Cảnh thường gặp trong các “gia đình thời đại số” là cha xem TV – mẹ dùng laptop – con nghịch smartphone. Không kiểm soát thời gian tiếp xúc với ánh sáng xanh là một trong những nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh về mắt cho trẻ em.

Vì các con quá nhỏ không thể hiểu hết được thay đổi trong cơ thể mình, cha mẹ cần chú ý nếu thấy có biểu hiện bất thường thì phải đưa con đi kiểm tra mắt ngay.

1. Nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn bảng hoặc xem TV

Đây không chỉ là dấu hiệu của cận thị, nó còn cảnh báo các vấn đề về mắt khác như viễn thị, loạn thị hay nhược thị. Những người bị tật khúc xạ (viễn thị, cận thị, loạn thị, lệch khúc xạ) nhưng không được phát hiện sớm, thị lực hai mắt không đều, đeo kính không đúng số cũng có nguy cơ chuyển sang nhược thị. Bệnh nhân thường chỉ tình cờ phát hiện mờ một hoặc hai mắt do tự che mắt để so sánh, hoặc nheo một mắt, nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có nhức đầu nhức mắt, chóng mặt.

chăm sóc mắt, cận thị, mỏi mắt
(Ảnh: Shutterstock)

Việc điều trị nhược thị cho trẻ trước 4 tuổi chỉ mất 5-7 ngày, lâu hơn là hàng tuần hoặc hàng tháng. Trẻ từ 7 tuổi trở lên mới được phát hiện và điều trị, cơ hội chữa khỏi bệnh hầu như không còn. Sau 1-2 năm mắc bệnh, thị lực của người bệnh sẽ giảm nhiều, thậm chí xuống mức 1/50, 1/100.

2. Nhạy cảm với ánh sáng

Một số người chỉ cảm thấy khó chịu từ ánh sáng chói, trong khi những người khác không thể chịu được bất kỳ loại ánh sáng nào, cho dù đó là ánh sáng mặt trời, ánh sáng huỳnh quang, đèn sợi đốt, hoặc ngọn lửa nến. Một số người mắt nhạy cảm với ánh sáng có xu hướng nheo mắt hoặc nhắm mắt khi tiếp xúc với ánh sáng. Nhạy cảm với ánh sáng là triệu chứng thường gặp khi bị khô mắt, viêm màng bồ đào, bệnh giác mạc hình chóp, mài mòn giác mạc, viêm giác mạc, đau nửa đầu, viêm kết mạc dị ứng…

thị lực, chăm sóc mắt, cận thị, mỏi mắt
(Ảnh: Shutterstock)

 

3. Dụi mắt

Nguyên nhân trẻ dụi mắt có thể là bị viêm kết mạc do vi trùng hay bị dị ứng, dị vật kết mạc, sạn vôi; hoặc cũng có thể do mắt bị lông mi rơi vào trong. Trẻ còn thường dụi mắt khi mệt mỏi hay buồn bực. Nếu con bạn dụi mắt khi cố tập trung nhìn vào vật gì đó hoặc đang vui chơi, thì bạn cần nghĩ tới vấn đề về thị lực của trẻ. Để giảm bớt sự khó chịu, cha mẹ nên dùng nước muối sinh lý nhỏ mắt cho trẻ đỡ ngứa, rửa tay sạch sẽ để vi khuẩn không xâm nhập khi con đưa tay lên mắt. Nếu thấy tình trạng dụi mắt ở trẻ thường xuyên diễn ra, thậm chí mắt ửng đỏ. Gia đình nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện, các cơ sở y tế để điều trị kịp thời an toàn.

4. Liên tục dùng ngón tay khi đọc chữ

Khi mới bắt đầu học chữ, cô giáo dạy các con chỉ vào từng từ để đọc cho đỡ nhầm là việc bình thường. Nhưng khi con liên tục chỉ vào chữ trong thời gian dài, lại có dấu hiệu nheo mắt hoặc cúi gằm sát vở thì cha mẹ cần đưa con đi kiểm tra mắt ngay lập tức.

chăm sóc mắt, cận thị, mỏi mắt
(Ảnh: Unsplash)

5. Mỏi mắt

Trẻ thường xuyên dùng máy vi tính hay các thiết bị điện tử khác rất hay bị mỏi mắt. Sau khi sử dụng máy tính trong nhiều giờ, mắt chúng thường mệt mỏi vì các cơ phải hoạt động liên tục để nhận biết và quan sát nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau. Theo các chuyên gia tư vấn, bạn nên áp dụng quy tắc 20-20-20 cho con: đó là cứ sau 20 phút làm việc với máy tính, hãy nhìn vào một vật nào đó trong 20 giây ở cách xa 20 feet (khoảng 6m). Nguyên tắc này áp dụng được với tất cả mọi người. Sự nghỉ ngơi này sẽ giúp mắt và hệ thần kinh được thư giãn. Nếu bé vẫn kêu mỏi mắt thì cần đưa bé đi khám bác sĩ.

Ngoài ra, nếu bé có tật thường xuyên nhắm một mắt thì đó có thể là dấu hiệu của tật khúc xạ hay có vấn đề về thị lực, ảnh hưởng tới khả năng phối hợp đồng bộ hai mắt.

thị lực, chăm sóc mắt, cận thị, mỏi mắt
(Ảnh: Shutterstock)

6. Ngồi sát TV hoặc cầm sách gần mắt

Ngồi sát TV hoặc cầm sách gần mắt kết hợp thêm biểu hiện nheo mắt để điều chỉnh tầm nhìn, khả năng bé nhà bạn mắc bệnh cận thị là rất cao. Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt. Người bị cận thị sẽ gặp khó khăn trong việc nhìn và ghi nhận các chi tiết hình ảnh ở xa, phải cố gắng điều tiết để thấy rõ. Đây là một tật khúc xạ thường gặp nhất, đặc biệt là ở lứa tuổi đi học, thanh thiếu niên.

Tật cận thị thường không cần phẫu thuật hay can thiệp nhiều, điều chỉnh kính là phương pháp an toàn và hiệu quả nhất cho trường hợp này. Kính đeo cho người cận thị là thấu kính phân kỳ, chọn kính có độ (diop) thấp nhất cho thị lực tối đa. Không nên đeo quá liên tục và kiểm tra định kỳ mỗi 3-6 tháng để tránh lên độ cận.

Minh Minh

Xem thêm: