Cuốn sách ‘Nhân Sinh Tu Dưỡng’ viết: “Trí tuệ cảm xúc không phải sự bóng bẩy, khôn khéo, mà là khiêm tốn, khoan dung, tự tin và có lề lối”. Người đạt đến cảnh giới trí tuệ cảm xúc cao thượng thường biết chừng mực, có lòng lương thiện và biết nghĩ cho người khác. 

trí tuệ cảm xúc cao thượng
Người đạt đến cảnh giới trí tuệ cảm xúc cao thượng thường biết chừng mực, có lòng lương thiện và biết nghĩ cho người khác. (Ảnh: Prazis Images/ shutterstock)

1. Có chừng mực về tình cảm

Trong sách ‘Luận Ngữ’ của triết gia Khổng Tử viết: “Dữ bằng hữu giao, cửu nhi kính chi.” Ý nghĩa rằng dù mối quan hệ có tốt đẹp đến đâu cũng không được vượt quá tiêu chuẩn và luôn phải biết giữ chừng mực.

Bởi vì nếu mất hết ranh giới và không có chút kiêng nể gì thì sẽ chỉ khiến mối quan hệ thân thiết trở nên mệt mỏi, lâu dần những người thân thiết sẽ trở nên xa cách.

Trong mối quan hệ máu mủ ruột rà cũng vậy, đối với cha mẹ cần phải cung kính, nghe lời, nhưng không hùa theo mù quáng. Đối với người yêu thì gắn bó, nhưng tuyệt đối không làm mất ranh giới, không lẫn lộn. Đối với con cái thì vừa làm thầy vừa làm bạn, yêu thương nhưng không nuông chiều thái quá. Tất cả đều cần đối xử chân thành, thấu hiểu nhưng không vượt quá giới hạn.

Trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng vậy, đều cần giữ vững thước đo khoảng cách, có ranh giới trong lời nói và giới hạn trong hành động, sự thân mật hay nồng nhiệt cũng cần đúng lúc, đúng thời điểm. Làm được điều này thì mới có thể duy trì một mối quan hệ lâu dài, vừa yêu mến từ cái nhìn đầu tiên, vừa lâu dài vĩnh cửu về sau.

2. Đặt vào vị trí của người khác mà suy nghĩ

Có câu nói: “Biết người biết ta, đặt mình vào vị trí của người khác”. Đó chính là sự hòa hợp, tương thông giữa con người với con người. Bản thân muốn người khác đối xử với mình ra sao thì hãy đối xử với họ như thế, cho đi để nhận lại.

Khi gặp chuyện, hãy luôn suy nghĩ từ góc độ của người khác, cảm nhận khó khăn và bao dung cả những thiếu sót của họ.

Đồng cảm và tử tế hơn khi đặt mình vào vị trí của người khác, đây chính là cách để bao dung cho mình và người. Đối với vạn sự vạn vật đều bắt nguồn từ trái tim cũng chính là một loại trí tuệ cảm xúc cao thượng.

Chỉ khi biết cách đặt vào vị trí của người khác và sự việc thì chúng ta mới có thể sưởi ấm lòng người và nhận lại sự chân thành.

3. Học cách lắng nghe

Một cựu chủ tịch Harvard từng nói: “Chăm chú lắng nghe chính là cách tốt nhất để gỡ bỏ khoảng cách của đối phương.”

Nói và lắng nghe không phải là một loại bản năng bẩm sinh, mà là một loại trí tuệ giao tiếp.

Học cách lắng nghe, luôn tập trung, kiên nhẫn, tôn trọng và quan tâm đến cảm xúc của người kia, thậm chí có thể lắng nghe được cả những cung bậc cảm xúc trong giọng nói của họ, sau đó đáp lại một cách chân thành nghiêm túc. Làm như thế không những có thể rút ngắn được khoảng cách giữa người với người mà còn có thể chiếm được thiện chí và sự tin tưởng.

Không cần nói để biểu đạt, không cần lên tiếng đáp trả, nó so với thao thao bất tuyệt và tài hùng biện lại mang một lực độ mạnh mẽ, ấm áp hơn rất nhiều.

4. Lời nói đi đôi với hành động 

Sách ‘Sử ký’ chép: “Kỳ ngôn tất tín, kỳ hành tất quả”, ý nghĩa rằng lời nói phải có độ tin cậy, hành động phải có kết quả. Nói lời phải biết giữ lời, nói được là làm được, đó chính là tiền đề để một người có thể dựng thân, cũng là một nhân phẩm tốt đẹp. 

Có một số người thường hay ăn nói hàm hồ, nói mà không suy nghĩ cân nhắc, khi cao hứng còn có thể mở miệng nói suông. Bản thân họ không coi trọng lời mình đã nói ra nhưng người nghe lại rất coi trọng nó. 

Khi không làm được, chúng ta không chỉ làm tổn thương đến tình cảm của đối phương mà còn làm giảm uy tín của chính mình.

Có câu: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn ngựa đuổi không kịp). Những người có trí thông minh cảm xúc cao thượng sẽ coi trọng từng điều nhỏ nhặt và họ không dễ dàng nói ra nếu không chắc chắn làm được. Đó là cách sống chín chắn và vững vàng, có trách nhiệm trong từng lời nói và hành động, mới có thể thành tựu được bản thân.

5. Chân thành đối đãi với người

sống hòa hợp
Đối tốt với người ắt người tốt lại. Tâm luôn thiện lương, trợ giúp người khác vừa hay lại chính là chu toàn chính mình. (Ảnh: Porstocker/ Shutterstock)

Triết gia Trang Tử có câu: “Làm người chân chính quan trọng là ở chân thành, không chân thành thì không thể động lòng người”. Đối xử chân thành với mọi người là quy luật xã hội đơn giản và khôn ngoan nhất.

Không có gì cảm động hơn sự chân thành, nếu đối xử chân thành với mọi người thì chúng ta cũng sẽ nhận lại được sự chân thành từ họ.

Ngược lại, trong đầu luôn suy tính chiêu trò, mánh khóe, thì trước mắt có thể thu được một chút lợi ích nhỏ bé nhất thời nhưng thực chất chính là đang tự lấy đá chặn đường lui, hủy hoại nhân phẩm của bản thân.

Dùng đạo đức giả và dối trá gian xảo để duy trì một mối quan hệ nào đó thì cũng chỉ trong thời gian ngắn là tan vỡ, chỉ có sự chân thành thật lòng mới có thể bền vững theo năm tháng.

Chân thành là phong thủy tốt nhất của một người, nó giúp chúng ta giành được sự yêu mến, là tiền đề để thiết lập mối quan hệ thâm giao và ngày càng tốt đẹp.

6. Biết cách khen ngợi

Nhà tâm lý học người Áo Sigmund Freud từng nói: “Con người có thể phòng ngự trước sự tấn công của người khác, nhưng lại bất lực trước sự khen ngợi của người khác.”

Mỗi người đều mong muốn được người khác khẳng định bản thân, phát ra những lời khen ngợi từ sâu tận đáy lòng là bí quyết của các mối quan hệ.

Một lời khen thực ra rất đơn giản, đôi khi nó là một lời nói nhẹ nhàng hay một cái gật đầu thông thường. Nhưng nó như một tia nắng, không hữu ý mà mang đến hơi ấm và sự khích lệ cho người ta.

Không chỉ vậy, ca ngợi cũng là một nghĩa cử cao đẹp để bản thân trở thành một người có tình yêu và ánh sáng trong trái tim. 

Biết khen ngợi, khiêm tốn, rộng lượng, bụng dạ rộng rãi, những người như vậy rất đáng để kết thâm giao.

7. Biết cách từ chối 

Tiểu thuyết gia Bi Shumin từng nói: “Từ chối là một loại quyền lợi và sinh tồn cũng là một loại quyền lợi.” 

Đừng cố làm người tốt bằng mọi giá, thích ứng một cách mù quáng, một mực nhân nhượng mà không biết cách từ chối.

Giúp đỡ là điều tốt, nhưng khi sự giúp đỡ trở thành gánh nặng thì chỉ khiến bản thân và người khác tổn thương. Một mối quan hệ thực sự tốt được xây dựng trên sự hòa hảo hữu nghị về nhân cách. Chỉ bằng cách này, mối quan hệ giữa các cá nhân mới có thể lâu dài, hài hòa và lành mạnh.

Nghệ thuật từ chối thể hiện nguyên tắc và ranh giới của bản thân. Điều này giúp bảo vệ bản thân và hoàn thiện các mối quan hệ.

8. Nói năng lịch sự

Có câu: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Lời nói mang thiện lương là phẩm chất cơ bản nhất của một người. Hãy suy nghĩ kỹ và xem xét cảm xúc của người khác trước khi nói điều gì.

Hãy nói những lời chân thành và ân cần, điều này sẽ khiến người nghe cảm thấy như một làn gió xuân ấm áp thoải mái.

Người như vậy dù đi đến đâu cũng sẽ được người khác đón nhận. Không những thế, vận may cũng sẽ theo nhau mà đến.