Các thương hiệu mỹ phẩm từ cao cấp đến thông dụng vẫn luôn bị làm giả, tình trạng này có lẽ không khiến bạn ngạc nhiên nữa. Hàng giả không những có thể gây hại trực tiếp đến sức khoẻ người dùng mà còn làm tổn hại đến lợi ích và tâm lý của người mua.

Để giảm thiểu những tổn thất không đáng có này, rất có thể 5 tiêu chí và lời khuyên dưới đây sẽ trở thành ‘kim chỉ nam’ hữu hiệu cho bạn mỗi khi mua sắm mỹ phẩm và nhiều loại hàng hóa khác.

1. Giá thấp hơn giá chính hãng hoặc chiết khấu cao bất thường

Chúng ta đều biết rằng mỹ phẩm chính hãng có giá khá đắt. Đôi khi các nhà bán lẻ chính hãng có chương trình bán giá giảm (chẳng hạn vào các mùa giảm giá thông thường trong năm, hoặc vào các dịp lễ,…). Tuy nhiên, nếu giá được giảm cực kỳ lớn thì đó có thể là dấu hiệu của việc bán hàng giả. Hàng thật không thể được bán với mức chiết khấu 80%. Thật không may, đôi khi giá cao cũng không hoàn toàn đảm bảo đó là hàng chất lượng. Và ngay cả những cửa hàng lớn và phố biến trong thị trường nội địa cũng có thể bán hàng giả.

*Lời khuyên:

Chỉ nên mua mỹ phẩm tại các cửa hàng bán lẻ chính thức được công bố trên website của nhãn hàng. Trước khi mua hàng hãy yêu cầu nhân viên bán hàng cho xem chứng chỉ chất lượng của sản phẩm. Nếu họ từ chối làm điều này thì đơn giản là bạn không nên mua sản phẩm này.

Còn một cách khác là bạn có thể mua hàng ‘online’ trực tiếp từ website chính thức của hãng (nếu có).

2. Thiết kế bao bì, kiểu dáng kém sắc sảo

Một số hàng giả tệ đến nỗi chỉ cần nhìn qua vẻ bề ngoài là có thể khẳng định sự giả mạo của chúng. Tuy nhiên, có những sản phẩm được làm nhái có độ tinh vi cao hơn rất nhiều. Mặc dù vậy, khi xem xét kỹ lưỡng, bạn vẫn có thể phát hiện ra sự nguỵ trang của chúng từ bên ngoài.

Hàng giả là sự nhái lại của hàng thật, cho nên thông thường không đạt được chất lượng về nội dung lẫn hình thức, biểu hiện rõ nhất là hàng giả sẽ không bao giờ đạt được độ sắc sảo và tinh tế ở thiết kế bên ngoài như hàng thật. Nếu một trong những tiêu chí về kích thước, màu sắc, hình ảnh, tỉ lệ, font chữ, v.v… bị sai kém hoặc không hoàn hảo thì tự nó đã phơi bày sự giả mạo của mình.

Ngoài ra, trọng lượng của sản phẩm cũng là một tiêu chí giúp bạn cân nhắc. Nếu sản phẩm ấy cho bạn cảm giác ‘nhẹ như lông vũ’ khi cầm nó trên tay thì rất có thể bạn đang cầm một bản sao mà thôi.

*Lời khuyên:

Hãy ghi chú thật kỹ đặc điểm hình ảnh hàng thật từ website chính hãng, nếu cần có thể lưu hình lại vào điện thoại để tiện việc so sánh khi mua hàng.

Nếu bạn từng sở hữu một sản phẩm thật, hãy mang chúng theo để cảm nhận được độ nặng nhẹ so với món đồ mới trước khi quyết định mua mới.

3. Những chi tiết nhỏ in trên sản phẩm không khớp nhau

Hãy kiểm tra mã vạch (bar code), số seri (serial number) và thành phần (ingredients) của sản phẩm được in trên sản phẩm hoặc vỏ hộp. Nếu là hàng giả thì thông thường 2 hoặc 3 chữ số đầu tiên của mã vạch có thể không khớp với nước xuất xứ được liệt kê trên vỏ hộp hoặc in ngay trên sản phẩm. Ngoài ra, số serial cũng thường bị thiếu hoặc không khớp với số in trên hộp nếu là hàng giả. Nếu bao bì có rất ít thông tin về sản phẩm thì nó cũng không phải là hàng thật. Bởi vì các sản phẩm cao cấp đích thực luôn công khai các thành phần được chỉ định ngay trên bao bì. Không những thế, những thương hiệu mỹ phẩm cao cấp chính hãng thường cung cấp cho khách hàng thông tin bổ sung bằng nhiều ngôn ngữ.

*Lời khuyên:

Hãy bỏ thời gian để kiểm chứng những con số tuy nhỏ nhưng rất có ý nghĩa này. Do đó, việc đối chứng sản phẩm với thông tin và hình ảnh trên webstite chính hãng là rất có giá trị để không bị mua nhầm hàng nhái.

4. Màu sắc và mùi hương bất thường

Nhiều hàng giả được làm ra trệch màu hẳn, thậm chí khác hoàn toàn so với tông màu của hàng thật. Nhưng nếu món đồ giả đó có khả năng đánh lừa thị giác cả người mua thì làm sao? Hãy vận dụng khứu giác để kiểm tra. Thông thường mỹ phẩm thật có mùi hương dễ chịu hoặc thơm nhẹ, trong khi các sản phẩm nhái thì mùi của nó rất tệ, nếu là mùi thơm thì cũng rất gắt, không dễ chịu khi ngửi thử.

*Lời khuyên:

Nên có sự chuẩn bị tìm hiểu thông tin kỹ từ trang web chính hãng trước khi đi mua mỹ phẩm. Hãy sử dụng tất cả thông tin xác thực và tất cả giác quan để kiểm định độ tin cậy của sản phẩm. Ngay khi nơi bán không có hàng thử để bạn kiểm tra thì cách tốt nhất là ngửi thử mùi của nó. Người bán sẽ không thể ngăn bạn làm điều này, phải không?

5. Biểu hiện bề mặt không ‘nhất quán’

Mỹ phẩm chất lượng cao luôn có tính ‘nhất quán’ từ trong ra ngoài, từ hình thức đến nội dung. Chẳng hạn, khi sản phẩm đích thực ghi trên nhãn hàng là ‘matte’ thì hiệu ứng nó tạo ra sẽ không bị bóng. Nhưng nếu là hàng giả thì có thể yếu tố này sẽ không được cân nhắc đến. Rất có thể bao bì vẫn ghi đúng là ‘matte’ nhưng khi thử ra tay lại thấy nó có biểu hiện bóng nhũ hoặc có chứa các hạt lấp lánh trong nó thì đó chính là hàng giả.

Một ví dụ nữa về tính nhất quán đó là, đối với những sản phẩm dạng lỏng (gel, balm, liquid,…) hàng thật thường rất dễ thoa và thấm đều vào da, trong khi hàng giả do không đạt chuẩn về chất lượng nên dễ tạo bợn hoặc không thể hoà tan hoàn toàn vào da. Cảm giác hàng thật thường rất mịn và đồng nhất trong khi hàng giả thì ngược lại, biểu hiện không đồng đều và không liên kết thành một hỗn hợp với nhau.

*Lời khuyên:

Nếu được thử sản phẩm trước khi mua thì bạn đừng ngần ngại thử nó lên tay và cảm nhận bề mặt của nó. Tham khảo những bài viết hoặc video đáng tin cậy trên Internet trước khi đến cửa hàng để mua mỹ phẩm cũng là một cách hay để bạn biết trước được biểu hiện ban đầu của sản phẩm.

Minh Nguyên (T/H)
Theo Bright Side

Xem thêm: