Bộ não con người sản sinh từ 60.000 đến 70.000 ý nghĩ một ngày, rất nhiều trong số đó là những suy nghĩ tiêu cực:

Mình làm việc này dở tệ!

Tìm đâu ra người tốt đây?

Việc này khó quá, sao làm nổi?

Người này thật khó chịu…

Bực mình quá!

Sự tiêu cực trong suy nghĩ tự bản thân nó không chỉ làm tổn hại đến chúng ta, nếu không gặp bất kỳ sự phản kháng nào, nó sẽ nghiễm nhiên tạo ra niềm tin và hành vi tương ứng sau đó. Vì vậy, nếu ai đó cứ nghĩ rằng “mình không hạnh phúc” thì sẽ sống trong bất hạnh. May thay, chúng ta hoàn toàn có thể nói “Không” với những suy nghĩ tiêu cực như thế.

Thực tế cho thấy nếu chúng ta có thể nhận diện và đối mặt với những suy nghĩ của chính mình thì chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn những tư tưởng bi quan từ trong gốc rễ.

7 cách đơn giản để loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực
(Ảnh: Ra2 Studio, Shutterstock)

Vì vậy, nếu lần sau, khi một suy nghĩ tiêu cực nào vừa loé lên nhằm phá đi sự tự tin và những dự định tốt đẹp của bạn, thì bạn hãy tự hỏi 7 câu hỏi sau để giải trừ nó:

1. “Có ai nói vậy không?”

Khi một suy nghĩ tiêu cực vừa bật ra trong đầu, bạn hãy hỏi: “Ai nói vậy chứ?”. Và bạn sẽ thấy rằng một ý nghĩ tiêu cực gây ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của bạn. Nó khiến bạn hoài nghi về giá trị bản thân và đánh mất niềm tin vào hạnh phúc thực tại, dù “chưa có ai nói như vậy”.

2. “Nếu có thì là ai nói?”

Những điều bạn nghĩ không hoàn toàn là của bạn! Nhiều ý nghĩ được hình thành do bạn nghe được từ người khác. Nếu cứ nghe những điều tiêu cực từ người khác thì đến lúc nào đó bạn sẽ tưởng rằng những ý nghĩ hay lời nói ấy là của bạn. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, hãy cân nhắc tiếp, xem ở hoàn cảnh này, lời nói từ người đó có thể có sức nặng không. Nếu họ không hiểu về công việc của bạn, hoặc không hiểu về hoàn cảnh của bạn, thì việc đặt quá nhiều mối quan tâm cho lời nói của họ đột nhiên trở nên mâu thuẫn. Bạn sẽ dễ dàng loại bỏ ý nghĩ tiêu cực này.

3. “Ý nghĩ này có phải điều mình mong muốn không?”

Có rất nhiều khi chúng ta rơi vào trạng thái “đấu tranh tư tưởng”, trong nội tâm hết nảy ra suy nghĩ theo chiều hướng này, lại nảy ra suy nghĩ theo chiều hướng khác. Chính vì con người có trạng thái tâm lý như vậy, nên người xưa mới nhấn mạnh các “tiêu chuẩn đạo đức”, “giá trị phổ quát”. Chúng chính là bộ tiêu chuẩn phán đoán đúng sai để giúp con người vạch rõ giới tuyến cho nội tâm. Đối chiếu với tiêu chuẩn đó, hãy hỏi bản thân “Liệu những suy nghĩ này có phải là điều mình mong muốn không?” Nếu câu trả lời là không, thì điều này chẳng phải rõ rồi hay sao. Bạn đã phân rõ được đâu là bản thân, và đâu là suy nghĩ không mong muốn.

4. “Ý nghĩ này có khích lệ mình không?”

Những ý nghĩ tiêu cực giống như một nhóm những kẻ phá bĩnh luôn ở sẵn bên trong bạn, đóng vai trò xâu xé tinh thần hơn là khích lệ và cổ vũ. Khi có thể xâm nhập vào tâm tưởng của bạn, nó sẽ không ngại ngần tàn phá những ước mơ và hoạch định của bạn. Vì vậy, hãy tự hỏi liệu lối nghĩ này có giúp bạn cảm thấy tốt lên, cảm thấy nỗ lực hơn, cảm thấy có thể vượt qua khó khăn, hoặc cảm thấy thanh tỉnh trong cách nhìn nhận vấn đề và thận trọng hơn hay không. Nếu suy xét ở mọi góc độ mà nó vẫn chẳng giúp nâng cao giá trị bản thân thì vì sao bạn lại phải bận tâm về nó? Liệu cách nghĩ này có mang lại lợi ích gì cho mục tiêu mà mình muốn đạt được không? Ví dụ, nếu bạn đang nỗ lực giữ dáng thì dòng tư tưởng “chắc mình sẽ không thon gọn nổi đâu” thật sự là chẳng giúp ích được gì cho bạn. Vì vậy, hãy nhanh chóng loại bỏ nó.

5. “Ý nghĩ này có đang kiểm soát mình không?”

Hãy ngẫm xem, cuộc sống đang do bạn quyết định hay đang bị những ý nghĩ kia thao túng? Nếu nhận ra bạn đang bị mất kiểm soát, lúc ấy hãy tự vấn xem vì sao. Hãy nhớ rằng bạn là người làm chủ chính mình.

6. “Mình sẽ tiếp tục với suy nghĩ này hay sẽ loại bỏ nó?”

Câu hỏi này cho bạn một cảm giác làm chủ. Trái với nhiều người tưởng tượng, họ kỳ thực rất ít khi làm chủ được suy nghĩ của bản thân mình. Họ thường xuyên bị suy nghĩ dẫn dắt và không có chuẩn tắc cho bản thân. Mỗi người đều nên lý trí làm chủ nội tâm của mình.

Nếu có thể vận dụng những câu hỏi này mỗi ngày, bạn sẽ thấy chúng có uy lực rất mạnh mẽ. Nếu có thể biến chúng thành một thói quen, bạn sẽ sớm nhận thấy rằng tư duy của mình cũng biến đổi theo. Bạn sẽ thấy mình đang ở trên con đường loại bỏ đi những ý nghĩ tiêu cực vốn làm bạn trì trệ bấy lâu. Và bạn cũng phát hiện rằng những câu hỏi này ngay khi cộng hưởng với nhau một cách sâu sắc sẽ dần trở thành sở thích của bạn.

Dựa theo Mind Body Green
Minh Nguyên

Xem thêm:

Mời xem video: