Mọi người đều biết rằng Nhật Bản là một cường quốc giáo dục, trình độ giáo dục của Nhật luôn xếp hàng đầu thế giới. Điều này không thể tách rời khỏi nền giáo dục mầm non chất lượng cao của họ, có những kỹ năng sống sẽ giúp định hướng tương lai cho con trẻ.

Dưới đây là 7 kỹ năng sống quan trọng trẻ học được ở trường mẫu giáo Nhật Bản:

1. Tự sắp xếp cặp sách của mình

Từ ngày đầu tiên đi học mẫu giáo, trẻ đã phải tự chuẩn bị cặp sách, túi đựng quần áo và những vật dụng cá nhân v.v…, mục đích là để rèn luyện sự ngăn nắp và tự giác của trẻ. Nếu phụ huynh luôn sắp xếp sẵn cho con, mà không cho trẻ cơ hội được rèn luyện độc lập, thì khả năng tự sắp xếp và tự lập của trẻ đều khá kém.

trường mẫu giáo Nhật Bản
(Ảnh: Shutterstock)

2. Tự mang cặp của mình

Nếu để ý quan sát, bạn sẽ nhận thấy, dù trên phim điện ảnh hay truyện tranh, trẻ em Nhật đều tự mình xách cặp, dù bố mẹ đưa đón con đi học cũng sẽ không giúp con xách cặp, thật ra là để rèn tính trách nhiệm và khả năng chịu cực của trẻ.

3. Tự thay quần áo

Trẻ em Nhật Bản khi đi học, trước khi bước vào lớp đều sẽ phải cởi giày của mình ra, đặt lên kệ riêng rồi thay một đôi giày màu trắng khác để đi trong lớp, rồi lại đổi lại khi tham gia hoạt động ngoài trời. Khi đi học, trẻ cũng phải tự mình thay áo khoác và đồng phục thể dục, phụ huynh và giáo viên đều sẽ không giúp nhằm rèn cho trẻ khả năng tự lực.

4. Bài học “cởi trần” chịu lạnh

Để rèn tính kiên trì, tăng sức đề kháng và khả năng chịu lạnh, trẻ em Nhật Bản ngay từ mầm non đã được học một khóa “cởi trần” – nghĩa là cởi trần thi đấu thể thao vào mùa đông. Các trường học và cả cha mẹ Nhật tin rằng, thời tiết giá lạnh chính là cơ hội để trẻ được rèn luyện sức khỏe và nâng cao sức đề kháng.

5. Giơ tay xin đường và cúi chào tài xế sau khi qua đường

Do trẻ nhỏ khá thấp, rất khó để khiến tài xế chú ý, nếu giơ tay sẽ đạt đến một độ cao nhất định để tài xế nhìn thấy. Hơn nữa sau khi qua đường, trẻ em Nhật Bản sẽ cúi người cảm ơn người tài xế đã nhường đường mình.

6. Bài học vệ sinh cá nhân

Các bé Nhật Bản ngay từ lúc 1 tuổi rưỡi đã được học cách sử dụng bồn cầu đặc biệt , hơn nữa trẻ mầm non còn có “Ông đại tiện” đến để chia sẻ với các em kiến thức về đại tiện, như thế nào là khỏe, thế nào là không khỏe, cần chú ý những điều gì khi ăn uống. Điều này không chỉ có thể rèn cho trẻ khả năng tự lập, mà còn tăng cường sự hiểu biết của trẻ về cấu tạo cơ thể người cũng như khiến trẻ quan tâm hơn đến sức khỏe của bản thân.

7. Giáo dục lòng biết ơn và lễ nghĩa

Nhật Bản là quốc gia thích cúi chào nhất, dù để cảm ơn hay xin lỗi họ đều sẽ dùng hình thức cúi đầu khom lưng. Bên cạnh đó, người Nhật cũng cực kỳ chú trọng sự phát triển của trẻ em, ngay từ mẫu giáo đã có lễ tốt nghiệp, phụ huynh, học sinh và giáo viên đều ăn mặc chỉnh tề, nghiêm túc đến tham dự, nhằm xây dựng nền tảng đạo đức vững chắc trong lòng trẻ.

Tuy phương pháp giáo dục cần phải được điều chỉnh sao cho phù hợp dựa trên các môi trường giáo dục khác nhau, nhưng việc rèn luyện phẩm chất và đạo đức của trẻ nhỏ là điều mà nền giáo dục nào cũng cần phải chú trọng và đặt lên hàng đầu.

Minh Ngọc

Xem thêm: