Bài viết này là những hướng dẫn hữu ích để đối phó với các biến động về cảm xúc và các quan hệ xã hội khi mắc bệnh ung thư.

cau nguyen
(Ảnh: Pixabay)

Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ cho biết gần 40% nam nữ giới ở Hoa Kỳ sẽ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư trong quãng đời của họ. Ngay cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hiện nay, ung thư vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Trong khi các phương pháp điều trị mới đang mang lại cho bệnh nhân ung thư hy vọng về việc kéo dài tuổi thọ và thậm chí hồi phục hoàn toàn, thì trạng thái cảm xúc và quan hệ xã hội của họ vẫn trong tình trạng bất ổn nghiêm trọng. Họ có thể gặp khó khăn trong việc giữ bình tĩnh và tìm kiếm sự hỗ trợ của xã hội để vượt qua quá trình điều trị. 

Không một bệnh nhân ung thư nào có các trải nghiệm giống hệt nhau, nhưng đa số đều có cùng cảm giác như sợ hãi, buồn bã, tức giận và tội lỗi. Họ lo lắng căn bệnh này sẽ làm thay đổi cuộc sống, công việc hoặc các mối quan hệ của họ; lo lắng về các triệu chứng cơ thể như mệt mỏi, đau đớn và mất ngủ. Những trải nghiệm thay đổi liên tục cũng có thể làm họ cảm thấy bất an và làm trầm trọng thêm các rắc rối trên.

Dưới đây là một số khuyến nghị từ cuốn sách “Coping with Cancer (Tạm dịch: Đối mặt với Ung thư) dựa trên nhiều thập kỷ nghiên cứu và thực hành giúp đỡ bệnh nhân ung thư của hai tác giả Elizabeth Cohn Stuntz và Marsha Linehan.

1. Hãy lý trí và chấp nhận trải nghiệm của bạn

Mặc dù một số người tin rằng cách tốt nhất để đối mặt với bệnh ung thư là phải lạc quan, cứng rắn, bình tĩnh đối diện hoặc thách thức. Nhưng cố gắng phủ nhận cảm xúc và hành xử để phù hợp với ‘quan niệm lý tưởng’ đó lại có thể gây phản tác dụng. Thay vào đó, bạn nên thử thực hành tỉnh giác quan sát (mindfulness) — chú ý đến trải nghiệm của bản thân mà không phán xét. 

Cảm xúc, suy nghĩ và sự nhạy cảm của thể chất cung cấp cho bạn những thông tin có giá trị. Chúng có thể cho bạn biết điều gì là sai và cần phải giải quyết, cũng như điều gì đang đi đúng hướng và cần tiếp tục.

kiểm soát tâm trạng
(Ảnh: KieferPix/Shutterstock)

Đồng thời, sự tỉnh táo lý trí có thể giúp bạn không chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực hoặc suy nghĩ không hay. Khi bạn tăng cường nhận thức về những niệm đầu và cảm giác không tốt thoáng qua thì có thể tạo ra một khoảng cách nhỏ với chúng, mở ra cơ hội để cảm nhận những trải nghiệm tích cực hơn khi chúng đến. Tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc và những chiến thắng nho nhỏ là giải pháp tốt trong những thời điểm khó khăn, giúp bạn vượt qua những cơn sóng cả mà không ngã tay chèo.

Bạn cũng nên xem xét lại những việc mình vẫn làm từ trước đến nay, gồm cả các thói quen không còn phù hợp và bỏ chúng đi.

2. Thiện đãi bản thân

Nếu bạn chấp nhận rằng mọi cảm giác đều có giá trị, bạn có thể bắt đầu nhận ra chúng đến từ đâu và làm thế nào để xoa dịu mà không cần kìm nén chúng. Một phương pháp giúp bạn xoa dịu cảm giác thất vọng là thiện đãi bản thân. Hãy thấu hiểu và yêu thương bản thân, đồng thời nhận ra bạn không hề đơn độc có thể giúp bạn nhanh hồi phục hơn.

Hãy cố gắng thiện đãi bản thân bằng sự ấm áp, kiên nhẫntinh tế giống như khi bạn đối xử với một người thân yêu đang đau khổ. Điều đó có nghĩa là thừa nhận bất kỳ trải nghiệm nào bạn đang gặp phải (ví dụ: tôi cảm thấy đau tức ở ngực và điều đó khiến tôi lo lắng), tự gửi cho mình những tin nhắn xoa dịu (mặc dù cơn đau rất khó chịu nhưng tôi đã trải qua nó trước đây và tôi biết tôi sẽ vượt qua), và nhắc nhở bản thân rằng bạn không đơn độc (những người khác cũng đã trải qua điều này và sống sót).

Những người biết thiện đãi bản thân thường có xu hướng ít trầm cảm, lo lắng, mệt mỏi hơn và có chất lượng cuộc sống tốt hơn khi đối mặt với bệnh ung thư, và nhìn chung có xu hướng đối phó tốt hơn trong các tình huống căng thẳng. Thiện đãi bản thân đặc biệt có ích cho chúng ta khi ở trong hoàn cảnh khó khăn.

muon co mot cuoc song vui ve va hanh phuc phai hoc cach buong bo va nhan ra gia tri cua ban than image
(Ảnh: Shutterstock)

3. Đặt câu hỏi cho những suy nghĩ ‘méo mó’ và đối chiếu với thực tế

Khi lo lắng chúng ta thường hay suy nghĩ — những ý nghĩ không tốt cứ lặp đi lặp lại trong đầu khiến chúng ta trằn trọc và mất ngủ cả đêm. Điều này có thể dẫn đến trầm cảm và các vấn đề khác làm cản trở quá trình hồi phục.

Những người bị ung thư có thể không chống chọi lại được với những suy nghĩ méo mó, kiểu như suy nghĩ “trắng đen” hoặc suy nghĩ tuyệt đối hóa. Ví dụ họ chỉ tập trung vào những tin xấu và phớt lờ sự tiến triển, hoặc tự nhủ rằng mình sẽ không bao giờ có thể làm việc trở lại và sẽ luôn bị ốm.

Để giúp tâm trạng cân bằng hơn, bạn nên đặt câu hỏi cho những suy nghĩ kiểu này bằng cách lùi lại, kiểm tra chúng và có thể chất vấn hoặc sắp xếp lại chúng. Nhận ra sự khác biệt giữa thực tế và các giả định do nỗi sợ hãi gây ra có thể giúp bạn ngăn chặn những suy nghĩ méo mó, giữ cho tâm trí của bạn không bị quay cuồng và luôn trong tầm kiểm soát.

Phương pháp trên cũng có thể hữu ích khi bạn nói chuyện với bác sĩ. Ví dụ, một số bệnh nhân ung thư sợ phải nói chuyện với bác sĩ về nỗi sợ hãi hoặc nghi ngờ việc điều trị. Họ lo lắng sẽ xúc phạm bác sĩ và có thể mất một đồng minh quan trọng trong việc trị bệnh. Nhưng hầu hết các bác sĩ đều được đào tạo để lắng nghe và giải đáp thắc mắc của bệnh nhân về các phương pháp điều trị. Nói ra những khúc mắc là rất quan trọng, nhưng bạn vẫn phải giữ thái độ cởi mở với các thông tin dù là thông tin không tốt để có cái nhìn thực tế đối với tình trạng bệnh của bạn.

1 Hanh phuc image
(Ảnh: Shutterstock)

4. Tử tế khi yêu cầu những gì bạn muốn từ người khác

Sự hỗ trợ từ những người khác là chìa khóa để chữa lành bệnh ung thư. Nhưng đôi khi bệnh nhân ung thư có thể cảm thấy miễn cưỡng khi yêu cầu sự giúp đỡ, đặc biệt là nếu họ thuộc tuýp người tự lập. Hoặc họ có thể sợ rằng các bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ không lắng nghe họ.

Điều quan trọng là phải tìm được sự cân bằng giữa việc ‘nhờ’ và ‘yêu cầu’ giúp đỡ từ ai đó — đặc biệt là từ một điều dưỡng đang quá tải. Yêu cầu những gì bạn muốn một cách rõ ràng và tự tin, giải thích lý do tại sao bạn cần sự giúp đỡ và đánh giá cao sự giúp đỡ mà bạn nhận được là tất cả các chiến lược hữu ích để nhận được những gì bạn cần.

Giao tiếp với người khác một cách tử tế, trung thực và quyết đoán là cách tốt nhất để duy trì mối quan hệ trong suốt một quá trình điều trị lâu dài.

Hoạ từ miệng mà ra, nói năng cẩn trọng thể hiện nhân phẩm của một người
(Ảnh: Shutterstock)

5. Tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống

Mặc dù không ai muốn bị bệnh ung thư, nhưng đây lại có thể là cơ hội để bạn nhớ lại điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống. Cho dù đó là một mối quan hệ, gia đình, công việc, vẻ đẹp của thế giới xung quanh hay đức tin của bạn, thì bạn hãy trân trọng và dành thời gian cho những điều có giá trị với bạn.

Hiểu rõ về những điều quan trọng và tự khích lệ tinh thần có thể giúp bạn đánh giá xem liệu bạn có đang sống theo cách bạn muốn hay không hoặc giúp bạn thực hiện những thay đổi để có cuộc sống ý nghĩa hơn.

Ý nghĩa cuộc sống là trung tâm của hạnh phúc, và tìm thấy ý nghĩa cuộc sống giữa đau khổ có thể giúp con người kiên cường hơn khi trải qua tổn thương. 

cầu nguyện, kiểm soát tâm trạng
(Ảnh: Nastyaofly)

Các hướng dẫn trên có thể chưa hoàn hảo nhưng chúng có thể giúp ích phần nào cho những người đang trải qua giai đoạn trị liệu ung thư. Mặt khác, những lời khuyên này cũng hữu ích cho bất kỳ ai đang ở trong thời điểm khó khăn của cuộc sống dù đó có liên quan đến sức khỏe hay không. Tất cả chúng ta đều có thể trở thành người lý trí hơn, thiện đãi bản thân hơn, kiểm soát thực tế tốt hơn, đối xử tử tế với những người hỗ trợ mình và tìm được ý nghĩa của cuộc sống. 

Ngọc Chi tổng hợp (Theo Epoch Times)

Xem thêm: