Nếu muốn con trẻ lớn lên khỏe mạnh cứng cáp thì cần phải đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh và ngủ đủ – ngon giấc. Giấc ngủ của trẻ không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm sinh lý.

Khi ru con ngủ, các bậc phụ huynh đừng phạm phải 6 điều nguy hiểm sau đây:

1. Đặt đầu trẻ trong chăn khi ngủ vào mùa đông

Mức độ nguy hiểm: 4 sao

trẻ sơ sinh ngủ
(Ảnh: Pixabay)

Vào mùa đông hoặc đầu xuân, thời tiết khá lạnh, các mẹ thường kê đầu của trẻ bên trong chăn bông để giữ ấm, thật ra điều này rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.

Độ ẩm bên trong chăn khá cao, cộng thêm quá trình bài tiết của trẻ nhỏ diễn ra nhanh dễ dẫn đến chứng “hội chứng hầm”, khiến trẻ đổ nhiều mồ hôi, thậm chí là kiệt sức. Ngoài ra còn có thể khiến trẻ hô hấp khó khăn hoặc ngạt thở.

Khi ngủ, nên để phần đầu của trẻ ra bên ngoài chăn để tránh xảy ra sự cố ngoài ý muốn.

2. Để trẻ ngủ mà không mặc quần áo vào mùa hè

Mức độ nguy hiểm: 3 sao

tre so sinh ngu 4
(Ảnh: Pixabay)

Vào mùa hè thời tiết nóng nực, một số bà mẹ thường cho trẻ không mặc quần áo khi đi ngủ để trẻ được mát mẻ. Thế nhưng khả năng điều hòa thân nhiệt của trẻ nhỏ khá kém, cơ thể dễ bị lạnh, đặc biệt là phần bụng, nếu bị lạnh sẽ làm tăng nhu động ruột, gây tiêu chảy.

Vào mùa hè, dù thời tiết nóng bức cũng không nên để trẻ không mặc quần áo khi ngủ, các mẹ có thể đắp một lớp áo hay chăn mỏng che ngực và bụng của trẻ, hoặc cho trẻ mặc yếm để giữ ấm bụng của trẻ.

3. Bế con trong lòng và đung đưa mạnh khi trẻ khóc đêm

Mức độ nguy hiểm: 5 sao

trẻ sơ sinh
(Ảnh: Shutterstock)

Khi trẻ quấy hoặc ngủ không yên giấc vào ban đêm, một số bà mẹ trẻ thường sẽ đung đưa nôi hoặc bế vào lòng rồi đung đưa trẻ, con khóc càng lớn thì các mẹ lại càng đung đưa mạnh hơn đến khi trẻ ngủ thì thôi.

Thật ra việc này vô cùng có hại cho trẻ, bởi vì động tác đung đưa mạnh sẽ khiến bộ não chưa phát triển của trẻ liên tục bị lắc bên trong hộp sọ và va chạm với thành hộp sọ gây vỡ mạch máu não, chấn thương sọ não, xuất huyết nội sọ. Nếu nhẹ sẽ xuất hiện triệu chứng co giật, giảm trí lực, tê liệt tay chân; nếu nặng sẽ gây sưng phù não, thoát vị não dẫn đến tử vong.

Nếu võng mạc mắt bị ảnh hưởng sẽ làm giảm thị lực hoặc gây mù lòa. Vì vậy việc đung đưa mạnh để ru con là một sai lầm lớn, nhất là đối với các bé từ 10 tháng tuổi trở xuống.

4. Mẹ ngủ cùng con

Mức độ nguy hiểm: 3 sao

trẻ sơ sinh ngủ
6 việc nguy hiểm không nên làm khi cho trẻ sơ sinh ngủ. (Ảnh: Pixabay)

Các mẹ hãy “buông tay khi cần buông”, ngay từ khi con trẻ chào đời, cha mẹ đã nên tích cực khích lệ trẻ tự ngủ một mình để dần hình thành thói quen. Dù trong giai đoạn sơ sinh cũng không nên ngủ chung giường với mẹ. Bởi vì khi mẹ ngủ say, chỉ cần một phút bất cẩn cũng có thể sẽ đè lên người con, khiến trẻ bị ngạt thở dẫn đến tử vong. Theo một cuộc khảo sát của Mỹ cho thấy, việc để con tự ngủ một mình sẽ giảm đến 60% tỷ lệ đột tử ở trẻ nhỏ.

Ngoài ra, khi ngủ cùng mẹ suốt một khoảng thời gian dài, trẻ sẽ có tâm lý “bám mẹ”, khi đến độ tuổi mầm non hoặc thậm chí là khi lên tiểu học sẽ khó mà dứt khỏi mẹ cũng như khó hình thành tính cách độc lập ở con trẻ, không có lợi cho sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Việc rèn cho trẻ thói quen tự ngủ một mình nên bắt đầu từ lúc 1 tuổi, lúc này trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn và đã có ý thức nhất định.

5. Để mặc cho bé nằm sấp khi ngủ

Mức độ nguy hiểm: 5 sao

trẻ sơ sinh ngủ
(Ảnh: Pixabay)

Các chuyên gia nhận thấy rằng hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh có liên quan đến tư thế ngủ của trẻ, đặc biệt nằm sấp khi ngủ là nguy hiểm nhất. Nguyên nhân là do trẻ nhỏ thường không tự trở mình khi ngủ, cũng như không tự tránh được chướng ngại vật chắn ở mũi hoặc miệng, do đó khi đường hô hấp bị cản trở, trẻ chỉ có thể hít thở được rất ít oxy nên bị thiếu oxy. Bên cạnh đó, do cơ quan tiêu hóa chưa phát triển toàn diện, khi nhu động dạ dày, áp lực bên trong dạ dày tăng cao, thức ăn sẽ bị trào ngược, gây tắc nghẽn đường hô hấp vốn dĩ đã bị ép rất hẹp của trẻ và dẫn đến tử vong.

Tư thế ngủ an toàn nhất đối với trẻ sơ sinh là nằm ngửa, tư thế này giúp đường hô hấp của trẻ thông thoáng, tránh được việc trẻ đột tử ở một mức độ nhất định. Theo thống kê, sau khi phương pháp nằm ngửa khi ngủ được phổ biến ở Mỹ, tỷ lệ xảy ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh đã giảm mạnh, từ con số 5000 trẻ/năm giảm xuống còn chưa đến 3.000 trẻ, điều này đáng được các mẹ lưu ý. Thế nhưng các mẹ cũng nên thường xuyên điều chỉnh tư thế ngủ của trẻ nhằm tránh để phần đầu bị móp.

6. Ôm con khi ngủ

Mức độ nguy hiểm: 4 sao

trẻ sơ sinh
(Ảnh: Pixabay)

Có những bà mẹ lo lắng con nhỏ ngủ một mình sẽ xảy ra việc ngoài ý muốn nên thường ôm con khi ngủ. Thật ra việc này sẽ gây nguy hiểm tiềm tàng cho trẻ. Ôm trẻ khi ngủ sẽ khiến trẻ hô hấp khó khăn, trẻ khó hít thở được không khí trong lành, chỉ có thể hít vào không khí ô nhiễm bên trong chăn, từ đó dễ sinh bệnh.

Đồng thời, mẹ ôm con ngủ sẽ hạn chế hoạt động tự do của trẻ trong lúc ngủ, khiến con khó co dãn cơ thể, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, nếu mẹ ngủ quá say thì còn có nguy cơ chèn vào đường hô hấp của trẻ, gây hậu quả nghiêm trọng như ngạt thở.

Ngoài ra, việc cho con bú cũng dễ dàng hơn vì có mẹ ở ngay bên cạnh, thế nhưng điều này có thể sẽ khiến trẻ tập thành thói quen không tốt đó là vừa tỉnh dậy là được bú sữa ngay, khó tập thành thói quen cho ăn đúng giờ, gây ảnh hưởng đến mức độ thèm ăn và chức năng tiêu hóa của trẻ.

Thanh Vân (Theo Vision Times tiếng Trung)

Xem thêm: