Thường được gắn mác “thực dụng” nhưng tiền bạc nếu dùng đúng cách vẫn có thể mang đến những giá trị vô hình dài lâu. Mỗi người chúng ta đều có những ưu tiên khác nhau trong đời, không ai giống ai. Vậy nên, những thứ được cho là đáng chi tiền trong quan điểm của mỗi người cũng lại không như nhau. đáng chi tiền

Thành ngữ từ xưa đã có câu: “Có tiền mua tiên cũng được.” Ngày nay cũng lại nói một cách hài hước: “Những gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.” Trong thế giới mà các giá trị vật chất đang lên ngôi này, hầu như ai cũng ngầm gật gù với điều đó. Đồng tiền đã trở thành mục tiêu của cuộc sống, thành thước đo của nhiều giá trị quan. Đơn giản vì tiền dễ tính, dễ đếm và rất dễ ‘khoác lên’ người.

Thế nhưng gần đây, một doanh nhân nổi tiếng lại đưa ra một phát ngôn gây xôn xao dư luận: “Tiền nhiều để làm gì?” Quả là một câu hỏi lạ lẫm, và cũng đáng để ngẫm nghĩ.

Tuy nhiên chúng ta không nhất thiết cứ phải đứng trên hai thái cực đối lập để nhìn nhận một vấn đề. Tiền không thể mua được tất cả nhưng tiền nhiều cũng không phải là không để làm gì. Thay vào đó, hãy suy nghĩ làm sao để dùng tiền vào những mục đích thật sự có ý nghĩa với đời sống của mình một cách thông minh hơn.

Mỗi ngày chúng ta đều cố gắng tính toán sao cho tiền chi ra phải thật hợp lý nhất. Nhưng phần lớn lại đánh đồng khái niệm “hợp lý nhất” với “ít tốn kém nhất”. Thực tế đôi lúc trái lại, những mặt hàng hoặc dịch vụ đắt đỏ lại mang đến những trải nghiệm đáng giá nhất, trong khi bỏ tiền mua nhiều thứ giá rẻ lại là sự lãng phí lớn hơn.

Chuyên gia tài chính “Stefanie O’Connell” – tác giả cuốn sách “Cuộc sống hạnh phúc và tươi đẹp” (The Broke and Beautiful Life) cho hay: “Hầu hết chúng ta đều tiêu tiền vào những thứ chúng ta không thực sự quan tâm và cũng không có mấy ý nghĩa, nhưng chúng ta lại không nhận ra.” Chuyên gia đã gợi ý một cách để phát hiện thói quen này. Trước tiên, hãy lên danh sách những ưu tiên của bạn trong cuộc sống. Sau đó theo dõi những gì mà bạn chi tiêu (có thể bằng một ứng dụng điện thoại hoặc chỉ đơn giản là giấy và bút). Và so sánh xem, số tiền mà bạn tiêu thường xuyên có phải dành cho những việc bạn ưu tiên không?

Roger Ma, cũng là một nhà hoạch định tài chính đã chia sẻ rằng: “Trước khi chi quá nhiều tiền cho một món hàng hoặc dịch vụ nào đó, nên dành thời gian tìm hiểu xem liệu nó có mang lại giá trị gì cho bạn không. Nó có giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn? Có giúp bạn đỡ phải làm những việc bạn không thích? Có khiến bạn thấy tự tin hơn? Bạn sẽ nhớ mãi về trải nghiệm khi sử dụng món đồ hoặc dịch vụ đó chứ?

Dưới đây là 6 thứ “đắt đỏ” mà theo O’Connell và Ma là hoàn toàn đáng chi tiền. 

1. Giáo dục

Tại Mỹ, giáo dục được xem là một dịch vụ đắt đỏ. Khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp đại học với một khoản nợ vay sinh viên; và người ta vẫn luôn tranh luận rằng liệu có đáng để trả chi phí cho các hình thức giáo dục bậc cao như vậy không. Tuy nhiên các chuyên gia khẳng định, nếu phải chọn ra thứ gì đáng giá nhất trong đời người để chi trả thì đó chính là giáo dục.

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Bé chẳng học, lớn làm gì?” Thật vậy, đầu tư vào đâu cũng không bằng đầu tư vào bản thân, hơn nữa còn phải ngay từ tấm bé. Và giáo dục là một hình thức đầu tư tuy dài hơi nhưng lại bền vững nhất.

Nhiều người thường có xu hướng thích những gì sinh lợi ngay trước mắt nên họ không nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục. Thực tế cho thấy một người được học hành tử tế từ thời trẻ, đến khi trưởng thành bản thân họ đã là nguồn vốn có thể khai thác cả đời. Họ có khả năng kiếm tiền bằng chính năng lực của mình và có quyền đòi hỏi thù lao xứng đáng. Hơn nữa việc tích lũy tri thức giúp đời sống tinh thần và các mối quan hệ trở nên thú vị, hấp dẫn hơn.

2. Du lịch

Rất nhiều người có tiền nhưng họ chẳng thích đi đâu cả. Họ thà chi tiền cho việc mua sắm mà thấy thực tế hơn. Nhưng bạn ơi, vật chất rồi cũng sẽ hao mòn đi, trải nghiệm mới chính là món hàng quý giá nhất trong cuộc đời, nên cũng đáng chi tiền hơn một chút.

Có bao giờ bạn tò mò về cành cây, ngọn cỏ trên mảnh đất kia trông như thế nào? Xã hội, con người nơi đó sống ra sao? Nếu đặt chính bạn vào chốn xa lạ ấy liệu bạn sẽ có phản ứng gì? Cái thế giới quan nhỏ bé của bạn nơi đây có đang kìm hãm bản ngã của bạn chăng?

Tiểu thuyết gia Gustave Flaubert từng viết một câu rất hay: “Du lịch khiến một người trở nên khiêm tốn. Bạn sẽ nhận ra bạn chỉ chiếm được một nơi rất nhỏ bé trên thế giới này.

3. Một tấm nệm

Trung bình một người dành gần 1/3 cuộc đời của mình để ngủ. Và lợi ích của một giấc ngủ ngon sau ngày dài mệt nhọc chắc hẳn ai ai cũng tự cảm nhận được. Thế nhưng không phải ai cũng biết cách ngủ. Đối với nhiều người, mất ngủ đã trở thành một nỗi kinh hoàng.

Vậy nên bạn còn ngại gì mà không sắm cho mình một tấm nệm thật “xịn”. Nghiên cứu cho thấy chất lượng của chăn nệm thật sự ảnh hưởng đến chất lượng của giấc ngủ. Và chất lượng của giấc ngủ mỗi ngày ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của bạn trong dài hạn.

4. Quần áo vừa người

Thay vì đau đầu với những tờ hóa đơn chi trả cho các món thời trang hàng hiệu, hay mệt nhọc suy nghĩ về những kiểu dáng phô trương, hãy tập trung đi tìm một bộ cánh thật vừa vặn với cơ thể mình.

Bất kể nhà thiết kế đã “phù phép” thế nào, nếu quần áo không vừa người thì bạn mặc sẽ không đẹp. Đơn giản vậy đó, nhưng nhiều bạn vẫn cố tình chạy đua theo các mốt thời thượng thậm chí khi mặc vào trông rất lố bịch.

Nếu đằng nào cũng phải chi tiền thì nên hiểu mình thật sự cần gì và chọn món đồ phù hợp với bản thân. Quần áo vừa vặn tạo nên sức khác biệt rất lớn. 

5. Các dịch vụ giúp tiết kiệm thời gian

Thời gian là thứ một khi đã trôi qua thì bạn không bao giờ lấy lại được, nên phải tiết kiệm thôi.

Nếu bạn đang làm một công việc đòi hỏi quá nhiều thời gian (thậm chí nếu không) thì một trong những cách giúp tiết kiệm thời gian hữu hiệu là thuê ngoài một số dịch vụ.

Bạn có thể trả tiền cho ai đó dọn dẹp, sơn hay sửa chữa nhà cửa. Nếu sống ở những thành phố lớn thì bạn có thể tận dụng các dịch vụ giao hàng (thực phẩm, quần áo…). Đây là các công việc đơn giản, ai làm cũng được nhưng lại tốn khá nhiều thời gian. Tại sao bạn không thuê ngoài, nó cũng đáng chi tiền chứ nhỉ?

Tiết kiệm thời gian bằng cách này giúp bạn tập trung hơn vào những công việc đòi hỏi kỹ năng và khối óc hay chỉ đơn giản là bạn sẽ có thêm vài giờ để nghỉ ngơi.

6. Các sản phẩm tốt cho sức khỏe

Người ta nói: “Đừng bao giờ dùng hết sức khỏe của bạn chỉ để đối lấy đồng tiền.” Nhưng bạn hoàn toàn có thể dùng đồng tiền để đổi lấy sức khỏe cho bản thân.

Nếu phải chi trả thêm một ít cũng không sao, hãy chọn mua những loại thực phẩm an toàn cho sức khỏe và đăng ký các khóa học nâng cao thể chất. Sức khỏe mà không đáng chi tiền thì còn gì quan trọng hơn nữa?

Đỗ Hoàng tổng hợp (Theo Audrey Noble)