Thường cha mẹ giáo dục con có 3 trường hợp sau: một là quản lý mọi việc mọi lúc, làm rất nhiều việc nhưng không có hiệu quả; hai là không quản lý gì cả, để cho tự do, không quan tâm, kết quả càng không tốt; ba là quản lý nhưng ‘buông lỏng’, không làm nhiều, nhưng làm đúng những điều cần làm để con lớn khôn.

Hiển nhiên là “làm mọi việc” và “không làm gì cả” đều quá cực đoan, mất cân bằng và không phù hợp. Những bậc cha mẹ thông minh luôn biết lựa chọn “cái gì nên, cái gì không nên” trong việc giáo dục con, họ chỉ cần làm tốt 3 việc sau:

Việc thứ nhất: Xây dựng mối quan hệ cha mẹ con cái hòa hợp

Một mối quan hệ tốt đẹp quan trọng hơn mọi sự giáo dục. Khi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái hòa hợp, những điều mà cha mẹ dạy bảo con sẽ dễ dàng thành công hơn, nếu mối quan hệ không được tốt, những điều răn dạy sẽ dễ gặp thất bại. Vậy làm cách nào để xây dựng mối quan hệ cha mẹ con cái tốt đẹp?

1. Đừng làm “quan tòa”, hãy học cách làm “luật sư”

Có những bậc cha mẹ vừa nhìn thấy con mình gặp vấn đề, xảy ra chuyện, bèn vội vàng làm “quan tòa” để phán xét, ‘kết tội’ con, việc này rất nguy hiểm.

Thế giới nội tâm của con trẻ vô cùng phong phú, cha mẹ cần ảnh hưởng và giáo dục con một cách tích cực, không hiểu được con thì áp đặt lên con, sẽ gây ảnh hưởng rất xấu. Chìa khóa quan trọng nhất khi hiểu con chính là bảo vệ sự tự tôn, quyền lợi của con, trở thành người bạn để con tin tưởng và tôn trọng.

Cha mẹ nên đối xử với con cái như “luật sư” đối xử với khách hàng của mình, hiểu nhu cầu của con và luôn đặt việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của con lên hàng đầu.

that bai image
(Ảnh: shutterstock.com)

2. Đừng làm “trọng tài”, hãy học cách làm “cổ động viên”

Trong vũ đài cuộc đời, con chỉ có thể tự mình cố gắng. Cha mẹ chẳng những không thể thay thế con thi đấu, mà còn không nên làm “trọng tài” theo ý mình, hãy cho con sức mạnh để giữ vững ý chí, tức là làm “cổ động viên”. Việc này có thể giúp con xây dựng lòng tự tin và cũng chính là nhiệm vụ cốt lõi của việc giáo dục gia đình.

Cha mẹ làm “người cổ vũ” của con, vừa cần phải nhìn thấy được những điểm tốt của trẻ và khen ngợi con, vừa phải dẫn dắt con đối diện với thất bại, trở thành người bạn đồng hành của con trước khó khăn.

cach day con khi con khong nghe loi 2 image
(Ảnh: Internet)

3. Đừng làm “người huấn luyện”, hãy học cách làm “tấm gương”

Chỉ khi con trẻ hiểu bản thân thì mới tự chiến thắng được mình, thế nhưng thường thì con chỉ có thể hiểu được bản thân bằng cách mà người khác đối đáp lại, lúc này “phản hồi” của cha mẹ quan trọng giống như một tấm gương phản chiếu.

Đừng làm “người huấn luyện”, hãy học cách làm “tấm gương” thì mới có thể giúp con nâng cao ý thức tự mình, khiến con không sợ hãi uy quyền của cha mẹ, chịu chia sẻ cùng cha mẹ.

Giáo dục con là 3 phần dạy, 7 phần đợi. “Chờ đợi” rất hữu dụng. Hãy dừng lại và chờ đợi, cho con cơ hội để nói ra, trao đổi một cách hiệu quả với con, vấn đề sẽ được giải quyết mà không cần đến dạy dỗ.

Việc thứ hai: Xây dựng thói quen tốt cho con

1. Mọi thứ bắt đầu từ việc xây dựng thói quen

Thói quen quyết định tương lai của trẻ, vì vậy, không có gì quan trọng hơn là cha mẹ cần xây dựng thói quen tốt cho con.

Dạy con là sự nghiệp cả đời. Giáo dục trí tuệ là dạy thói quen tư duy tốt, giáo dục đạo đức là dạy thói quen cẩn thận về hành vi, giáo dục tố chất thể hiện qua từng hành vi nhỏ của mỗi người.

Có nhiều việc đã chứng minh rằng thói quen có sức mạnh rất lớn, có thể chi phối cả một cuộc đời. Tất cả mọi thứ của trẻ đều bắt đầu từ việc dây dựng thói quen.

2. Thói quen tạo nên thành công lâu dài

Việc xây dựng được thói quen tốt không chỉ trong ngày một ngày hai, nguyên tắc chính là: khởi đầu thấp, yêu cầu nghiêm, bước từng bước, tiết tấu nhanh, hoạt động nhiều, biết thay đổi, phản hồi nhanh, chịu sửa đổi.

Việc xây dựng thói quen quan trọng nhất là trong 3 ngày đầu, quyết định trong một tháng. Cha mẹ cần phải hết sức tôn trọng quyền lợi của con, để con phát huy tác dụng làm chủ bản thân khi xây dựng thói quen.

bo me nhat day con 1 image
(Ảnh: shutterstock.com)

3. Bồi dưỡng, rèn giũa phẩm chất từ việc xây dựng thói quen

Giáo dục giống như đi thuyền trên biển vậy, phải chèo lái theo phương hướng đúng, nếu không, thuyền càng lớn sẽ càng có nguy cơ bị chìm.

Phẩm chất của một người quyết định phương hướng phát triển của người đó. 

Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng thói quen và nhân cách bổ sung cho nhau, thói quen ảnh hưởng đến nhân cách và ngược lại. Những phẩm chất như đứng đắn, thành thật, trách nhiệm, lòng yêu thương, tinh thần hợp tác v.v… đều có thể được rèn giũa từ việc xây dựng thói quen tốt.

nguoi do thai day con image
(Ảnh: Internet)

Việc thứ ba: Dẫn dắt con cách học tập

Thu hút trẻ yêu thích học tập và chỉ dẫn cho con cách học là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cha mẹ.

1. Trẻ ghét học là có nguyên nhân

Thả lỏng không quan tâm, mặc cho con học gì thì học, quản lý không đúng nơi đúng việc, càm ràm không ngừng, tùy ý đánh mắng,… nếu cha mẹ dùng những cách thiếu sáng suốt này sẽ chỉ khiến con ngày càng không thích học.

Việc con không thích học chỉ là hiện tượng bề mặt, phía sau nhất định là có nguyên nhân: Là do chưa xây dựng thói quen học tập tốt cho con? Là chưa tìm được sở trường của con? Là chưa động não một cách khoa học? Là do cha mẹ đã ngăn cản tính cách “chơi mà học” của con? Hay do con chưa ý thức được học tập là việc con cần làm?… Tìm ra được nguyên nhân phía sau thì mới có thể giúp được con thoát khỏi ám ảnh ghét học.

2 day con image
(Ảnh: shutterstock.com)

2. Thúc đẩy đam mê học hỏi và tiềm năng học tập của trẻ

Trẻ thiếu sự hiếu học thường là do trẻ không tìm được hứng thú.

Lòng hiếu kỳ, ước mơ, cảm giác thành công… đều là con đường mở ra niềm đam mê học hỏi của trẻ. Cha mẹ cần giúp trẻ tìm được đam mê của mình và phát triển niềm đam mê đó.

Trong vấn đề giáo dục con trẻ, cha mẹ cần tìm được cho mình một phương pháp dạy con đúng đắn và phù hợp. Những kinh nghiệm dạy con không có “tính áp dụng rập khuôn”, nếu chỉ bắt chước, mô phỏng, chẳng những không thể áp dụng với con mình, mà ngược lại còn có thể gây phản ứng ngược.

Dạy con hoàn toàn không phức tạp như cha mẹ nghĩ, xây dựng được mối quan hệ hòa hợp với con, bồi dưỡng thói quen tốt cho con và dẫn dắt con cách học tập đúng đắn thì các con sẽ trở thành những đứa trẻ giỏi giang trong tương lai.

Ngọc Trúc

Xem thêm: