Chìa khóa để có một ngày làm việc hiệu quả là bắt đầu buổi sáng với những thói quen lành mạnh từ 5h hoặc 6h. Thế nhưng không phải ai cũng đủ quyết tâm để xây dựng thời gian biểu tuyệt vời như vậy. Hầu hết chúng ta đều mắc bệnh ‘cú đêm’, và thức dậy vào buổi sáng chính là một cơn ác mộng.

Những mẹo dưới đây không thể hoàn toàn đánh tan nỗi khổ sáng sớm nhưng cũng tác động ít nhiều vào thói quen cũ giúp bạn dễ chịu hơn.

1. Đặt đồng hồ báo thức ở ngoài phòng

Càng tắt báo thức nhiều lần càng làm bạn khó thức dậy hơn. Hành động tắt đồng hồ đó thậm chí trở thành chu kỳ trong giấc ngủ của bạn. Vậy nên càng để lâu, tiếng chuông càng vô dụng. Nếu bạn sử dụng điện thoại làm báo thức, cũng đừng để bên cạnh giường. Dù bạn dùng thiết bị nào để báo thức, hãy để nó ở ngoài phòng của bạn. Khi chuông reo bạn bắt buộc phải đứng lên, đến tận nơi để tắt nó đi.

5 mẹo giúp những ‘cú đêm' bớt ‘khổ’ hơn khi thức dậy vào buổi sáng
(Ảnh: Shutterstock)

2. Để nhạc báo thức bằng âm thanh của tự nhiên

Không có gì đau khổ hơn khi đang trong cơn ngái ngủ mà bị giáng vào đầu tiếng bíp bíp ‘khủng bố’. Bạn nên sắm loại đồng hồ báo thức đặc biệt có tính năng tăng âm lượng dần dần trong vài phút (bắt đầu bằng những âm thanh dìu dặt và từ từ to hơn). Hoặc dùng điện thoại để đặt báo thức liên tiếp, nhưng âm lượng cũng tăng dần đều. Rất nhiều người chọn âm thanh dễ chịu của thiên nhiên như tiếng chim hót, dế kêu, sóng biển… để thức dậy buổi sáng đỡ khó khăn và đỡ nhức đầu hơn.

3. Kéo rèm cửa để ánh nắng lọt vào phòng

Vì bạn đã mất công đặt nhiều lần báo thức trong một buổi sáng, trong lần áp út, hãy với tay để kéo rèm cửa ra một chút. Khi mặt trời lên, ánh sáng rọi vào phòng, kết hợp với tiếng báo thức âm lượng lớn, bạn sẽ có khả năng thức dậy nhanh hơn. Mắt của con người rất nhạy cảm với ánh sáng, chúng sẽ gửi tín hiệu đến bộ não khiến bạn buộc phải thức dậy.

5 điều nên làm sau khi thức dậy
Sau khi thức dậy vào buổi sáng, đầu tiên hãy vận động tay chân rồi mới chậm rãi ngồi dậy, sau đó ngồi trên giường khoảng 3 – 5 phút. (Ảnh: Shutterstock)

4. Tập trung vào việc quản lý năng lượng của bạn vào buổi sáng hơn là thời gian

Nếu bạn có thể xử lý công việc tốt hơn vào lúc 11 giờ sáng và 5h chiều, thì cứ giữ nguyên thói quen như vậy đi. Không ai có thể ép một ‘cú đêm’ phải đặt báo thức đi tập thể dục vào 6h sáng cả. Bạn có thể thử bất cứ hoạt động gì có thể ngay sau khi bạn thức dậy (không nhất thiết phải vào sáng sớm tinh mơ). Viết nhật ký, đọc sách, thiền, đi bộ, làm việc sáng tạo… là một vài hoạt động điển hình tốt cho những người hay thức đêm khi mới ngủ dậy.

5 mẹo giúp những ‘cú đêm' bớt ‘khổ’ hơn khi thức dậy vào buổi sáng
5 mẹo giúp những ‘cú đêm’ bớt khổ khi thức dậy vào buổi sáng. (Ảnh: Shutterstock)

5. Xác định thời gian bạn cần ngủ rồi từ đó lên kế hoạch đi ngủ

Chất lượng giấc ngủ vào đêm hôm trước chính là yếu tố tác động lớn nhất đến sự uể oải của sáng hôm sau. Bạn có thể thử cài báo thức để đánh thức sau 6, 7, 8, 9 hoặc thậm chí 10 giờ ngủ, miễn là sau giấc ngủ đó bạn thấy khoan khoái vào buổi sáng. Hầu hết người lớn cần khoảng 7 đến 9 giờ ngủ mỗi đêm. Khi bạn xác định được mình cần ngủ bao nhiêu, hãy đặt đồng hồ báo thức khi bạn cần thức dậy và trừ đi số giờ bạn cần ngủ từ thời gian thức dậy đó. Ví dụ, nếu bạn muốn thức dậy lúc 6:00 sáng và cần 8 giờ ngủ, thì bạn phải cố gắng đi ngủ lúc 10 giờ tối.

Minh Minh

Xem thêm: