Trái Đất là ngôi nhà của hơn 20.000 phương ngữ. Ngày nay, con số đó nằm trong khoảng từ 6.000 đến 7.000. Tại sao nhiều ngôn ngữ lại bị “tuyệt chủng”?

Lý do hiển nhiên nhất là: tất cả những người nói ngôn ngữ đó đã chết. Thảm họa này có thể xảy ra khi chiến tranh và thiên tai đột nhiên ập đến các bộ lạc nhỏ ở vùng sâu vùng xa. Ví dụ như trận động đất năm 2004 ngoài khơi bờ biển Sumatra, Indonesia, cơn sóng thần khiến 230.000 người thiệt mạng.

Nhưng có một lời giải thích đơn giản hơn cho lý do tại sao các ngôn ngữ biến mất: mọi người ngừng nói chúng. Đôi khi mọi người ngừng nói một ngôn ngữ là để tránh sự khủng bố chính trị, như trường hợp năm 1932 ở El Salvador, những người nói ngôn ngữ bản địa Lenca và Cacaopera đã bỏ rơi ngôn ngữ của họ sau khi thực hiện một vụ thảm sát.

Hoặc mọi người từ bỏ phương ngữ khu vực để ủng hộ ngôn ngữ toàn cầu phổ biến hơn (như tiếng Anh hoặc tiếng Pháp) để phát triển lợi thế kinh tế xã hội. Dần dần, họ đánh mất sự lưu loát trong ngôn ngữ mẹ đẻ của mình và ngừng truyền lại cho thế hệ tiếp theo.

8 loại ngôn ngữ đang đứng bên bờ vực "tuyệt chủng" vĩnh viễn
(Ảnh: Shutterstock)

Bảo tồn các loại ngôn ngữ trên thế giới là một nhiệm vụ quan trọng. UNESCO giải thích: “Ngôn ngữ là công cụ để loài người tương tác, thể hiện ý tưởng, cảm xúc, kiến ​​thức, ký ức và giá trị. Ngôn ngữ cũng là văn hóa và di sản văn hóa phi vật thể, là phương tiện thể hiện bản sắc của cá nhân và cộng đồng. Bảo vệ ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng là nhiệm vụ quan trọng trong việc duy trì sự đa dạng văn hóa trên toàn thế giới.”

Dưới đây là 8 trong số hàng ngàn ngôn ngữ bản địa có nguy cơ “tuyệt chủng” hoàn toàn.

1. Tiếng Iceland

Thật đáng giật mình khi ngôn ngữ bản địa cho cả một quốc gia đang dần biến mất vì công nghệ kỹ thuật số và phương tiện truyền thông xã hội. Tiếng Iceland đã có từ thế kỷ 13 và vẫn duy trì cấu trúc ngữ pháp phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có khoảng 340.000 người nói ngôn ngữ này. Những người Iceland trẻ tuổi sử dụng tiếng Anh nhiều hơn vì công việc làm ăn. Chưa kể các công ty kỹ thuật không có xu hướng dịch trang web sang tiếng Iceland. Ngành du lịch nhộn nhịp của đất nước cũng khiến người dân nói tiếng Anh như ngôn ngữ chính.

2. Tiếng Haida

Trong nhiều thế kỷ, người Haida sống ở vùng lãnh thổ giữa miền bắc British Columbia và Alaska. Còn gần 15.000 người nói tiếng Haida khi đến định cư ở châu Âu năm 1772. Bây giờ, chỉ còn khoảng 20 người nói và ngôn ngữ này được liệt kê vào danh sách phải cứu khẩn cấp (bởi UNESCO). Người dân phải nói tiếng khác khi học ở trường. Ngày nay hầu hết người Haida không nói được ngôn ngữ này.

3. Tiếng Jedek

Đây là ngôn ngữ chỉ có khoảng 280 người sử dụng tại khu vực nông thôn bang Kelantan (Malaysia). Các nhà nghiên cứu mô tả Jedek là một dạng biến thể của ngữ hệ Đông Nam Á. Những người nói thứ tiếng này là những người sinh sống theo phương cách săn bắn và hái lượm. Nhà nghiên cứu Niclas Burenhult ở khoa Ngôn ngữ Tổng hợp thuộc Đại học Lund cho biết Jedek không phải là ngôn ngữ được sử dụng bởi các bộ lạc vô danh trong rừng rậm như mọi người hình dung mà là ngôn ngữ của cư dân một ngôi làng trước đây đã được các nhà nhân chủng học tìm đến và nghiên cứu. Dưới góc độ ngôn ngữ học, các nhà nghiên cứu Đại học Lund đã đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau và đã tìm thấy một số điều mà các nhà nhân chủng học bỏ sót.

4. Tiếng Elfdalian

Ngôn ngữ này được cho là hậu duệ gần nhất của Old Norse, được nói trong cộng đồng Älvdalen ở một vùng xa xôi của Thụy Điển. Địa lý nơi này được bao bọc bởi núi, thung lũng và rừng. Vị trí hẻo lánh của vùng đất này đã giúp nền văn hóa của nó được bảo tồn trong nhiều thế kỷ, nhưng gần đây người dân địa phương đã sử dụng tiếng Thụy Điển hiện đại hơn để thay thế. Ngày nay, không đến 2.500 người nói tiếng Elfdalian và không có nổi 60 trẻ em dưới 15 tuổi thông thạo ngôn ngữ này.

8 loại ngôn ngữ đang đứng bên bờ vực "tuyệt chủng" vĩnh viễn
Nhiều loại ngôn ngữ đang trên bờ vực tuyệt chủng. (Ảnh: Shutterstock)

5. Tiếng Marshall

Quần đảo Marshall với rất nhiều đảo san hô nằm giữa Australia và Hawaii, người dân sống ở đây đang lũ lượt rời đi do biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao. Người dân địa phương nói tiếng Marshall nhưng người Marshall sống ở đảo Springdale, Arkansas (thành người nhập cư) đang có xu hướng bị đồng hóa và sẽ mất ngôn ngữ mẹ đẻ trong một vài thế hệ.

6. Tiếng Wintu

Người Wintu là một bộ tộc người Mỹ bản địa sống ở Thung lũng Sacramento (Bắc California). Người dân mới đến định cư cùng dịch bệnh đã khiến người dân bản địa dần biến mất. Dân số của bộ lạc đã giảm từ 14.000 xuống còn 150. Theo UNESCO, nơi đây chỉ còn một người nói lưu loát cùng với một số người nghe câu được câu chăng.

7. Tiếng Tofa (Karagas)

Ngôn ngữ Siberia này được nói bởi người Tofalars ở Nga. UNESCO liệt kê ngôn ngữ này vào hàng phải bảo tồn ngay lập tức vì chỉ còn khoảng 40 người nói. Ba ngôi làng hẻo lánh có người dân nói tiếng Tofa đều rất khó tiếp cận. Mặc dù địa hình khép kín góp phần bảo tồn văn hóa của họ, nhưng ở đây không có trường học, hầu hết trẻ em đều học tại trường nội trú Nga và nói tiếng Nga. Nếu thế hệ mới không học ngôn ngữ thì nó không thể tồn tại nữa.

8. Tiếng Aka

Ở Ấn Độ, tiếng Aka được nói ở Arunachal Pradesh, tiểu bang phía đông bắc của đất nước. Người dân nơi đây sống tự túc trong một ngôi làng được bao bọc bởi rừng rậm. Họ tự trồng thức ăn, săn bắn động vật và tự xây nhà. Lớp trẻ không học ngôn ngữ chính thức mà học tiếng Hindi hay được phát trên TV và tiếng Anh được dạy trong trường học.

Minh Minh

Xem thêm: