Hằng ngày chúng ta vẫn được học cách tôn trọng người khác nhưng ít ai dạy chúng ta rằng, chính ta cũng cần phải tôn trọng bản thân mình. Người ta gọi đó là lòng tự tôn (self-esteem), và dĩ nhiên, không phải là tự cao.

Nếu giữa cuộc đời hối hả, một người từng có lúc phải dừng lại để chiêm nghiệm chính mình thì người ấy sẽ hiểu được ý nghĩa của lòng tự tôn đích thực, người ấy sẽ không dễ hùa theo người khác hay bị cảm xúc nhất thời dẫn dắt, vì người ấy biết tôn trọng giá trị của bản thân. Lòng tự tôn là một phẩm chất đắt giá của những người mạnh mẽ, giàu ý chí và dễ thích nghi. Họ có một nội tâm đủ vững vàng để đối mặt với chông gai thử thách, bình thản chấp nhận kết quả mà không phải dựa vào hay đổ lỗi cho người khác. 

Thế nhưng lòng tự tôn không phải tự nhiên mà có, không phải ai sinh ra vốn dĩ đều biết tự trọng. Chẳng ở đâu xa, ngay trong gia đình, cha mẹ chính là người xây dựng lòng tự tôn tích cực cho trẻ từ thuở ấu thơ. Đây cũng là giai đoạn quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những bậc cha mẹ biết cách đắp xây thì cũng lại có người chỉ biết đập vỡ. Nhưng dù sao chúng ta cũng chỉ là con người, không thể lúc nào cũng hoàn toàn kiểm soát được cảm xúc của bản thân, nhất là khi con cái quá hiếu động và nghịch ngợm.

Với nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học, tiến sĩ Jerry Bernstein đã chỉ cho chúng ta 4 hành vi mà những bậc cha mẹ hay mắc phải trong cách hành xử với con cái. Những sai lầm này thật sự khiến trẻ tổn thương nhưng không phải cha mẹ nào cũng tự ý thức được.

1. La hét và đánh đập 

girl s white and gray crew neck top holding gray wire fence 1098769 image
(Ảnh: namo deet from Pexels)

Dân gian có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.” Ông bà ta dạy quả thật không sai, dạy con thì cần phải nghiêm khắc. Tuy nhiên không phải lúc nào người làm cha làm mẹ cũng nên lạm dụng câu nói một cách cứng nhắc mà làm tổn hại đến lòng tự tôn của trẻ – điều ảnh hưởng rất lớn đến giá trị tinh thần của các em khi bước vào đời sau này.

Không gì làm con cái tổn thương và sợ hãi hơn việc cha mẹ la hét và đánh đập chúng trong cơn thịnh nộ. Bạn muốn dạy con mình bài học gì khi hành động như vậy? Dạy chúng trở thành những đứa trẻ nhút nhát và tự ti ư? Hành vi này sẽ khiến trẻ hình thành một loại tâm lý sợ làm sai vì hình phạt có tính sát thương quá lớn.

Thông thường có hai loại phản ứng. Một là trẻ sẽ thu mình lại và không dám làm gì nữa. Những người lớn có tính cách quá nội tâm, e dè và khép kín có thể lúc nhỏ nằm trong nhóm này. Hai là trẻ sẽ trở nên giảo hoạt và học cách nói dối. Vì thái độ của cha mẹ quá gay gắt khi con làm sai nên trẻ sẽ không dám thừa nhận lỗi sai của mình mà thay vào đó tìm cách nghĩ ra một lý do khác để không bị la, bị đánh. Điều này rất nguy hiểm khi trong vô thức các em đã hình thành một lối tư duy giảo hoạt để bảo vệ bản thân như vậy.

Mặc dù bạn sẽ cảm thấy dường như mình đã thành công và đã “trị” được những đứa con ngỗ nghịch của mình bằng cách áp chế chúng. Nhưng sự thật đó là cách giải quyết vấn đề rất ngắn hạn, đứa trẻ chỉ vâng lời bạn trên bề mặt vào lúc ấy vì sợ bạn hơn là vì tự biết lỗi. Lần sau chúng vẫn lặp lại sai lầm ấy và những tiếng la lối om sòm trong gia đình vẫn cứ tiếp diễn. Chẳng ai vui vẻ cả.

Tại sao bạn không thử một lần kiềm chế bản thân mình lại, đối xử với con như một thành viên thực thụ trong gia đình? Hãy ngồi xuống, lắng nghe từ phía con, bắt đầu một cuộc trò chuyện bằng những lời khuyên chân thành và có tính xây dựng. Các xung đột sẽ được giải quyết trong êm thấm. Và quan trọng hơn cả, con bạn sẽ ý thức được rằng chúng đáng được tôn trọng. Khi lớn lên bước vào xã hội, khó ai có thể chà đạp lòng tự tôn của chúng một cách vô lý, và ngược lại, chúng cũng học được từ bạn cách tôn trọng người khác.

2. “Nhai lại” quá khứ

boy wearing gray hoodie 827993 image
(Ảnh: Juan Pablo Serrano Arenas từ Pexels)

Việc gì qua rồi thì hãy để nó qua đi, đừng trách móc mãi. Con bạn nên được cho phép làm sai và làm lại. Trẻ em cũng giống như những bản tập vẽ của chúng vậy, nếu trang này nét vẽ quá nguệch ngoạc, thậm chí bị bôi bẩn thì hoàn toàn có thể mở sang trang khác và vẽ lại từ đầu. Nếu bạn nuôi dạy con bằng cách chỉ trích mãi những lỗi lầm đã qua của chúng thì đứa trẻ lớn lên cũng sẽ chứa đầy oán khí trong tâm.

Hơn nữa, con bạn cũng cần được biết rằng, khi một vấn đề đã được giải quyết thì hãy để nó lại trong quá khứ, đừng nghĩ nhiều nữa. Trẻ em nên học cách tư duy tích cực và nhìn về phía trước. Tại sao cứ phải mang những tảng đá cũ kỹ đặt nặng vào lòng chúng? Kỳ thực, bạn càng ít nhắc về lỗi sai của trẻ trong quá khứ thì chúng có xu hướng càng ít lặp lại sai lầm đó trong tương lai. Không những thế, hãy dạy con làm người biết tha thứ và bao dung lỗi lầm của người khác.

3. Gây tâm lý tội lỗi ở trẻ

photo of person standing in between trees 1258777 image
(Ảnh: Min An từ Pexels)

Nếu bạn dạy con biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà hành xử cho phù hợp thì thật quá tuyệt vời. Tuy nhiên người ta lại nói, ở đời, cái gì quá cũng không tốt. Bạn muốn trẻ đặt mình vào hoàn cảnh của người khác (cụ thể là bạn) thì trước hết bạn phải làm được việc đặt mình vào hoàn cảnh của trẻ.

Con cái suốt ngày cứ cảm thấy tội lỗi vì không biết nghĩ cho cha mẹ cũng không phải là tốt. Điều này vô tình còn làm gia tăng gánh nặng và khoảng cách giữa hai thế hệ.

Tiến sĩ Jerry Bernstein đã từng tư vấn cho một người mẹ tên Loretta về trường hợp của cậu con trai 14 tuổi – Harold của cô. Lúc đó, hàng xóm của Loretta đã phát hiện Harold giấu cần sa trong nhà. Khỏi nói cũng biết người mẹ đã xấu hổ và giận dữ như thế nào. Chỉ trong vòng 10 phút mà cô đã liên tục mắng xối xả vào mặt Harold những câu đại loại như: “Cậu có biết cậu làm tôi bẽ mặt trước hàng xóm như thế nào không?”, “Cậu đã đánh mất lòng tin của tôi và làm tôi quá thất vọng!” Thử tưởng tượng xem, một đứa trẻ 14 tuổi sẽ phản ứng như thế nào với những lời buộc tội đanh thép này. Harold đã bị kích động và xông ra khỏi nhà.

Khi Loretta tìm đến, tiến sĩ Jerry Bernstein đã mất nhiều thời gian để dạy cô cách đặt cái bản ngã đang bị tổn thương lúc đó sang một bên, và đưa Harold những gì cậu ấy thực sự cần: sự thấu hiểu và đồng hành. Loretta đã đổi sang cách tiếp cận bình tĩnh hơn nhưng vẫn giữ được sự kiên quyết. Cô không cố gắng kiểm soát Harold nữa mà mở lòng để tìm hiểu vì sao con trai lại chịu áp lực của bạn bè đồng trang lứa. Hai mẹ con đã kết nối lại và Harold cũng sớm từ bỏ cần sa cùng những người bạn xấu của mình. Sức mạnh của sự thấu hiểu thật kỳ diệu.

4. Nói giọng mỉa mai

Khi nào thì bạn nói giọng mỉa mai người khác? Có phải là khi bạn đang dùng những lời đầy ngụ ý để châm biếm, coi thường họ? Trẻ em ngây thơ có nên là đối tượng để nhận những lời này không?

Ví dụ khi con bạn đưa ra một lựa chọn sai lầm và bạn liền mỉa mai: “Chẳng phải bình thường con thông minh lắm sao?” Đứa trẻ sẽ cảm thấy bị động chạm và xấu hổ. Những lời như vậy không chỉ hạ thấp lòng tự tôn của trẻ mà còn gây ra trở ngại trong giao tiếp giữa chúng với cha mẹ.

Điều bị mất không chỉ là lòng tự trọng

Khi bị mỉa mai và mất mặt bởi cách cư xử thiếu tế nhị của cha mẹ, trẻ em có xu hướng phản ứng lại một cách khiêu khích để bảo vệ lòng tự trọng của bản thân. Nhiều em lại phải kìm nén cảm xúc lúc đó và tìm cách “xả” bằng những hành vi đả kích khác. Nói chung khi cha mẹ hành xử không đúng mực thì con sẽ rất khó chịu và bị tổn thương.

Cha mẹ hãy làm chủ hành vi của mình

Nếu cha mẹ chỉ việc thừa nhận lỗi sai và nói: “Được thôi, lần tới bố/mẹ sẽ không làm vậy nữa” thì rất dễ. Nhưng để thực sự làm được như vậy thì các bậc phụ huynh phải học cách kiểm soát những hành vi tiêu cực của mình với trẻ nhỏ.

Một trường hợp khác cũng tìm đến tiến sĩ Jerry Bernstein là Sal – một ông bố độc thân đang nuôi dạy cậu con trai Anthony 13 tuổi. Sal tự cho mình là một người cứng rắn và thường la hét với Anthony chỉ vì những trận bóng đá.

Dạo gần đây Sal đã có những tiến bộ đáng kể và cư xử với con trai mình nhẹ nhàng hơn hẳn. Tuy nhiên tại một bữa tiệc trao giải bóng đá, Sal lại phạm một lỗi sai khác. Khi thấy con trai cúi gằm mặt xuống đất lúc nhận giải, Sal đã không ngừng chế nhạo Anthony bằng những lời mỉa mai vì thái độ khúm núm đó.

cute family picture 160994 image
(Ảnh: Pixabay)

Tương tự như người mẹ Loretta, tiến sĩ Jerry Bernstein cũng giúp ông bố Sal điều chỉnh lại hành vi của mình. Sal cuối cùng cũng đã biết hạ cái tôi xuống. Anh đến gặp Anthony và nói một cách chân thành: “Con trai, xin lỗi vì đã chế nhạo và chỉ trích con. Nhìn thấy con đứng ở đó, bố thực sự tự hào vì là bố của con.”

Anthony sau đó nói với tiến sĩ Jerry Bernstein, bố cậu ấy dường như đã thực sự hiểu được cậu.

Kết luận 

Dạy con là một nghệ thuật tinh tế. Con bạn đáng được tôn trọng, và bạn nên là người dạy chúng điều đó bằng chính cách cư xử của mình. Trẻ em bắt chước rất nhanh, nếu bạn muốn trẻ lớn lên trở thành một người tốt đẹp như thế nào thì trước hết bạn cũng hãy cố gắng tạo dựng hình ảnh mẫu mực như thế.

Đỗ Hoàng dịch (Theo tiến sĩ Jerry Bernstein)

VIDEO: TRỌNG TÂM CỦA GIÁO DỤC KHÔNG NẰM Ở TRI THỨC