum phát hiện ra căng thẳng tạo ra phản ứng thể chất không tốt cho sức khỏe khi chúng ta tin rằng căng thẳng là có hại. Cách chúng ta so sánh mức độ tập thể dục của mình với mức độ tập thể dục của người khác ảnh hưởng đến nguy cơ tử vong còn nhiều hơn cả mức độ tập thể dục của chúng ta. Cùng một loại đồ uống nhưng mức độ sẽ ảnh hưởng đến các hormone đói của chúng ta sẽ khác nhau tùy thuộc vào việc chúng ta tin rằng nó tốt cho sức khỏe hay gây nghiện. Những người dọn phòng ở khách sạn cải thiện cân nặng và huyết áp của họ sau khi biết rằng công việc họ cũng giống như một dạng vận động thể dục. 

Nói cách khác, chỉ ra cho mọi người lối sống không lành mạnh của họ có thể gây ra những hậu quả tiêu cực trên thân thể họ.  

Vậy giải pháp thay thế là gì? Thay vì tập trung vào tác hại của những thói quen không lành mạnh, Crum gợi ý hãy làm cho các thói quen lành mạnh trở nên hấp dẫn hơn. Trong một nghiên cứu sắp công bố, bà phát hiện ra những người đi ăn ở tiệm ăn nhiều rau hơn khi các món rau được đặt những cái tên lôi cuốn. Ví dụ, “cà rốt tráng sốt cam” thay vì “cà rốt với nước sốt cam không đường”. 

Thay vì làm mọi người sợ hãi bằng các số liệu thống kê, chúng ta có thể kể cho họ nghe niềm vui khi chạy bên hồ buổi hoàng hôn, món salad tươi ngon với những nguyên liệu từ trang trại của bác nông dân, hoặc những điều tuyệt diệu của thiền định. 

hạnh phúc
(Ảnh: Shutterstock)

3. Cuộc sống ý nghĩa hơn bạn tưởng

Bạn có đang kiếm tìm ý nghĩa của cuộc sống không? 

Giáo sư Laura King của Đại học Missouri cho rằng hầu hết chúng ta không cần phải hướng tầm mắt đi quá xa. Trong một buổi nói chuyện đầy phấn khích và gợi mở tư duy, vị giáo sư đã trích dẫn nghiên cứu cho thấy những điều nhỏ nhặt có thể làm tăng cảm giác ý nghĩa của chúng ta như: ngắm nhìn hình ảnh của những cái cây đại biểu cho sự luân chuyển giữa bốn mùa; được người khác nhắc những từ ngữ có liên quan đến buổi sáng (bánh kếp, thịt xông khói, mặt trời mọc) vào buổi sớm; hay hình thành cho mình nhiều thói quen hơn. 

Laura King cho rằng không có cuộc khủng hoảng nào về ý nghĩa cuộc sống trên thế giới này. Ý nghĩa không chỉ dành riêng cho những khoảnh khắc đặc biệt hay siêu việt; ý nghĩa chính là một phần trong cuộc sống của chúng ta nếu chúng ta chịu mở tầm mắt nhìn nó. 

điều may mắn, cuộc sống
(Ảnh: Shutterstock)

Bà King nói: “Mọi người không biết cách làm cho cuộc sống của họ trở nên ý nghĩa”. 

Khi chúng ta tin vào ý nghĩa cuộc sống của mình, những lợi ích đến từ cảm xúc tích cực và các mối quan hệ tốt đẹp sẽ mở ra trước mắt chúng ta. 

Nghiên cứu của bà đã đặt ra nhiều câu hỏi cho những người tham dự hội thảo: Liệu loại ý nghĩa này có giống với kiểu ý nghĩa sâu xa xuất phát từ việc sống có mục đích hoặc quan tâm đến người khác không? Còn những người phải sống trong những hoàn cảnh hỗn loạn đầy nguy hiểm khiến mạng sống của họ chỉ như nước chảy bèo trôi thì sao?

Bất chấp những câu hỏi này, quan điểm cho rằng phần lớn cuộc sống của chúng ta đã có thứ tự, có thể đoán định và mang đầy ý nghĩa cũng là một điều thách thức hiểu biết của chúng ta rồi.

Tác giả Kira M. New Man / The Epoch Times
Hoa Minh dịch

Xem thêm: