Nhiều bà nội trợ cho rằng bát đĩa sẽ không sạch nếu không có chất tẩy rửa. Vì vậy, cách rửa bát đĩa phù hợp và việc sử dụng chất tẩy rửa như thế nào để không gây hại cho sức khỏe là những vấn đề được rất nhiều người quan tâm. 

rua bat
Sử dụng hóa chất tẩy rửa với lượng lớn và và rửa không đủ sạch, theo thời gian có thể gây ra những tác hại nhất định cho cơ thể. (Ảnh minh họa: NaiyanaB/ Shutterstock)

Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh ung thư đang ngày càng gia tăng, nhiều chuyên gia cho rằng nó có liên quan đến hoàn cảnh bị ô nhiễm. Một số chuyên gia cho rằng việc không chú ý đến những chi tiết nhỏ trong cuộc sống cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng. 

Chất tẩy rửa được sử dụng trong mọi gia đình là một loại chất hoạt động bề mặt, có chứa dioxin và một số hợp chất tạo mùi thơm. Chúng có cấu trúc tương tự như estrogen, nếu hợp chất này đi vào cơ thể và kết hợp với nội mạc tử cung, sẽ khiến nội mạc tử cung dày lên, gây ra ung thư nội mạc tử cung.

Dưới đây là 4 thói quen rửa bát gây hại cho sức khỏe cần lưu ý:

1. Lạm dụng chất tẩy rửa thời gian dài mà không làm sạch kỹ

Sử dụng một lượng nhỏ chất tẩy rửa để làm sạch bát đĩa và đũa, sẽ không gây hại cho cơ thể. Nhưng nếu chúng được sử dụng với số lượng lớn mỗi lần rửa bát và rửa không đủ sạch thì nó có thể gây hại. Vì vậy, cần phải tráng qua nhiều lần, đối với bộ đồ ăn ít dầu mỡ, rửa bằng nước nóng có thể nhanh chóng làm sạch vết dầu mỡ mà không cần dùng đến chất tẩy rửa.

2. Đổ trực tiếp chất tẩy rửa lên bộ đồ ăn để đạt làm sạch tối đa dầu mỡ

rua bat 2
Đổ trực tiếp chất tẩy rửa lên bộ đồ ăn không phải cách hay, sẽ không tốt cho sức khỏe nếu không được sửa sạch. (Ảnh: VLADIMIR VK/ Shutterstock)

Một số người cho rằng tác dụng tẩy dầu mỡ khi cho chất tẩy rửa trực tiếp lên bộ đồ ăn sẽ mạnh và hiệu quả hơn, tuy nhiên đây không phải là một cách hay. Trên thực tế, điều này không chỉ lãng phí rất nhiều tài nguyên nước, mà lạm dụng chất tẩy rửa còn khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Không những vậy, một khi rửa không sạch, cơ thể hấp thụ phải chất tẩy rửa cũng sẽ bị tiêu chảy và các triệu chứng khó chịu đường tiêu hóa.

Một số chuyên gia khuyên rằng trước tiên bạn nên nhỏ vài giọt chất tẩy rửa vào nước, sau đó dùng khăn rửa bát nhúng vào nước pha loãng để cọ rửa. Bộ đồ ăn đã rửa sạch nên đặt vào nơi có thể thoát nước, và để khô trước khi sử dụng.

3. Rửa xong cất ngay bát đũa vào tủ

Một số người sau khi rửa sạch bát đũa lại bỏ qua một bước quan trọng, là không đợi bát đũa khô hẳn mà cho ngay vào tủ. Tuy nhiên, nếu thói quen này diễn ra trong thời gian lâu dài, sẽ khiến cơ thể bị tổn thương.

Thông thường, phần lớn đũa được sử dụng trong các gia đình là đũa gỗ, nếu chúng chưa kịp khô mà đã được cất ngay trong tủ sẽ dễ sinh ra nấm mốc và sinh sôi vi khuẩn rất nhanh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tốc độ sinh sôi của nấm mốc trong môi trường ẩm ướt là tăng gấp đôi trong 20 phút. Điều quan trọng là trong số đó có thể có vi khuẩn aspergillus flavus, có khả năng sinh ra độc tố aflatoxin rất có hại cho cơ thể người.

Độc tính của độc tố aflatoxin gấp 68 lần thạch tín hoặc gấp 10 lần kali xyanua, chỉ cần 1mg aflatoxin cũng đủ gây ung thư. Viện nghiên cứu Ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới phân độc tố aflatoxin là loại chất gây ung thư hàng đầu, có độc tính cao và gây ung thư đối với gan. Do đó, nếu sử dụng đũa bị mốc thường xuyên và trong thời gian dài, tỉ lệ mắc ung thư gan cao hơn so với người bình thường.

Vì vậy, việc thường xuyên khử trùng bát đĩa và đũa là rất cần thiết. Bạn có thể khử trùng trong tủ khử trùng, cũng có thể đun sôi trong nước nóng để khử trùng, nhưng thời gian khử trùng tốt nhất nên trên 10 phút. 

4. Ngâm bộ đồ ăn trong nước thời gian lâu rồi mới rửa

rua bat 3
Ngâm bộ đồ ăn trong nước trong thời gian lâu sẽ khiến cặn thức ăn lên men và một lượng lớn vi sinh vật sẽ phát triển, gây nguy hiểm cho sức khỏe. (Ảnh: RJ22/  Shutterstock)

Một số người cho rằng ngâm bộ đồ ăn trong nước sau chừng một buổi hoặc cả ngày rồi mới đi rửa thì thức ăn sẽ mềm ra và dễ rửa hơn.

Tuy nhiên, ngâm bộ đồ ăn lâu trong nước sẽ khiến cặn thức ăn lên men và sinh ra một lượng lớn vi sinh vật có hại. Điều này thực ra lại càng gây bất tiện cho việc cọ rửa, hơn nữa rất nguy hiểm cho sức khỏe. Một số chuyên gia nhắc nhở rằng các bộ đồ ăn như bát, đũa nên được làm sạch bằng cách ngâm trong nước nóng khoảng 10 phút, thời gian ngâm không được quá lâu.

Một số thí nghiệm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một khi bộ đồ ăn bị ngâm trong nước hơn 5 giờ, số lượng vi khuẩn tụ cầu (staphylococcus) và E. coli sẽ tăng lên hàng chục nghìn lần, ngay cả khi rửa bằng nước rửa chén cũng sẽ có vi khuẩn còn sót lại. 

Do đó, không nên ngâm bộ đồ ăn lâu trong nước, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển rất lớn của vi khuẩn.

Thanh Mộc