Bài viết bày tỏ nỗi lòng của một nhà văn sống ở Yến Giao hàng ngày phải đi đến Bắc Kinh làm việc khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Do tình hình dịch bệnh ở Bắc Kinh tiếp tục bùng phát, chính quyền thành phố này yêu cầu người dân phải thực hiện xét nghiệm. Tại các điểm xét nghiệm, người dân xếp thành những hàng rất dài. Hơn 300.000 người đi làm từ thị trấn Yến Giao phải đặt lịch hẹn đăng ký xét nghiệm. Sau đó thì có thông báo những ai đi lại giữa Bắc Kinh và Yến Giao chỉ cần kiểm tra chứng minh thư là được. Vì thế tại trạm kiểm soát để ra khỏi Bắc Kinh phải kiểm tra 300.000 người trong khi chỉ có 4 máy làm việc này dẫn đến việc trước khi vào Yến Giao đã có cả một hàng dài 4 km xe nối đuôi nhau.

con kien
(Ảnh: Weibo)

Bài viết gốc có tên “Yến Giao, 300.000 con kiến hình người bò đến Bắc Kinh” được viết và đăng tải trên trang weibo chính thức của nhà văn văn học thiếu nhi Lưu Vũ Hân, cũng là thành viên Hội nhà văn tỉnh Sơn Đông. Hiện bài viết này đã bị xóa bỏ ở Đại Lục. Một cư dân mạng có tài khoản weibo tên là “Lão Hóa Khán Phòng” đã đăng lại bài viết này dưới dạng hình ảnh và viết rằng “Mong nhiều người xem được.”

Trong bài viết gốc, tác giả Lưu Vũ Hân có viết: “Nếu tôi không nói ra chuyện mà mình từng trải qua thì tôi không có trách nghiệm và không xứng đáng làm một nhà văn. Hơn nữa gần đây có rất nhiều người lên tiếng về sự việc ‘ghép nhà ở Hà Thôn’ và ‘thế thân đậu đại học’, tôi tin rằng tất cả những ai đã lên tiếng đều đang đưa ra sự lựa chọn vì chính nghĩa. Càng không lên tiếng, càng nhút nhát thì sẽ càng bị áp bức.”

Dưới đây là đoạn trích của bài viết:

Những con kiến

Lại một mùa Tết Đoan Ngọ, tôi không về quê thăm bố mẹ, từ nhà tôi về quê mất 4 giờ đồng hồ, còn từ công ty đến nhà tôi ở Yến Giao cũng phải đi quãng đường 4 giờ đồng hồ.

Tôi sống ở Yến Giao, cũng giống như đa phần mọi người, tôi cứ quen viết địa chỉ chuyển phát nhanh là “Bắc Kinh Đông Yến Giao”.

Yến Giao không thuộc Bắc Kinh, mà thuộc Hà Bắc, bởi vì giá nhà rẻ nên nhiều người mua nhà hoặc thuê nhà ở đây.

Yến Giao cách Bắc Kinh không xa, chỉ qua một cây cầu thôi, nhưng muốn đi qua cây cầu dài 500 mét này thì phải mất đến 50 phút.

Bởi vì không thuộc Bắc Kinh nên muốn vào Bắc Kinh thì phải qua trạm kiểm soát kiểm tra chứng minh thư, mỗi lần có hội nghị hoặc sự kiện gì lớn thì sẽ có đến 300.000 người phải xếp hàng trên cầu để đợi kiểm tra.

Có rất nhiều người đã quen với cuộc sống như thế này, có người không thích kẹt xe thì sẽ đi xe buýt đến gần trạm cuối cùng của Yến Giao rồi xuống xe, đi bộ qua cầu, sau đó lại đi xe buýt Bắc Kinh ở đầu cầu bên kia, như vậy sẽ nhanh hơn nhiều.

Nếu không thì tất cả xe muốn vào Bắc Kinh đều bị kẹt trên đường.

Mọi người vốn đã quen với việc này rồi, vì vậy không ai than thở gì. Dù sao cũng may là khi ra khỏi Bắc Kinh để về Yến Giao thì không cần phải kiểm tra, dù đường đi làm rất gian nan, nhưng đường về nhà thì lại thông thoáng, thế nên mọi người đều cứ thế nhẫn nhịn sống qua ngày.

Tuy cuộc sống có vất vả, nhưng đa số những ai sống ở Yến Giao đều không đăng lên vòng bạn bè những hình ảnh đi làm khó khăn này, bởi vì chẳng có ai quan tâm cuộc sống khó khăn của bạn nơi phố thị, người ta chỉ cần biết khi bạn giàu có mà thôi.. Mọi người đều hiểu điều này nên không ai muốn cho người khác thấy cuộc sống bôn ba như loài kiến của mình cả.

Mỗi năm về quê ăn Tết hễ có người nhắc đến: “Cũng giỏi đấy chứ hả, mua nhà ở Bắc Kinh cơ đấy.”

Khi đó chúng tôi đều cười cười gật đầu đáp: “Không dám không dám…” Còn trong lòng chúng tôi thì nghĩ, tôi mua nhà ở Hà Bắc chứ nào có phải Bắc Kinh, giá nhà còn chưa đến phân nửa của Bắc Kinh nữa là.

Thế nhưng vì thể diện nên chẳng ai giải thích nhà là mua ở Hà Bắc cả.

Dịch bệnh

Tình hình dịch bệnh ở Bắc Kinh vẫn cứ lặp đi lặp lại, xe buýt đường dài đến tỉnh khác đã bị dừng từ hồi tháng 2, từ Bắc Kinh đến Yến Giao chỉ có một chuyến xe 818, trong thời gian dịch bệnh thì có rất nhiều công ty vẫn đi làm bình thường.

Vì vậy mỗi sáng mọi người xếp hàng lên xe 818 đến Bắc Kinh đi làm đã trở thành khung cảnh thường nhật của Yến Giao.

Buổi tối tan làm về nhà lại đi xe 818 về, ít nhất có hơn 100 người xếp hàng để lên xe… Những hình ảnh này tôi không dám đăng lên, bởi vì rất xót xa.

Sau đó trong khoảng thời gian tổ chức họp Quốc hội, lên xe 818 phải đo thân nhiệt và xét chứng minh thư, thời gian từ Yến Giao đến Bắc Kinh để đi làm kéo dài đến hơn 3 giờ đồng hồ.

Có rất nhiều người lựa chọn xuống xe ở trạm cuối cùng phía bên Yến Giao rồi xuống đi bộ qua cầu, đến đầu cầu bên kia nhưng vẫn còn là phía bên Yến Giao, lại phải xếp hàng lên xe 818, sau khi qua đến bên kia phải xếp hàng lại để lên xe buýt khác vào Bắc Kinh.

Trạm kiểm soát không kiểm tra những người ở nội thành Bắc Kinh, cứ như thể là người Bắc Kinh thì đều an toàn vậy.

Ra khỏi Bắc Kinh

Chợ Tân Phát Địa bùng phát dịch bệnh rồi!

Tất cả trạm kiểm soát cao tốc rời khỏi Bắc Kinh đều dựng lán tạm thời và lắp đặt máy quét chứng minh thư, tất cả mọi người ra khỏi Bắc Kinh đều phải trình báo cáo xét nghiệm. Yến Giao thuộc về Hà Bắc, vì vậy vào Yến Giao có nghĩa là ra khỏi Bắc Kinh.

Thế nên hơn 300.000 người đi làm ở Yến Giao phải lo đặt chỗ đi làm xét nghiệm, báo cáo xét nghiệm này chỉ có hiệu lực trong vòng 7 ngày, đến khi nhận được tờ báo cáo thì đã mất hết 3-4 ngày rồi, chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn.

Sau đó chính quyền đưa ra chính sách rằng những người đi lại giữa Bắc Kinh và Yến Giao thì không cần báo cáo xét nghiệm, chỉ cần kiểm tra chứng minh thư là được.

Thế là trạm kiểm soát ra khỏi Bắc Kinh cũng bắt đầu kiểm tra chứng minh thư. 300.000 người mà chỉ có 4 cái máy dẫn đến việc trước khi vào Yến Giao đã có cả một hàng dài 4 km xe nối đuôi nhau.

Vì vậy có rất nhiều người xuống xe, đi bộ 4 km đến trạm kiểm soát.

Dòng người dày đặc tan sở từ 6 giờ chiều nhưng vào đến Yến Giao thì phải đến 10 giờ tối.

Buổi sáng vào Bắc Kinh soát chứng minh thư từng người, buổi tối đi làm về cũng lặp lại việc tương tự…

Và thế là về nhà cũng đầy gian nan.

Mưa lớn

Ngày mai là Tết Đoan Ngọ, hôm nay có rất nhiều người về Yến Giao mà ai nấy đều trông hết sức mệt mỏi, nhưng trong lòng thì lại vui vẻ, bởi vì sau những chuỗi ngày thức dậy lúc 5 giờ sáng và về nhà lúc 10 giờ tối, cuối cùng mọi người cũng được nghỉ ngơi 3 ngày.

Tôi cũng giống như mọi người, cũng rất vui vẻ lên xe buýt về Yến Giao.

Hôm nay đường còn kẹt hơn mọi ngày, còn chưa đến trạm thu phí Đinh Cách Trang mà đã kẹt xe rồi, giữa đường tài xế có nói nếu mọi người vội thì có thể xuống xe…

Rất nhiều người xuống xe rồi đi bộ rất lâu để đến trạm kiểm soát về Yến Giao.

Khi đến nơi nhìn thấy đã có nhiều người đang xếp hàng kiểm tra chứng minh thư rồi, đúng lúc này thì trời mưa bão.

Mọi người vừa mới đi bộ ướt đẫm mồ hôi thì lại phải tắm mưa.

Chúng tôi đứng chờ suốt nửa giờ đồng hồ dưới mưa để cảnh sát kiểm tra chứng minh.

Mưa càng lúc càng lớn và có vẻ như không muốn dừng.

Chính vào khoảnh khắc này, nhìn những người đang bước đi trên đường, tôi cảm thấy giống như những con kiến đang bò.

Trên xe buýt, một dì 60 tuổi gọi cho đường dây nóng Thị trưởng Bắc Kinh 12345: “Chúng tôi biết rằng trong thời gian dịch bệnh, đất nước không dễ dàng gì, chúng tôi cũng hiểu, nhưng chỉ có 4 cái máy kiểm tra chứng minh thư, những người lớn tuổi như chúng tôi đây biết phải làm sao, chân tôi không khỏe nên chỉ có thể đợi trong xe buýt chứ chẳng thể xuống xe đi bộ đến trạm kiểm soát được… Các ông cũng phải nghĩ cho những người như chúng tôi nữa cứ, đồng chí à, tôi đã ngủ mấy giấc ở trên xe này rồi, bây giờ đã 10 giờ tối rồi, tôi xin các ông đấy… “

Trông bà ấy như muốn khóc.

Có lúc đồng nghiệp hỏi tôi: “Từ nhà cô đến công ty mất bao lâu?”

Tôi đáp, 3 giờ đồng hồ…

Người kia bèn hỏi, làm sao mà cô chịu được hay vậy?

Vấn đề không phải là tôi có chịu được hay không, mà là tôi không có tiền thuê nhà ở Bắc Kinh, tôi nghèo, lại thêm nhà ở Yến Giao còn phải trả nợ vay, tôi không thể thuê thêm một căn phòng nhỏ với giá hơn 3.000 tệ một tháng ở gần công ty nữa, tôi không gánh nổi.

Bố và mẹ tôi cũng lớn tuổi rồi, họ cần dùng tiền, tôi phải tiết kiệm tiền.

Mặc dù tôi phải mất 3 giờ đồng hồ để đến công ty nhưng tôi không hề phí phạm thời gian. Tôi đã tải rất nhiều sách điện tử, nghe nhạc, đọc sách và cố gắng làm cho mình giống các đồng nghiệp khác, để không mất thời gian vì thời gian đi đường quá lâu.

Ngay cả khi tôi xuống xe và đi bộ, tôi sẽ tự an ủi rằng “Không sao cả, con đường dài này, bây giờ đi thì sau này sẽ không phải đi nữa.”

Thế nhưng tối hôm nay tôi lại rất muốn khóc, tôi không chịu đựng nổi nữa chính vào lúc mưa to ấy.

Khi đi qua trạm kiểm soát, tôi muốn tìm một chỗ trú mưa cũng không có, giữa đường thì không bắt được xe.

Tôi phải đi bộ một quãng đường rất dài, rồi lại đứng đợi ở trạm xe buýt, mưa thì vẫn như trút nước.

Tôi bị ướt mưa đến mức hắt xì, xe thì không bắt được, tôi bèn chạy vào quán bánh xếp bên đường để mua một phần sủi cảo.

Thế là tôi vừa ăn sủi cảo nóng hổi vừa rơi nước mắt.

Cuộc đời

Tôi sống một mình ở Yến Giao, không có ai mang dù đến cho tôi cả… Nhưng tôi luôn có một niềm tin và ước mơ, tôi sẽ luôn nỗ lực, tôi không sợ.

Vậy mà tối nay, tôi thực sự không thể chịu đựng được nữa.

Cũng giống như việc tôi bị mắc kẹt trên đường vì mưa lớn, vì dịch bệnh và sau khi trở về, tôi lại lo mình sẽ bị cảm lạnh và sốt rồi bị cách ly, vì vậy tôi phải vội vàng uống thuốc.

Mọi người đều là một con kiến ​​trong thế giới này, chúng ta phải kiên trì sống tiếp.

Đồng nghiệp của tôi nói rằng tôi rất ổn và có nhà riêng, nhiều đồng nghiệp khác không có nhà, phải thuê nhà ở Bắc Kinh, nói thẳng ra thì không ổn bằng tôi.

Trong cuộc sống không có sự so sánh, chúng ta đều là những người bận rộn với cuộc sống và không ai tệ hơn ai cả.

Cuối cùng, tôi chúc 300.000 người Yến Giao có một giấc ngủ ngon.

Mở bản đồ, trạm kiểm soát vẫn còn một khoảng những chấm đỏ, hẳn là trên đường vẫn còn nhiều người…

Đi trên đường rồi sẽ đến đích… Bạn nghĩ sao! 

Theo Epoch Times
Minh Ngọc

Xem thêm: