Người hướng nội có xu hướng suy nghĩ và hành xử như thế nào? Thật khó để hiểu nếu bạn không thuộc tuýp người như vậy. Dưới đây là chia sẻ của cô Jenn Granneman – tác giả cuốn sách “Cuộc sống bí mật của những người hướng nội”.

tre huong noi image
(Ảnh: Shutterstock)

Là một đứa trẻ hướng nội, tôi vừa sống với thế giới thật ở vùng gần ngoại ô Minnesota, vừa sống trong thế giới tưởng tượng của riêng tôi. Tôi thường dành buổi chiều ngồi một mình viết sách trên giấy thủ công và mơ mộng. Như bao đứa trẻ tuổi teen khác, tôi có một nhóm bạn, nhưng tôi lại không hào hứng lắm khi dành thời gian cho họ. Dường như các bạn tôi không cần thời gian ở một mình như tôi. Tôi tự nhủ, mình nên “bình thường” hơn, giống như các bạn vậy.

Sau này tôi mới biết có một từ để mô tả người giống tôi, đó là hướng nội (introvert). Hướng nội được định nghĩa là những người không thích các hoạt động tập thể đông người và cần nhiều thời gian thư giãn một mình.

Điều quan trọng nhất là, nếu bạn là người hướng nội thì cũng chẳng sao. Đó không phải là một căn bệnh hay một chứng rối loạn. Thật vậy, có đến 30-50% dân số thuộc tuýp hướng nội, điều đó có nghĩa là ngoài kia có rất nhiều người “trầm lặng” giống như chúng ta.

Là một người hướng nội, đó là điều không bao giờ có thể thay đổi ở tôi. Đúng thế, chúng ta có thể trưởng thành và lớn mạnh như mọi người; chúng ta có thể bước ra khỏi vùng thoải mái của mình, phát triển những kỹ năng mới, có nhiều góc nhìn mới về cuộc sống. Nhưng tính cách (cả hướng nội lẫn hướng ngoại) là do trời sinh. Các chuyên gia cũng cho rằng tính cách là khi sinh ra đã có, và phần lớn không thay đổi trong suốt cuộc đời của mỗi người. Theo cuốn Món quà ẩn chứa đằng sau những đứa trẻ hướng nội của tiến sĩ Marti Olsen Laney, trẻ em thường bắt đầu thể hiện tính hướng nội hay hướng ngoại vào lúc khoảng 4 tháng tuổi, và nó vẫn sẽ tồn tại khi đã trưởng thành.

Nói cách khác, khi đã là người hướng nội thì bạn sẽ mãi là người hướng nội.

Vậy, trẻ hướng nội sẽ như thế nào? Không có người hướng nội nào có tính cách giống nhau hoàn toàn, nhưng thường rơi vào 7 dấu hiệu sau, mức độ khác nhau tùy từng người.

7 dấu hiệu của trẻ hướng nội

1. Chúng có một thế giới nội tâm sống động.

Thế giới ấy luôn tồn tại và hiện diện. Trẻ tin vào thế giới riêng đó còn hơn là nhờ đến sự giúp đỡ và hướng dẫn của người khác. Trong cuốn sách của mình, tiến sĩ Laney chia sẻ “Trong khu vườn riêng cách biệt với thế giới vật chất, trẻ tập trung và giải quyết những suy nghĩ cũng như cảm xúc rắc rối, phức tạp”.

Trẻ hướng nội thích các trò chơi giả tưởng, chúng thích chơi một mình hoặc với một hay hai đứa bạn. Chúng thường dành thời gian ở một mình trong phòng và làm những việc như đọc sách, vẽ tranh, chơi trò chơi trên máy tính.

Không may thay, một thế giới tưởng tượng phong phú có thể là con dao hai lưỡi, vì nó có thể dẫn đến cảm giác cô lập và xa lánh với thế giới bên ngoài. Vai trò của cha mẹ là rất quan trọng trong việc định hướng cho con trẻ phát triển những tính cách tích cực.

2. Chúng nhìn nhận cuộc sống với những khía cạnh sâu sắc.

Trẻ hướng nội không ngại đưa ra câu hỏi. Chúng muốn biết tại sao một sự vật lại xảy ra theo cách đó mà không phải cách khác, hoặc ý nghĩa sâu xa của một sự việc là gì.

Điều đáng kinh ngạc là dù tuổi đời còn trẻ nhưng chúng có cái nhìn khách quan về bản thân và cư xử một cách cẩn thận. Thường thì trẻ hướng nội muốn hiểu chính mình, hiểu mọi người và mọi thứ xung quanh. Chúng thường sẽ tự hỏi đâu là động lực khiến người này hành động?

3. Trẻ quan sát trước rồi mới hành động.

Chúng sẽ theo dõi trận đấu hoặc một hoạt động nào đó trước khi tham gia. Đôi khi cho thấy sự lưỡng lự và cẩn trọng, chúng dè chừng trong hành động và đón nhận tình huống mới một cách chậm chạp. Có lẽ trẻ sẽ năng nổ và nói nhiều hơn khi ở nhà vì đó là nơi chúng cảm thấy thoải mái.

>> 14 bí quyết sống hạnh phúc cho những người rất-nhạy-cảm

4. Ra quyết định dựa trên giá trị đạo đức của bản thân.

Suy nghĩ và cảm xúc ăn sâu trong tâm thức, vì thế chúng đưa ra quyết định dựa trên những tiêu chuẩn đạo đức của riêng mình chứ không hùa theo đám đông. Đây có thể là mặt cực kỳ tích cực trong tính cách của trẻ, vì trẻ không dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực bạn bè. Chúng không làm một điều gì đó chỉ để giống chúng bạn.

5. Cần phải có một khoảng thời gian đủ dài để trẻ thể hiện tính cách thật

Cũng giống như người trưởng thành hướng nội, trẻ hướng nội không dễ thân thiết với người mới. Chúng sẽ có vẻ ít nói và bảo thủ trong lần đầu gặp mặt, nhưng một khi có được cảm giác thoải mái với bạn, chúng sẽ khác. Thường thì mục tiêu của cuộc trò chuyện với bạn sẽ là để giúp chúng hiểu bản thân và hiểu thế giới nội tâm của bạn hơn; chúng coi trọng sự kết nối và thấu hiểu ở mức độ sâu hơn mức xã giao.

Trẻ hướng nội là người biết lắng nghe, tập trung và ghi nhớ những điều người khác chia sẻ. Cách trò chuyện của trẻ nhẹ nhàng, ít khi gập ngừng và sẽ ngừng lại nếu bị ngắt lời. Đôi khi chúng đưa mắt nhìn xa xăm khi nói để tổng hợp suy nghĩ trong đầu nhưng vẫn giữ giao tiếp bằng mắt khi lắng nghe.

6. Gặp khó khăn khi làm việc nhóm.

Nhiều năm qua, giá trị xã hội đã thay đổi, hướng ngoại trở thành mẫu hình lý tưởng. Chúng ta khen ngợi cá tính mạnh bạo, sự hòa đồng trong nhóm và thành tựu bên ngoài hơn là sự suy xét cẩn trọng, sự đơn độc và tính cẩn thận khi ra quyết định.

>> Câu hỏi đầu tiên mà mọi nhà ra quyết định tuyệt vời đều phải trả lời

Tiến sĩ Laney viết, một điều đáng buồn là các chuẩn mực về sự cởi mở và quyết đoán luôn được thêu dệt thêm ở trường học, học viện, nơi các trẻ hướng nội theo học. Khi chưa đủ tuổi đến trường, trẻ thường được gửi ở các nơi trông trẻ hoặc trường mầm non. Khi tới tuổi đến trường, mỗi ngày trẻ có từ 6 tới 7 tiếng sinh hoạt và học tập chung với chừng 30 trẻ khác; ở những nơi đó, trẻ được khuyến khích tham gia và học tập theo nhóm. Đây thật sự là một thử thách với trẻ hướng nội khi chúng biểu hiện tốt hơn khi ở nhà trong suốt thời thơ ấu và dần dần mới có thể hòa mình vào nhóm khi lớn lên.

7. Tính xã hội của trẻ hướng nội khác với trẻ hướng ngoại.

Thường thì chúng chỉ có một hay hai người bạn thân và mức độ tin tưởng người khác sẽ phụ thuộc vào mức độ thân thiết, vì trẻ thường xem trọng sự thân thiết của các mối quan hệ, hơn là số lượng. Chúng cũng thường dành ít thời gian cho các hoạt động xã hội hơn trẻ hướng ngoại, và cần khoảng thời gian được ở một mình để lấy lại năng lượng. Cũng như người trưởng thành hướng nội, nguồn năng lượng xã hội của trẻ hướng nội thường hạn chế.

Nếu dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động tập thể xã hội, sẽ dẫn đến một số khủng hoảng, mệt mỏi và tâm trạng không tốt ở trẻ hướng nội.

Điểm khác biệt giữa trẻ hướng nội và hướng ngoại

tre em image
(Ảnh: Pixabay)

So với trẻ hướng nội, trẻ hướng ngoại có đặc điểm gì khác biệt? Dưới đây là một số đặc điểm tính cách của trẻ hướng ngoại, trích từ cuốn sách của tiến sĩ Laney. Trẻ hướng ngoại:

  • Nói lớn, nhanh và thậm chí mức độ sẽ còn cao hơn nếu đang căng thẳng
  • Thường xuyên thay đổi chủ đề
  • Có thể tỏ ra mình rất rành về chủ đề nào đó mặc dù không phải vậy
  • Đứng gần người mà chúng đang trò chuyện
  • Xen ngang, ngắt quãng cuộc trò chuyện
  • Nhìn ra chỗ khác khi đang lắng nghe
  • Thể hiện suy nghĩ, cảm xúc rất rõ ràng trên gương mặt, tay và cơ thể
  • Mau chán và mất kiên nhẫn nếu câu chuyện quá dài
  • Cho rằng đa số mọi người đều là bạn
  • Thích ứng với tình huống mới rất nhanh
  • Dễ lấy lại tinh thần sau những hoạt động sôi nổi, đặc biệt là các hoạt động tập thể
  • Sẽ than vãn và cảm thấy mệt mỏi nếu dành nhiều thời gian ở một mình

Nếu bạn là cha mẹ của những đứa trẻ hướng nội, điều tốt nhất bạn có thể làm là tôn trọng tính cách này của chúng, giúp trẻ hiểu được vì sao chúng cảm thấy mệt và dễ nổi nóng sau các hoạt động tập thể. Dạy chúng hiểu rằng không có gì là sai khi chúng cần có thời gian ở một mình.

Quan trọng nhất là, đừng bao giờ để con trẻ nghĩ chúng không bình thường khi là một người hướng nội. Khi chúng ta hiểu và chấp nhận con người hướng nội của trẻ, chúng ta sẽ cho chúng thêm sự tự tin để bộc lộ con người thật của mình với thế giới bên ngoài.

Theo Jenn Granneman,
Thúy Anh biên dịch