Trong số những người trở nên giàu có nhờ việc kinh doanh thành công, có nhiều người mong muốn “giúp đỡ xã hội, báo đáp xã hội”. Họ thành lập các quỹ từ thiện hoặc quyên tiền cho các đoàn thể yếu thế, các tổ chức từ thiện, dùng những việc làm từ thiện để phục vụ người dân và được xã hội khen ngợi.

Tháng 6/2010, cặp vợ chồng người đồng sáng lập Microsoft – Bill Gates và Melinda Gates đã liên kết với Warren Buffett để thành lập quỹ từ thiện “The Giving Pledge” (Cam kết Cho đi) với hy vọng thu hút những người giàu có khác trên thế giới tham gia, để quyên tặng một số tài sản cá nhân lớn nhằm thay đổi thế giới theo hướng tích cực. Đến nay tổ chức này đã có hơn 130 người đến từ 14 quốc gia.

3bbbill-gates-jpg
Tỷ phú Bill Gates. (Ảnh qua gizmologia.com)

“The Giving Pledge” chỉ là một lời hứa về mặt đạo đức chứ không phải là khế ước cưỡng chế. Người quản lý tổ chức đã viết trên trang web của họ rằng, “The Giving Pledge” hy vọng có thể tiến hành đối thoại, thảo luận và hành động chứ không chỉ đơn thuần là viết ra giấy quyên góp bao nhiêu tài sản vì lý do gì đó.

Có rất nhiều doanh nhân về lĩnh vực khoa học kỹ thuật của Mỹ đều có tên trong danh sách quyên góp tài sản của The Giving Pledge như người đồng sáng lập Google – Larry Page, người sáng lập eBay – Pierre Omidyar, CEO Elon Musk của tập đoàn Tesla, một trong những người sáng lập của Intel – Gordon Moore, Chủ tịch kiêm CEO của công ty cung ứng dịch vụ phần mềm Salesforce – Marc Beniof và vợ chồng người sáng lập Qualcomm – Irwin M. Jacobs v.v…

Ngoài ra, còn có những nhà tài phiệt đến từ các doanh nghiệp khác, quốc gia khác cũng muốn quyên tặng hầu hết tài sản của họ chứ không để lại cho con cháu.

Dưới đây là 8 nhà tài phiệt đã tham gia “The Giving Pledge” và quyên tặng tài sản của mình cho tổ chức (ngoài Bill Gates và Warren Buffett).

1. Pierre Omidyar: Nếu số tiền này có thể giải quyết được khó khăn thì nên quyên tặng

Vợ chồng người sáng lập eBay, ông bà Pierre Omidyar được xem như một trong những nhà từ thiện lớn nhất trong giới khoa học kỹ thuật, họ đã quyên tặng hầu hết số doanh thu hơn 1 tỷ USD sau khi eBay lên sàn chứng khoán. Tổ chức từ thiện Omidyar Network của họ chủ yếu nhắm vào nạn buôn bán người.

Vợ chồng Omidyar cho biết: “Vào năm 2001, chúng tôi đã công khai rằng sẽ quyên tặng hầu hết tài sản của mình. Bởi vì tiền của chúng tôi đã vượt quá số tiền mà chúng tôi cần dùng trong cuộc sống quá nhiều rồi, giữ số tiền này trong tay là không cần thiết, nếu hôm nay số tiền này có thể giúp giải quyết những vấn đề khó khăn trên thế giới thì nên được quyên tặng”.

Pierre Omidyar
(Ảnh qua financialexpress.com)

2. Elon Musk: Mong muốn thay đổi thế giới

CEO của Tesla, người sáng lập và điều hành Space X, người đồng sáng lập Paypal, ông Elon Musk từng cho biết: “Mỗi người chúng ta đều cần phải làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, bởi vì hủy diệt thế giới là việc vô nghĩa nhất”.

Ông có viết trong quyển “Elon Musk: Tesla, SpaceX, and the Quest for a Fantastic Future” rằng: “Tôi cảm thấy tôi có hơi giống bà của mình, bà lớn lên trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, cuộc sống rất vất vả. Chỉ cần bạn từng trải qua giai đoạn đó thì bạn sẽ ghi nhớ trong lòng, đến bây giờ tôi vẫn không hẳn quên được khỏang thời gian đó. Vì thế, bây giờ tôi cảm thấy rất hạnh phúc, nhưng trong lòng tôi vẫn có một cảm giác không yên, lo sợ tất cả những thứ này sẽ trở thành hư không”. Ngoài ra ông còn từng trải qua nỗi đau mất con, một người con trai của ông không may qua đời sau khi sinh được 10 tuần.

Vì vậy, về phương diện sức khỏe trẻ em, tái sinh nguồn năng lượng và giáo dục khoa học kỹ thuật, Musk đã cống hiến và nỗ lực rất nhiều. Ông hứa với tổ chức “The Giving Pledge” rằng sẽ quyên tặng hầu hết số tài sản của mình cho từ thiện. Hiện nay ông chỉ nhận lương tượng trưng là 1 USD mỗi năm.

Elon-Musk
(Ảnh qua earthites.com)

3. Larry Page: Cùng mọi người cố gắng vì một thế giới tốt đẹp hơn

Người đồng sáng lập Google, ông Larry Page từng cho biết ông muốn quyên tặng tài sản giống như doanh nhân có nguyện vọng lý tưởng CEO Musk của Tesla khi ông được Charlie Rose phỏng vấn. Bởi vì họ có hoài bão muốn thay đổi thế giới.

Ông cho biết: “Musk muốn đến sao Hỏa. Mục tiêu này có ý nghĩa sâu sắc, một con người làm việc vì muốn thay đổi thế giới, để nó trở nên tốt đẹp hơn. Nếu công việc của bạn đáng để bạn dành thời gian cho nó thì tiền bạc cũng vậy. Tôi muốn cùng mọi người cố gắng vì một thế giới tốt đẹp hơn”.

Larry Page Google cube
(Ảnh qua googlecube.com)

4. Marc Benioff: Một người không thể chỉ muốn nhận được mà không muốn cho đi

CEO của Salesforce, ông Marc Benioff đã nỗ lực hết mình để báo đáp cho xã hội ở khu vực vịnh San Francisco. Theo trang SFGate, Benioff cho rằng các công ty công nghệ đến từ những thành phố hay quốc gia khác không thể chỉ muốn có được những thứ mình muốn từ thành phố San Francisco mà còn phải hứa sẽ báo đáp cho mảnh đất này. Vợ chồng Benioff đã quyên góp 200 triệu USD dưới danh nghĩa cá nhân cho bệnh viện nhi thuộc trung tâm y tế Đại học California ở San Francisco, những gia đình vô gia cư và trường công lập.

Ngoài ra, ông cũng chia sẻ “mô hình 1/1/1” của mình cho các công ty khác, đó là một công ty nên quyên góp 1% tài sản của công ty, 1% tiền lương nhân viên và 1% sản phẩm của mình cho tổ chức từ thiện.

Image result for Marc Benioff:
(Ảnh qua insightsquared.com)

>> “James Bond” của giới từ thiện vừa cho đi phần tài sản cuối cùng

5. George B.Kaiser: Theo đuổi công việc từ thiện là bởi vì sự áy náy, có thể thành công là vì may mắn.

George B.Kaiser là chủ tịch của tập đoàn tài chính BOK ở Tulsa, Oklahoma. Trong suốt một thời gian dài, ông luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ cho việc giáo dục tiểu học của trẻ em và nhiều hạng mục công tác xã hội. Ông hy vọng thông qua việc quyên tặng để tìm ra cách đầu tư tiền bạc cũng như những nguyên nhân gây nên nghèo đói nhằm ngăn chặn vòng luẩn quẩn do nghèo đói.

Kaiser từng là quản lý cấp cao của một doanh nghiệp dầu khí trong suốt 40 năm, sau đó ông theo ngành tài chính, mamg về cho ông khối tài sản 9,2 tỷ USD và ông đã dùng số tiền này để làm từ thiện. Ông nói: “Tôi theo đuổi công việc từ thiện là bởi vì sự áy náy, bởi vì tôi đã nhận ra từ sớm rằng thành công hoàn toàn không phải do sự giỏi giang cá nhân hay sức sáng tạo mà là do may mắn”.

(Ảnh qua alchetron.com)
(Ảnh qua alchetron.com)

6. Vladimir Potanin: Tin rằng tiền bạc nên được dùng vào việc công ích

Tỷ phú người Nga, ông Vladimir Potanin là người sáng lập của công ty Interros và cũng là cổ đông chính của công ty sản xuất Niken lớn nhất thế giới – Norilsk Nickel.

Potanin đã viết trong “The Giving Pledge” rằng: “Tôi tin rằng tiền bạc nên được dùng vào việc công ích, tôi hoàn toàn không hy vọng được xem là nhà từ thiện. Đây cũng là một cách để bảo vệ con cái của tôi không bị tài sản to lớn ăn mòn, nếu không thì tiền tài có thể sẽ khiến chúng đánh mất khả năng nỗ lực trong cuộc sống và động lực tự lực. Tôi cũng hy vọng lấy bản thân làm ví dụ để nói lên điều này với những nhà từ thiện ở Nga cũng như cổ vũ đồng bào tôi và những người khác”.

Theo tạp chí Forbes số ngày 2/6/2015, Potanin là người giàu nhất nước Nga, đứng thứ 60 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, sở hữu tài sản lên đến 14,5 tỷ USD. Ông hy vọng dùng tài sản của mình vào sự nghiệp giáo dục, văn hóa và từ thiện, đặc biệt là ở Nga.

siêu tỷ phú Vladimir Potanin
(Ảnh qua philanthropy.coutts.com)

7. Sara Blakely: Từ nhỏ đã luôn muốn giúp đỡ các bạn nữ

Người sáng lập và điều hành không có bằng MBA của thương hiệu đồ lót Spanx, bà Sara Blakely đã thành công bởi việc kiên trì với suy nghĩ “đẹp và thoải mái” cho nữ giới cũng như việc bà dũng cảm không sợ thất bại.

Năm 2006, bà đã thành lập “Quỹ từ thiện Sara Blakely” để giúp đỡ phụ nữ trên toàn thế giới có được cơ hội đi học và lập nghiệp. Bà Blakely từng chia sẻ với “The Giving Pledge” rằng bà muốn quyên tặng hầu hết tài sản của mình để giúp đỡ phụ nữ trên toàn thế giới cải thiện cơ hội được đi học và có nhiều nguồn vốn để lập nghiệp thành công.

Image result for Sara Blakely
(Ảnh qua aib.edu.au)

8. Manoj Bhargava: Để tài sản lại cho con chính là hủy hoại con

Manoj Bhargava là người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty “nước tăng lực 5-hour Energy”. Bhargava trở nên giàu có bằng việc đầu tư loại nước uống này vào đầu năm 2000.

(Ảnh: crainsdetroit.com)
(Ảnh: crainsdetroit.com)

Bhargava đã quyên tặng hơn một nửa số tài sản của ông cho việc làm từ thiện ở Ấn Độ, bao gồm việc cải thiện nguồn cung cấp nước và giảm lượng chất thải từ nhiên liệu hóa thạch.

Brahgava cho biết: “Sự lựa chọn của tôi rất đơn giản, để tài sản lại cho con trai tôi và hủy hoại thằng bé hoặc quyên tặng hầu hết số tiền này cho tổ chức từ thiện”.

Thanh Trúc

Xem thêm: