Biết cách lắng nghe sẽ giúp bạn cải thiện các mối quan hệ cá nhân, công việc, xã hội. Đặc biệt trong thời đại giao tiếp chủ yếu qua màn hình, việc dành sự chú ý và thực sự lắng nghe người khác trực tiếp càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

lắng nghe
(Ảnh: fizkes/ shutterstock)

Trong thời đại kỹ thuật số, việc tập trung sự chú ý và lắng nghe người khác là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Chúng ta được tiếp cận thông tin từ rất nhiều nguồn, giữa tất cả những ồn ào, chúng ta muốn được lắng nghe nhưng lại không thích lắng nghe người khác.

Tại sao cần phải trở thành một người biết cách lắng nghe?

Biết cách lắng nghe là một kỹ năng vô giá có thể mang lại lợi ích cho nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của bạn như các mối quan hệ, công việc, tương tác hàng ngày và sự phát triển cá nhân.

1. Lắng nghe giúp tạo dựng niềm tin

Những người đang có nhu cầu muốn được lắng nghe có thể nhận ra ai đang thực sự để tâm đến họ. Thật khó chịu khi bạn dốc lòng tâm sự với một người trong khi họ chẳng để ý đến những gì bạn nói. Những người biết cách lắng nghe có thể khiến người khác cảm thấy yên tâm, thoải mái, từ đó gây dựng lòng tin và khiến họ cởi mở chia sẻ nhiều hơn nữa. 

2. Giảm thiểu hiểu lầm, xung đột

Nếu bạn không nghe toàn bộ câu chuyện thì bạn chỉ có thể hiểu được một phần vấn đề, thậm chí hiểu sai, nhớ nhầm. Bạn có thể tránh được rất nhiều hiểu lầm tiềm ẩn chỉ bằng cách lắng nghe cẩn thận.

Không tập trung lắng nghe người khác có thể dẫn đến xung đột. Khi một người đang cố gắng truyền đạt điều gì đó và bạn tỏ ra không quan tâm, họ sẽ cảm thấy không được tôn trọng. Nếu tình trạng này tiếp tục, họ sẽ cảm thấy bạn không đáng để họ mất thời gian và sau đó họ cũng sẽ không nghe bạn nói nữa. 

3. Xây dựng mối quan hệ bền chặt

Vì mọi người học tập, làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau nên chắc chắn sẽ có những ý kiến khác nhau. Một người biết cách lắng nghe sẽ sẵn lòng gác quan điểm của mình sang một bên để tiếp thu quan điểm của người khác. Đây là nền tảng để nuôi dưỡng sự đồng cảm.

Những người biết lắng nghe và đồng cảm có thể dễ dàng kết nối với người khác và xây dựng các mối quan hệ bền chặt vì họ thực sự quan tâm đến đối phương, họ biết cách làm giảm thiểu xung đột và thúc đẩy lòng tin của mọi người. Biết cách lắng nghe sẽ giúp bạn cải thiện chất lượng của tất cả các tương tác hàng ngày (với đồng nghiệp, khách hàng, bạn bè hoặc gia đình của bạn).

4. Cải thiện năng suất và khả năng lãnh đạo

Lắng nghe không chỉ quan trọng đối với các kỹ năng xã hội mà còn giúp cải thiện khả năng hiểu và lưu giữ thông tin của bạn. Thay vì tập trung vào những gì muốn nói, một người biết lắng nghe sẽ tích cực tiếp thu và xử lý thông tin, đặt câu hỏi để làm rõ và tạo ra các kết nối quan trọng, thúc đẩy trí nhớ và vận dụng những kiến thức thu được.

Mặc dù khả năng nói chuyện, thuyết trình tốt thường được coi là chìa khóa để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, nhưng trên thực tế thì việc biết cách lắng nghe cũng quan trọng không kém (nếu không muốn nói là quan trọng hơn). Lắng nghe là cách bạn thể hiện sự tôn trọng đối với người khác. Ở phía ngược lại, đối phương cũng sẽ dành sự tôn trọng cho bạn.

Bằng cách nỗ lực thấu hiểu người khác, bạn cũng đang củng cố kỹ năng và kiến thức của chính mình, kết hợp với các hiểu biết tổng thể về tập hợp các quan điểm, bạn sẽ đưa ra được các giải pháp hữu hiệu hơn để giải quyết các xung đột.

Làm thế nào để có thể lắng nghe người khác?

Lắng nghe là một kỹ năng mà bạn có thể học được, nhưng bạn cần kiên nhẫn và học cách rèn luyện bản thân. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn cải thiện khả năng lắng nghe.

shutterstock 409749292
(Ảnh: stockfour/ Shutterstock)

1. Dành sự chú ý cho đối phương

Điều đầu tiên bạn cần làm là học cách tập trung vào người đang nói. Để tránh bị phân tâm, bạn hãy tắt điện thoại và gạt bỏ các mối quan tâm cá nhân sang một bên. Hãy duy trì giao tiếp bằng mắt với người nói, giữ tư thế chăm chú, đừng tỏ ra bồn chồn hoặc buồn chán.

2. Lắng nghe một cách tích cực 

Những người biết cách lắng nghe không chỉ nghe các lời nói được nói ra, mà họ liên tục xử lý, thấu hiểu và giải thích ý nghĩa của chúng. Bạn cũng nên quan sát và sử dụng các tín hiệu phi ngôn ngữ (như gật đầu, biểu cảm khuôn mặt) để câu chuyện của các bạn có thể phát triển sâu hơn.

3. Đừng vội kết luận

Người biết cách lắng nghe sẽ không vô duyên vô cớ ngắt lời người khác. Nếu bạn vội vàng đưa ra những nhận xét khi chưa nghe hết câu chuyện thì có thể bạn sẽ đánh giá sai lầm và làm người khác khó chịu. Vì vậy bạn hãy kiên nhẫn và để người nói nói hết suy nghĩ của họ trước khi trả lời.

4. Đồng cảm

Bạn hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của người nói và hiểu quan điểm của họ. Bằng cách xem xét lại những hiểu biết của bạn về người đó, kết hợp với những tín hiệu phi ngôn ngữ của họ đang thể hiện với bạn, bạn có thể hiểu rõ hơn về cảm xúc và nhu cầu của họ.

5. Hãy cởi mở

Không đồng tình với quan điểm của ai đó là chuyện bình thường, nhưng hãy cố gắng tiếp cận cuộc trò chuyện với tinh thần cởi mở và sẵn sàng học hỏi. Những người biết cách lắng nghe sẽ không chỉ trích hoặc đánh giá quan điểm của người khác, ngược lại họ sẽ tiếp thu hiểu biết của người ta để mở rộng tầm nhìn của chính mình. Xét cho cùng, nếu tất cả chúng ta đều nghĩ giống nhau thì sẽ chẳng có gì để bàn luận và chẳng có gì để học hỏi.

6. Đừng sợ những khoảng lặng

Trong những cuộc trò chuyện sâu sắc, đôi khi người nói cần phải tạm dừng để suy nghĩ. Khi sự im lặng xuất hiện, chúng ta thường cố gắng lấp đầy sự gượng gạo bằng cách nói đại một chuyện gì đó, nhưng điều này sẽ khiến mạch câu chuyện sâu sắc bị phá vỡ. Một người biết lắng nghe sẽ đưa ra một câu hỏi thích hợp hoặc nói một lời động viên để đối phương hiểu rằng họ vẫn đang được lắng nghe.

7. Suy ngẫm về những gì người nói đang nói

Bạn nên diễn giải hoặc tóm tắt các điểm quan trọng trong câu chuyện của người nói để họ biết bạn đang hiểu đến đâu, có cần được làm rõ ở phần nào không. Hãy đảm bảo câu trả lời của bạn có ý nghĩa và liên quan đến những gì họ nói. Điều này cho thấy bạn đang tập trung vào cuộc trò chuyện và sẽ khiến đối phương tự tin chia sẻ thêm suy nghĩ của họ.

Minh Minh, Vision Times

  • Mời xem video: 8 điều nhỏ nhặt khiến bạn trở nên có văn hóa hơn