Những câu chuyện ngắn dưới đây rất hài hước nhưng hàm chứa triết lý sâu sắc trong đó.

1. Lặp đi lặp lại

luat su 2
(Ảnh: Artbesouro/ shutterstock)

Khi Lincoln còn là một luật sư, ông đã từng xuất hiện với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo. Luật sư của nguyên đơn lặp lại lập luận đơn giản tại tòa trong hơn hai giờ đồng hồ khiến khán giả không thể kiên nhẫn được nữa. Cuối cùng, đến lượt Lincoln bào chữa cho bị cáo. Sau khi bước lên bục, trước tiên ông cởi áo khoác đặt lên bàn, sau đó cầm ly uống vài ngụm nước, sau đó lại mặc áo khoác, uống nước rồi lại cởi áo khoác… Mấy việc này cứ lặp đi lặp lại 5-6 lần, khiến khán giả trong phòng xử án cười ngặt nghẽo. Lincoln không nói một lời nào, và chỉ bắt đầu bài phát biểu biện hộ của mình sau tràng cười của khán giả.

Triết lý rút ra: Im lặng tốt hơn nói nhiều, và đôi khi hành động có thể truyền tải thông tin mạnh mẽ hơn lời nói. 

2. Sản phẩm nổi bật của đất nước bạn

xe taxi
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Du khách Nhật nói với tài xế taxi ở Mumbai (Ấn Độ): “Xe taxi của các anh đi quá chậm, taxi Nhật đi rất nhanh.” “Xe buýt các anh chạy quá chậm, xe buýt ở Nhật chạy nhanh hơn nhiều”. Một lúc sau, tại điểm đến, lúc trả tiền xe, người khách Nhật liền hét lên: “Đồng hồ tính phí của anh chạy nhanh quá.” “Vâng, thưa anh”, người lái xe taxi nói, “Đồng hồ này được sản xuất tại Nhật!”

Triết lý rút ra: Ca ngợi quá nhiều về mặt cảm tính thường là cách dễ dàng nhất để bị người khác lợi dụng và biến nó thành căn cứ để tấn công ngược lại chúng ta. 

3. Dễ quên

Bệnh nhân: “Thưa bác sĩ, trí nhớ của tôi ngày càng kém.” 

Bác sĩ: “Kém đến mức nào? Xin cho một ví dụ.” 

Bệnh nhân: “Lên xe cứ quên mua vé, vào quán ăn thì quên luôn không trả tiền.”

Bác sĩ: “Vậy, bạn thanh toán hóa đơn y tế của bạn trước, sau đó, tôi sẽ khám bệnh cho bạn.”  

Triết lý rút ra: Khi hành vi của chúng ta tạo ra sự lo ngại cho người khác, điều đó thường có nghĩa là chúng ta đã cho người khác thấy sự kém cỏi của bản thân đến mức khiến người khác cảm thấy khó chịu, dù bằng lời nói hay hành động.

4. Vai hề được trả “gấp đôi”

chu he
Chú hề. (Ảnh: Alexander Raths/ Shutterstock)

Có lần, vào lúc chương trình biểu diễn ở một rạp xiếc nổi tiếng của Nga bị gián đoạn, một khán giả rất kiêu ngạo đi đến chỗ người đóng vai hề, và mỉa mai hỏi: “Anh hề, có phải khán giả rất hoan nghênh anh không?” 

“Cũng tạm!” Anh hề trả lời

“Một chú hề không phải là có một khuôn mặt ngu ngốc và xấu xí để được nổi tiếng trong rạp xiếc sao?” Người kia hỏi tiếp.

“Quả là như thế,” anh hề nói tiếp, “Nếu tôi có thể có một khuôn mặt giống như của bạn, tôi sẽ nhận được một mức lương gấp đôi!” 

Triết lý rút ra: Đừng bao giờ cố gắng công kích người khác bằng những lời mỉa mai. Nếu không, ngay khi bạn nói, bạn có thể sẽ lập tức trở thành trò cười từ những công kích của chính mình.

5. Thăm viếng

Một nam thanh niên đi thăm người bệnh, vừa đến nhà họ, anh liền nói: “Bên ngoài gió lớn quá! Tôi đi một bước thì liền lùi hai bước, ngã lăn lê bò lết mới đến nhà của anh được …” 

“Khoan đã,” bệnh nhân nói, “Làm thế nào bạn đến chỗ tôi nếu bạn tiến một bước mà lại lùi hai bước được?” 

“Ồ, đó là những gì đã xảy ra,” người thanh niên nói, “Tôi đang trên đường về nhà, vừa đi và lùi mới đến chỗ bạn được.” 

Triết lý rút ra: Nói dối quá đà có lẽ không hề khó, điều khó là lấp liếm được lời nói dối đã bị bại lộ đó.

6. Sai lầm của tay quyền anh

Một võ sĩ vạm vỡ đến một nhà hàng ăn tối, anh cởi áo khoác treo lên cửa mà lại sợ người khác lấy mất, nên để lại trên áo một tờ giấy ghi dòng chữ: “Đây là áo khoác của võ sĩ quyền anh lực lưỡng hơn người khác, anh sẽ quay lại sau một lúc nữa.” Sau đó, anh tự tin đi ăn tối. Khi anh ăn cơm xong đi lấy áo khoác thì nó đã biến mất, chỉ để lại một tờ giấy ghi: “Vận động viên chạy bộ xuất sắc đã lấy áo khoác, anh ấy không trở lại nữa!” 

van dong vien chay
(Ảnh: Carmela Abella/ Shutterstock)

Triết lý rút ra: Mỗi người đều có thế mạnh của riêng mình, bạn có thể có những gì người khác không có và cũng có thể không có những gì người khác có. Đừng luôn tập trung vào ưu điểm của bản thân mà bỏ qua những khuyết điểm. Việc nhìn ra ưu điểm của người khác và phát hiện ra khuyết điểm của bản thân cũng rất quan trọng.